Chị Hoài thú thật, nhiều khi đang bận rộn việc nhà mà con cứ quanh quẩn bên cạnh hỏi những câu "trời ơi đất hỡi" như thế làm chị cảm thấy đau đầu. "Phải trừng mắt lên, bảo con đừng hỏi nữa, để tối bố về mà hỏi hoặc quát đi chỗ khác chơi cho mẹ làm việc, thì nó mới chịu im", người mẹ 30 tuổi ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM, kể.
Trò chuyện với phụ huynh về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Thị Thúy, chủ biên nhiều đầu sách giáo dục kỹ năng làm cha mẹ giải thích, tuổi lên 3 là giai đoạn phát triển đặc biệt của trẻ. Tính cách đang dần được định hình nên các em có nhiều biểu hiện như bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, nói nhiều hơn, đặc biệt bé luôn đặt rất nhiều câu hỏi.
Trẻ phát triển tốt thì khi lên 3 đã nói được nhiều câu hoàn chỉnh, vốn từ phong phú. Việc phát triển ngôn ngữ giúp các em rèn luyện về tư duy, từ đó càng muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Các bé hỏi bất cứ thứ gì chúng nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí vừa hỏi xong lại hỏi lại.
Trẻ nói nhiều, hỏi nhiều, đôi khi làm người lớn mất kiên nhẫn nên thường quát mắng: “Con hỏi gì hỏi lắm thế. Mệt với con quá đi, đi chỗ khác chơi…”. Thực tế, cách ứng xử như vậy ảnh hưởng rất xấu tới trẻ.
Như trường hợp vợ chồng anh Trung, những câu hỏi dạng "Cái gì vậy, tại sao vậy, tại sao lại như thế?" dường như là những câu cửa miệng của cậu con trai út mới 3 tuổi rưỡi. Anh Trung (28 tuổi, quận 10) thú thật: "Nhiều khi những câu hỏi của cháu làm cả ông bà, bố mẹ cũng lúng túng, không biết trả lời thế nào cho phù hợp".
Ông bố trẻ nhớ lại, ngày đầu tiên cậu con trai của anh đi học về, buổi tối gia đình ngồi ăn cơm, bé bỗng tròn mắt thắc mắc: "Sao con thấy bạn Lan khi đi tiểu phải ngồi xuống hả mẹ?". Câu hỏi vô tư của đứa trẻ khiến bố mẹ như "gà mắc thóc" không biết nên nói gì. Cuối cùng mẹ bảo: "Con còn bé không nên để ý như thế, để mai mốt lớn lên con sẽ biết".
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, trẻ càng thông minh càng ham hỏi và ngược lại, càng ham hỏi càng thông minh. Điều quan trọng nhất để học được mọi thứ xung quanh là phải biết hỏi. Việc đặt câu hỏi là kỹ năng quan trọng nhất để mỗi người hình thành khả năng học hỏi đến suốt đời. Giai đoạn lên ba cũng là thời điểm tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng này.
Nếu cha mẹ vì bận rộn, áp lực từ cuộc sống, công việc mà thiếu đi sự quan tâm tới con, không khuyến khích bé hỏi, không nỗ lực trả lời các thắc mắc của trẻ thì sẽ là thiệt thòi lớn cho chúng. Các bé này sẽ mất dần nhu cầu hỏi để biết, từ đó dẫn đến tự ti, thụ động, kém hoạt bát. Sau này lớn lên, các em sẽ không dám đặt câu hỏi với thầy cô để hiểu rõ hơn kiến thức, không dám đặt câu hỏi với chính mình để tự vấn, để tìm cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Hệ quả là trẻ học kém, giao tiếp kém, làm việc thiếu tính sáng tạo và chủ động.
Với trẻ chủ động hỏi, người lớn cần phải mừng vì bé có tố chất thông minh, ham khám phá. Người lớn cần học cách dành thời gian tối đa khi ở bên con cái, “giờ nào việc nấy” để quan tâm thực sự tới con, không bị sao nhãng bởi những lo toan của cuộc sống khi ở cùng trẻ. Khi đó, bé hỏi, cha mẹ sẽ có đủ kiên nhẫn, bình tâm trả lời.
Ngược lại, đối với những đứa trẻ ít thắc mắc, người lớn cần đặt câu hỏi cho trẻ trả lời, từ đó khuyến khích trẻ đặt câu và học cách đặt câu hỏi từ người lớn. Chẳng hạn, cha mẹ có thể hỏi: “Con biết tại sao con cần uống sữa không? Con ơi, hôm nay con đi học có vui không?”..., Sau đó người lớn hãy kiên nhẫn cùng trẻ tìm ra câu trả lời.
Đặt câu hỏi và trả lời là một quá trình tư duy. Trẻ có thể hình thành tư duy tích cực, tư duy sáng tạo, tư duy nhiều chiều, tư duy phân tích hay không chủ yếu được hình thành và rèn luyện qua quá trình hỏi và trả lời. "Trẻ nào có sự ham hỏi, mạnh dạn, tự tin hỏi và trả lời, trẻ đó khi đi học sẽ tiếp thu bài nhanh, kiến thức phong phú, ngày càng tự tin và thành công hơn", bà Thúy khẳng định.
Thi Trân