Ngày 20/2, bác sĩ Thạch Thị Ngọc Khanh, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân nhập viện đã bị liệt nửa người trái. Kết quả chụp chiếu phát hiện khối dị dạng mạch máu não gây vỡ thông động tĩnh mạch màng cứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến chảy máu não.
Các bác sĩ hồi sức thần kinh cho bệnh nhân, thông khí cơ học, can thiệp nút vị trí vỡ mạch và mở sọ, lấy khối máu tụ. Sau ca can thiệp nút khối dị dạng mạch, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Khanh, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu não, tỷ lệ tử vong rất cao. Trước khi vỡ mạch máu, bệnh nhân thường có triệu chứng đau đầu, điều trị không khỏi. Trường hợp dị dạng lớn gây chèn ép não, người bệnh có thể bị bại liệt tay chân.
Khi vỡ mạch máu, bệnh nhân thường đau đầu dữ dội, huyết áp tăng, nôn, liệt nửa người, loạn ngôn hoặc không nói được. Nhiều trường hợp ý thức mơ màng, bị hôn mê. Phần lớn bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có triệu chứng, khi phát hiện thì dị dạng đã vỡ, điều trị khó khăn, nguy hiểm tính mạng.
Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh (AVM) hoặc hình thành theo thời gian (phình mạch não). Hai phương pháp phổ biến khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính. Hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều trang bị cả hai loại máy này, chi phí khoảng 2,5 triệu đồng/lần chụp cộng hưởng từ và 1,9 triệu đồng/lần chụp cắt lớp vi tính.
Theo các bác sĩ, nhiều năm mới chụp kiểm tra mạch máu não một lần, nên chi phí này không tốn kém. Phát hiện dị dạng mạch, bác sĩ điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ. Bác sĩ khuyến cáo người lớn tuổi lẫn người trẻ đều cần kiểm tra tầm soát mạch máu não, đặc biệt khi có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, co giật tái phát nhiều lần.
Thúy Quỳnh