"Nếu Nhà nước cho vay vốn, miễn giảm thuế để doanh nghiệp đầu tư xây nhà lưu trú, nhà trẻ cho con em công nhân, sẽ giải được bài toán thiếu trường lớp, đồng thời giúp công nhân yên tâm sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp". Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý Lao động, thuộc Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) TP HCM nhận định như thế khi trao đổi với VnExpress.net về phương án giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà trẻ tại địa bàn KCN hiện nay.
Gần đây, khi hàng loạt vụ việc sai phạm tại nhiều nhà trẻ tư bị phát hiện, điển hình là vụ bảo mẫu Trần Thị Phụng "tắm hành xác" bé Ngân, nghi án bảo mẫu Võ Thị Y bỏ thuốc ngủ vào thức ăn của trẻ (Bình Dương), bà Quảng Thị Kim Hoa đánh đập tàn nhẫn các trẻ em nuôi tại nhà ở Đồng Nai, ... thì bài toán nhà trẻ cho con em công nhân nhập cư nghèo lại được ban quản lý các KCN đặt ra.
![]() |
Mặc dù biết con có thể gặp nguy hiểm, song vì nhiều lý do khác nhau, những công nhân nghèo đành phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát. Ảnh: Thi Trân. |
Lý giải thực trạng này, ông Lâm cho rằng, ngay từ khâu quy định về xây dựng KCN, khu chế xuất ở Việt Nam gần như chỉ tập trung hạn định điều kiện về vệ sinh, môi trường, diện tích cây xanh chứ chưa quy định rõ doanh nghiệp có trách nhiệm đối với đời sống người lao động và con em họ. Vì thế sau một quá trình phát triển công nghiệp lâu dài, ở nước ta đã phát sinh những hệ lụy xã hội như hiện nay.
Cũng cần kể đến một thời gian dài trước đây, nhiều địa phương chủ trương xem người nhập cư là một vấn nạn xã hội nên không dành ưu đãi gì cho họ. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại, chính tầng lớp lao động phổ thông này đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của các địa phương đó. Vì thế trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ cần phải được chính quyền sở tại quan tâm nhiều hơn.
Đã có một số doanh nghiệp nước ngoài tại TP HCM đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhận, song không được sự hỗ trợ của chính quyền, cụ thể là vẫn thu thuế theo giá dịch vụ, nên không chủ trương tiếp tục mở rộng quy mô. Vì thế theo ông Lâm, ngoài việc cụ thể hóa điều khoản này trong văn bản luật, chính quyền cần quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhiều hơn.
"Một mặt cần xem xét không cấp phép cho các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật 'ăn xổi ở thì', đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lâu dài vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế... trong việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội chính đáng cho người lao động", ông Lâm khuyến nghị.
Ở góc độ khác, bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, (thuộc Sở Lao động Thương binh - xã hội) cho rằng, nước ta cần nhắm đến việc xã hội hóa giáo dục mầm non. Thay vì cấm loại hình nhóm trẻ tại gia thì nên khuyến khích những cơ sở này đi vào nề nếp, tuân thủ những quy định tối thiểu về cơ sở vật chất nuôi dạy, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành giáo dục tăng cường tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ cho các bảo mẫu, đào tạo thêm đội ngũ giáo viên mầm non...
![]() |
Bé Đức (con anh Tùng) trong vụ "nghi án bảo mẫu cho trẻ uống thuốc ngủ" vừa qua. Anh cho biết sắp tới sẽ gửi con về quê cho ông bà nội nuôi giùm vì cháu còn quá bé không có trường nào nhận. Ảnh: Thi Trân. |
Tại Bình Dương - địa bàn thời gian qua xảy ra nhiều vụ bảo mẫu bạo hành với trẻ, hiện nay có khoảng 700.000 lao động nhập cư (riêng nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 80%), kéo theo số lượng trẻ em đến tuổi mẫu giáo mỗi năm tăng thêm khoảng 5.000 em. Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có 265 cơ sở giáo dục đủ điều kiện nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Xuất phát từ nhu cầu lớn bị bỏ ngỏ này mà 157 cơ sở trái phép đã mọc lên và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, thậm chí người ta nhận nuôi trẻ ngay tại phòng trọ ẩm thấp, chật chội không đủ an toàn. Theo khảo sát của VnExpress.net, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Dọc theo đại lộ Bình Dương, các điểm giữ trẻ tại gia không phép dường như không đếm xuể chỉ với một tấm biển "nhận trông trẻ giá rẻ". Hầu hết bảo mẫu ở đây chưa được đào tạo kỹ năng nuôi dạy trẻ, mà chỉ nhận giữ vài cháu để kiếm thêm thu nhập, thậm chí họ còn không biết việc nuôi trẻ không có giấy phép là phạm pháp. Chính vì thế mới dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm, thậm chí gây tử vong cho trẻ do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người trông giữ.
Trong khi đó, công nhân mặc dù biết gửi con ở những nơi như thế này là "một điều lành 9 điều dữ", song vì 1001 lý do khác nhau buộc họ phải nhắm mắt gửi con và phó mặc cho "lòng quảng đại" của bảo mẫu.
Chị Tuyết (công nhân KCN Việt Nam Singapore) băn khoăn: "Nghe tin con người ta bị bạo hành mình cũng run lắm, thương con muốn gửi vào trường công nhưng mình mới ở quê vào làm gì có hộ khẩu, trong khi suất vào trường công vốn đã quá ít ỏi. Với lại vợ chồng mình phải tăng ca thường xuyên đến 8h tối mới về nên gửi con ở nhà người ta trông thì tiện hơn".
![]() |
Sĩ số lớp học ở các trường công lập hầu hết đều quá tải so với quy định. Trong ảnh là các cháu một nhà trẻ đang xếp gối nệm của mình để chuẩn bị nghỉ cuối tuần. Ảnh: Thi Trân. |
Nhìn nhận thực trạng trên, bà Nguyễn Ngọc Xuyến, Hiệu phó trường Mầm non Hoa Mai 4 (phường Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương, địa bàn tập trung nhiều KCN lớn - nơi xảy ra vụ bảo mẫu "tắm hành xác" bé 3 tuổi) cho biết, toàn phường chỉ có 4 trường mẫu giáo (một công lập và 3 tư thục) đủ điều kiện và được cấp phép, bên cạnh 58 nhà trẻ và nhóm trẻ không có giấy phép đang hoạt động.
Trong khi đó tại trường Mầm non Hoa Mai 4 (trường công lập duy nhất trên địa bàn) thì sĩ số học sinh ở mỗi lớp đều vượt mức cho phép. Cụ thể theo quy định của Bộ Giáo dục số lượng học sinh mẫu giáo tối đa từ 25 đến 35, song thực tế con số này hiện tại lên đến 47-48 em.
"Năm học nào cũng vậy, trường vừa bắt đầu mở cửa thì phụ huynh đã kéo đến chật cứng để xin cho con học, nhưng chúng tôi chỉ nhận đủ sĩ số. Có nửa số phụ huynh bỏ về vì không xin được", bà Xuyến nói. Hiệu trưởng này cho biết, từ gần chục năm nay nhà trường đã gửi đơn xin cơ quan hữu trách phê duyệt cho xây thêm 20 phòng học nữa, song đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.
Theo khảo sát của VnExpress.net, hiện nay trên địa bàn các KCN lớn tại tam giác công nghiệp miền Nam gồm: Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM đều tồn tại hàng trăm điểm giữ trẻ tự phát không đảm bảo điều kiện tối thiểu về vệ sinh, sân chơi cho trẻ, trình độ nghiệp vụ của bảo mẫu...
Thi Trân