Theo tôi những người chỉ trích đã quá vội vàng và nhận xét đầy cảm tính khi nói về bài toán này. Để tránh những đánh giá cảm tính, mọi người nên tìm hiểu bài toán sâu và rộng hơn. Tôi đã tìm hiểu qua mạng và biết kha khá thông tin về bài toán.
Trước tiên là nguồn gốc. Đây là một bài toán nổi tiếng có thể tìm thấy ở trên mạng, với tên gọi “Tuổi của thuyền trưởng” (Age of the captain). Phiên bản gốc của nó đã xuất hiện từ rất lâu, cách đây 173 năm về trước (năm 1841), trong một lá thư của nhà văn Pháp Gustave gửi em gái.
Nội dung bài toán đã được dịch qua tiếng Việt: "Bởi vì em đang học hình học và lượng giác, anh sẽ đố em một câu như sau. Có một chiếc tàu đang lênh đên trên đại dương. Con tàu chở bông này xuất phát từ cảng Boston.
Số hàng hóa có tổng trọng lượng là 200 tấn. Con tàu dự kiến sẽ cập cảng Le Havre. Cột buồm chính bị gẫy và cậu bé phục vụ cabin thuyền trưởng đang ở trên boong. Có 12 hành khách trên tàu, gió đang thổi theo hướng Đông - Bắc – Đông, đồng hồ chỉ 3 giờ 15 phút buổi chiều. Bây giờ là tháng Năm. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?".
Chắc chắn bài gốc không phù hợp với học sinh tiểu học rồi. Tuy nhiên, bài toán có một phiên bản đơn giản hơn rất nhiều, dành cho học sinh lớp 2, lớp 3 (có tài liệu ghi là lớp 1, lớp 2) ở Pháp: “Có 26 con cừu và 10 con dê trên thuyền. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”.
Thông tin này được viết ở trong sách The Number Sense. Phiên bản này được đưa ra chính thức bởi nhà giáo dục, nhà toán học người Pháp tên Stella Baruk (sinh năm 1930) trong một cuộc khảo sát chính thức.
Trong cuộc khảo sát ấy, 76 học sinh trên 97 học sinh đã giải bằng cách lấy các con số trong đề để tính toán. Có lẽ muốn vừa sức với học sinh lớp 2 hơn, nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực, thậm chí đã viết lại một phiên bản đơn giải hơn khi đưa vào sách bài tập lớp 2.
Về ý nghĩa giáo dục, bài toán đã chỉ ra một vấn đề quan trọng trong toán học. Đó là: để tìm ra kết quả đúng, ta phải sử dụng những con số một cách đúng đắn. Tuy nhiên, đôi khi người ta lại mắc sai lầm vì đã quá chú trọng tới các con số mà quên đi ý nghĩa của chúng.
Tôi nghĩ rằng phần lớn học sinh lớp 2 chưa có kinh nghiệm sẽ trả lời sai, cũng giống như trong khảo sát của bà Stella Baruk. Tuy nhiên sau khi được giải đáp và hướng dẫn bài bản, học sinh sẽ rút kinh nghiệm và tôi tin chắc sẽ có nhiều bé xác định được đề sai khi gặp một bài tương tự. Điều đó không tốt cho bé sao?
Bên cạnh đó, đây chỉ là bài tập đánh dấu * trong sách bài tập, đã có cả phần giải đáp. Bài này đâu đã ra thi, kiểm tra, chấm điểm mà mọi người đã vội hoang mang? Tới giờ này, tôi đã thấy có ít nhất 4 học giả có tên tuổi, học hàm cao sử dụng bài toán, hoặc ủng hộ việc sử dụng bài toán để dạy học.
Một là nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực, nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy toán tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn. Ông đã viết trên 400 sách về toán và phương pháp dạy toán cho học sinh tiểu học. Ông cũng là người đưa đề toán này vào sách bài tập toán lớp 2 ở Việt Nam.
Hai là phó giáo sư Văn Như Cương (sinh năm 1937), là tiến sỹ toán, nhà giáo, hiệu trưởng trường phổ thông trung học Lương Thế Vinh. Ba là tiến sĩ toán Lê Thống Nhất (sinh năm 1955). Bốn là bà Stella Baruk, một nhà toán học, giáo dục học, giáo viên người Pháp (đã đề cập ở phần trên).
Tôi nghĩ, ngoài việc là học giả, nhà giáo, tiến sĩ, giáo sư, họ cũng đã làm cha, mẹ, ông, bà. Họ có thể có kinh nghiệm, kiến thức về việc dạy học sinh, dạy con, dạy cháu bằng hoặc nhiều hơn những người đã phê bình, chỉ trích bài toán.
Qua một số thông tin chia sẻ trên, tôi nghĩ những người đã, đang, và sắp chỉ trích bài toán nên suy nghĩ, xem xét lại một số vấn đề sau.
Các bạn đã tìm hiểu vấn đề sâu và rộng tới đâu? Các bạn có biết rằng bài toán đã có nguồn gốc lâu đời (173 năm về trước)? Các bạn có hiểu được hết ý nghĩa, công dụng của bài toán? Các bạn có biết rằng bài toán đã được những nhà giáo dục ở nước ngoài cho học sinh lớp 1,2, hay 3 làm?
Các bạn đã có bao nhiêu kiến thức về giáo dục, về sư phạm? Các bạn đã từng dạy bao nhiêu đứa trẻ học lớp 2? Các bạn dựa vào đâu mà tin chắc rằng mình đã hiểu rõ về trẻ em lớp 2 nếu các bạn không học cũng không làm công tác giáo dục, sư phạm?
Tại sao các học giả có học hàm cao, nghiên cứu lâu năm ở Việt Nam và thế giới lại ra đề như thế, hoặc ủng hộ đề bài như thế? Khi đã hiểu kỹ vấn đề, tôi tin chắc mọi người sẽ thấy đây là bài toán nghiêm túc, là chất xám, là sự đóng góp của nhà giáo Phạm Đình Thực và những người đã đưa các phiên bản toán đến với môi trường giáo dục.
Có thể các bạn không ủng hộ ý tưởng này, nhưng các bạn nên tôn trọng khi phản bác. Để thể hiện sự tôn trọng các bạn nên nghiêm túc trong việc tìm hiểu, phân tích vấn đề trước khi các bạn phản bác.
>> Xem thêm: Những đề toán tiểu học đến tiến sĩ còn bó tay
Cộng đồng đau đầu vì đề toán 'đầu cừu, đuôi thuyền trưởng' "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?" |
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.