Những ngày qua, các chuyên gia Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đang chuẩn bị phục dựng lại tiêu bản con bò tót đực 700 kg, lông đen, bốn chân màu trắng vừa được phát hiện chết trong khu rừng thuộc khoảnh 4, tiểu khu 156, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu. Đây là một trong sáu con bò tót chết trong 7 năm qua ở Đồng Nai. Trong đó hai con bị săn bắn, bốn con do già yếu.
Cánh rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn xanh rì, chạy thẳng tắp theo con đường ĐT761. Đây được xem là con đường đẹp nhất miền Đông Nam Bộ khi có gần 40 km chạy qua những tán rừng già, đặc biệt thỉnh thoảng có thể bắt gặp các loài động vật quý hiếm như voi, bò tót...
Men theo con đường mòn đất đỏ đi sâu vào trong lõi, dễ dàng bắt gặp dấu chân bò tót. Ông Mạnh Điệp, 46 tuổi, chuyên gia nghiên cứu về thú móng guốc tại khu bảo tồn, cho biết bò tót ở đây là loài động vật bản địa, sống từ rất lâu. Với đặc tính hoang dã, chúng sống theo bầy đàn và có những khu "lãnh địa" riêng, ít khi di chuyển xa. Ở Đồng Nai hiện có hơn 300 con, trong đó khoảng 200 con tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và hơn 110 con ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Do hai khu rừng giáp nhau nên các bầy bò tót di chuyển qua lại. Ở gần sông Mã Đà là "mái nhà" lâu đời của loài bò tót khi tỷ lệ đàn sống ở đây chiếm phần lớn. Phía tây sông Mã Đà thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, có khoảng 20 con. Tuy nhiên, sinh cảnh ở tỉnh này đã bị thu hẹp do rừng bị chuyển đổi thành đất trồng cao su. Cách đây khoảng 10 năm, hai tỉnh từng có ý định di dời đàn bò tót về rừng Đồng Nai, tuy nhiên sau này Bình Phước muốn giữ lại.
Sống hơn 20 năm trong khu bảo tồn, anh Nguyễn Viết Phương (36 tuổi, xã Mã Đà) cho biết, người dân ở đây thường xuyên bắt gặp bò tót. Chúng thường xuất hiện ven đường vào trạm kiểm lâm Rang Rang, tuyến đường vắt qua tỉnh Bình Phước vào chập tối. Có khi chỉ có một con, nhiều lúc chúng đi theo bầy.
Sáu năm trước, anh Phương chạy xe máy chở bạn từ Bình Phước về Đồng Nai theo đường đất đỏ trong rừng. Bất ngờ con bò tót băng qua đường làm hai anh em ngã nhào, chân anh Phương không may bị con bò giẫm chảy máu. "Rất may khi đó con bò lững thững bỏ đi chứ nếu nó quay lại húc thì có thể tôi đã mất mạng", anh nói.
Cách đây chừng hai tháng, một người đàn ông làm thuê cho hộ dân gần bìa rừng thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, bị con bò tót húc gãy xương vai.
Cũng có không ít trường hợp vào rừng giết hại chúng. 5 năm trước, nhóm thợ săn dùng súng bắn chết con bò 200 kg, rồi xẻ thịt đưa qua Bình Phước tiêu thụ. Người cầm đầu sau đó bị bắt, phạt 5 năm tù về hai tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Để tránh xung đột giữa bò tót và người dân, khu bảo tồn đã dựng bảng cảnh báo khu vực chúng thường xuyên xuất hiện; tuyên truyền vận động người dân cách phòng tránh và hạn chế lại gần, kích động bò tót; ngăn cấm săn bắt...
Ba năm trước, khoảng 30 hộ dân sống ở khu vực Rang Rang (gần sông Mã Đà) đã được tỉnh di dời ra ngoài. Diện tích đất sản xuất của họ được tái tạo thành đất rừng. Các chuyên gia đã tạo nhiều sinh cảnh cho bò tót như túi khoáng chất, trảng cỏ, chậu nước... "Nhờ đó mà bò tót thường xuyên xuất hiện ở đó", tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết.
UBND Đồng Nai đã có dự án di dời hơn 900 hộ dân ở Khu bảo tồn thuộc xã Mã Đà ra khỏi rừng. Những hộ này đa phần định cư từ năm 1987, gồm: dân khai thác trắng trên lòng hồ Trị An, cán bộ nhân viên lâm trường, dân kinh tế mới theo chính sách lâm nghiệp. Tuy nhiên do chưa có kinh phí, tỉnh đang xây dựng đường ven hồ Trị An và thành lập các khu tái định cư. Sau khi ổn định dân cư tại chỗ, con đường xuyên rừng sẽ được đóng lại, chỉ phục vụ nhu cầu du lịch, nghiên cứu, bảo tồn.
Theo tiến sĩ Hảo, việc một số bò tót chết do già yếu là bình thường, phù hợp quy luật sinh tồn. "Qua nghiên cứu và ghi nhận cho thấy bò tót đang phát triển về số lượng cũng như mở rộng địa bàn phân bố. Chúng tôi đang lập kế hoạch để xin dự án nghiên cứu sâu hơn cũng như bảo tồn loại động vật này", ông Hảo cho biết.
Bò tót còn gọi là con gaur, là động vật thuộc họ trâu bò (Bovidae), lông màu sẫm và kích thước lớn, sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á. Chúng nằm trong sách Đỏ, được luật pháp bảo vệ và cấm săn bắn. Ngoài Đồng Nai, bò tót xuất hiện nhiều ở Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Nghệ An...
Phước Tuấn