Cân nặng giảm sút liên tục không rõ nguyên nhân, bệnh nhân vào viện khám, phát hiện khối u lớn 10x15 cm trong lòng đại tràng. U đã biến chứng gây bán tắc ruột, hoại tử, cần phẫu thuật.
Ngày 29/6, Ths.Bs Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc chuyên môn Ngoại - Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, cho biết gần 3 giờ phẫu thuật, ê kíp cắt đoạn ruột kèm khối u khổng lồ đại tràng phải. Các bác sĩ đồng thời nạo vét hạch, tái tập lưu thông tiêu hóa. Sau 5 ngày theo dõi và điều trị, bệnh nhân dần phục hồi sức khỏe và vừa xuất viện.
Theo bác sĩ Tâm, khối u đại trực tràng khi còn nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Giai đoạn muộn, các triệu chứng dễ nhận thấy hơn khi bệnh tiến triển như đau bụng quặn từng cơn hoặc hạ sườn, rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, chướng bụng...).
"Triệu chứng đau hạ sườn phải có thể dễ nhầm lẫn với bệnh lý gan mật, rối loạn tiêu hóa", bác sĩ nói. Nếu không được can thiệp kịp thời, khối u vỡ gây viêm phúc mạc toàn thể và tử vong trong bối cảnh nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm quanh u, mất máu.
Nhóm dễ có nguy cơ mắc bệnh là người trên 50 tuổi, thừa cân hoặc hút thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều chất béo, hoặc có lịch sử cá nhân hay gia đình có các khối u hay ung thư đại tràng... Nội soi tiêu hóa là phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng tốt nhất hiện nay. Thực hiện định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần là cách tốt nhất để phát hiện các polyp nhỏ (tiền ung thư) và cắt bỏ qua nội soi.
Khi có các dấu hiệu như bụng đau quặn, ợ chua, chướng bụng, trào ngược, suy nhược... cần đến ngay bệnh viện để bác sĩ kiểm tra sức khỏe và tư vấn cụ thể.
Lê Phương