Năm tháng trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa vết dấu nhưng công trình 500kV Bắc-Nam vẫn còn đó như chứng nhân lịch sử cho lòng quả cảm, tinh thần lao động sáng tạo, quên mình của biết bao người công nhân ngành điện. Trải qua biết bao biến động, thăng trầm, giờ đây công trình 500kV Bắc - Nam đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Việt Nam, ghi dấu ấn ở khắp miền đất nước.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 90, nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước đã đặt áp lực rất lớn cho ngành điện Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam – khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh và điện luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Ý tưởng hình thành một hệ thống điện quốc gia đã ra đời và đến nay công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 đã tròn mốc 20 năm vận hành. Đường dây này không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam mà nó còn tạo đà cho hệ thống điện 500kV của đất nước phát triển.
![Đường dây 500KV Bắc - Nam. (Ảnh: EVN)](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/08/07/duong-day-500kv-2-1407398026-4704-1407406905.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r15AIStcib_Ri7Ea6wcvOA)
Đường dây 500KV Bắc - Nam. (Ảnh: EVN)
Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng như: 500kV Phú Mỹ - Song Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La – Hiệp Hòa – Quảng Ninh – Thường Tín – Nho Quan – Hòa Bình. Đây là tiền đề để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước. Không những thế, lưới điện truyền tải đã đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV...
Thuở nhỏ mỗi khi về quê ngoại, thấy mọi người dùng đèn cầy để thắp sáng, tôi thường tự nghĩ chắc phải có một anh hùng cao to mới có thể mang điện về đến từng nhà. Và rồi người anh hùng ấy đã xuất hiện, đó chính là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đã dũng cảm đưa ra quyết định thực hiện công trình hệ thống lưới điện 500kV Bắc - Nam. Trong bối cảnh đất nước khi ấy, số tiền gần 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) là một vấn đề rất lớn nhưng những người lãnh đạo đất nước vẫn quyết tâm thực hiện. Và đến nay sau 20 năm, công trình ấy đã mang lại ánh sáng cho hàng chục triệu người dân Việt Nam – đó chính là minh chứng cho quyết định đúng đắn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vì sự phát triển của ngành điện Việt Nam bên cạnh sức lao động của hàng vạn con người khi tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện siêu cao áp.
![duong-day-500kv-1-1407398026-9894-140740](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/08/07/duong-day-500kv-1-1407398026-9894-1407406905.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VED2CsaeAVnHWjBiOT-Yvg)
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho ngành điện Việt Nam.
Được chứng kiến đất nước từng ngày thay da đổi thịt, tôi càng thêm niềm tin yêu và tự hào vì sự đóng góp công lao của các bậc cha anh đối với sự phát triển của đất nước. Đó là sự quyết tâm của những người lãnh đạo có tầm nhìn xa; là mồ hôi, công sức, là những giọt máu của hàng vạn công nhân ngành điện; là sự hy sinh, đồng lòng ủng hộ của nhân dân cả nước. Trong vòng 20 năm, từ một đất nước phải thường xuyên bị cắt điện luân phiên, đến nay lưới điện có thể cung cấp đủ điện cho nền kinh tế với sản lượng truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh một năm, đến năm 2020 từ 265 - 275 tỷ kWh một năm, đồng thời duy trì và phát triển hệ thống truyền tải liên kết với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia ở cấp điện áp 220-500kV. Hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống người dân cả nước ngày một ổn định, nâng cao. Để tạo dựng được hình ảnh mới như hôm nay, không chỉ có sự chuyển mình thay đổi lối tư duy theo cơ chế mới mà nó còn là kết quả của biết bao tháng ngày trăn trở từ những người đứng đầu đất nước.
Cuộc thi "Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam" do Báo điện tử VnExpress, Công ty Schneider Electric Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) tổ chức từ ngày 29/7 đến ngày 2/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tác phẩm dự thi có thể là bài viết, chùm ảnh sáng tác hoặc video clip thể hiện suy nghĩ, chia sẻ về sự phát triển, vẻ đẹp của các công trình điện, điện năng trong cuộc sống; những kỷ niệm hoặc kỷ vật liên quan đến công trình biểu tượng này... Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Ngọc Quang