Tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội, những can dầu loại 5 lít, 20 lít được các quầy hàng khô, tạp hóa bày bán rất nhiều, bên ngoài còn nguyên nhãn mác của các thương hiệu lớn. Các tiểu thương cho biết dầu sản xuất tại cơ sở tư nhân, đóng vào can cho dễ vận chuyển.
Chị Xuân, chủ một quầy hàng giới thiệu 2 loại dầu thực vật và dầu động vật. Dầu thực vật có gần chục loại trong đó đắt nhất vẫn là các thương hiệu nổi tiếng. Còn những loại mang "thương hiệu" lạ bán với giá 400.000 đồng cả thùng carton, không bán lẻ. Bên trong thùng, sản phẩm được đóng vào túi nilon, không có thông tin cụ thể về nhà sản xuất.
Rẻ nhất vẫn là sản phẩm không nhãn mác, được sản xuất tại những cơ sở tư nhân có giá 80.000 đồng một can 5 lít. "Các hàng quán bình dân, bún đậu mắm tôm, bánh rán, bánh tôm, giò chả... hay mua loại này, sang hơn thì lấy loại 400.000 đồng một thùng vì giá rẻ", chị Xuân nói.
Chị Hường, chủ một quầy hàng cho biết chiên thức ăn với các loại dầu ăn này sẽ nhanh lên màu, đẹp hơn. "Khách hàng chủ yếu của chúng tôi là các quán ăn. Họ mua cả vài chục lít một lúc. Nếu bán hàng ăn, dùng loại này mới có lãi chứ mấy loại xịn thì ăn thua gì", chị Hường nói.
Theo phân tích của chủ quầy, hiện trên thị trường, các loại dầu có thương hiệu được bán với giá trên 200.000 đồng mỗi can 5 lít, tương đương hơn 40.000 đồng một lít, đắt gấp hai, ba lần loại không rõ nguồn gốc. "Đồ ăn sau khi rán lên thì khách hàng cũng khó mà biết được dầu rán là loại đắt hay rẻ", chị Hường nói.
Lý giải về nguồn gốc sản phẩm, chủ các sạp hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết, có một vài đơn vị sản xuất tư nhân ở Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh)... cung cấp cho các quầy tạp hóa trong chợ. Giá cả giữa các cơ sở cũng khá cạnh tranh.
Tại Hà Nội, không riêng ở chợ Đồng Xuân, khách hàng không khó để tìm mua các loại mỡ động vật hoặc dầu ăn không nhãn mác tại các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Nghĩa Tân, Thành Công... Mặt hàng này được bán với giá từ 80.000 đồng một can 5 lít.
Tại TP HCM, việc bán dầu ăn không rõ nguồn gốc ở các chợ cũng diễn ra rất nhộn nhịp. Tại con hẻm nhỏ chợ tự phát Cầu ông Lãnh (quận 1), dầu ăn giá rẻ được đựng trong các xô chứa bằng nhôm và can nhựa.
Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, tiểu thương ở đây đều cho biết nhập hàng từ các hãng dầu ăn lớn. Tuy nhiên, khi nhìn xuống can sản phẩm này lại ghi nguồn gốc từ một Công ty TNHH dầu thực vật ở quận 8.
Tiểu thương ở đây còn "tư vấn" thêm, nếu mua dầu sử dụng vào mục đích bán hàng, chiên bánh, bột thì loại dầu này là hợp lý nhất vì không hao, giá lại rẻ, chỉ có 24.000 đồng một lít nếu mua lẻ, còn nếu mua với số lượng lớn có thể bớt vài nghìn đồng.
“Các cơ sở bánh bao chiên, hành phi, thậm chí nhà hàng quán ăn cũng ra đây để mua sản phẩm này nên khách hàng cứ yên tâm về chất lượng”, một tiểu thương trấn an.
Không chỉ đựng các sản phẩm dầu ăn không rõ nguồn gốc vào các bao nilon mà nhiều tiểu thương còn cho vào những chai dầu ăn của các hãng lớn để bán cho khách. Giá cả các sản phẩm này dao động quanh mức 22.000-26.000 đồng một lít, rẻ hơn so với sản phẩm chính hãng bán tại đại lý hay siêu thị 4.000-8.000 đồng.
Ngoài chợ tự phát Cầu ông Lãnh (quận 1), tại chợ tự phát đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) hay chợ Tam Bình (quận Thủ Đức) cũng bán khá nhiều sản phẩm này. Nhiều tiểu thương gọi đó là dầu cọ hoặc dầu xá và cho biết, loại dầu này đang được nhiều đơn vị bán hàng rong, quán ăn… ưa chuộng.
Chủ một xe đẩy bột chiên trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) cho hay, để bán đĩa bột chiên chỉ với 12.000-15.000 đồng nếu không mua dầu xá thì khó mà có lời. Bởi lẽ, bột chiên rất tốn dầu mà các sản phẩm dầu uy tín trên thị trường giá lại cao.
Còn chủ xe đẩy bánh tiêu ở góc đường D1 (Bình Thạnh) cũng cho biết mỗi ngày chiên cả 200 chiếc bánh, nếu chiên dầu có thương hiệu, ngoài chuyện giá cao, còn khó dùng đi dùng lại vì bị khét, trong khi dầu xá dễ dùng hơn nên quyết định lựa chọn sản phẩm này.
Gần đây, một vụ bê bối liên quan đến dầu ăn đã được phát hiện tại Đài Loan. Tập đoàn Chang Guann đã thừa nhận mua 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc của một nhà máy không phép để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhà chức trách xác định 14 sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Hai sản phẩm được phía Đài Loan cảnh báo đang có mặt tại thị trường Việt Nam là dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp. Cơ quan chức năng chưa phát hiện sản phẩm trên thị trường và đang trong quá trình kiểm tra.
Theo tìm hiểu của VnExpress, hiện trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp, đầu mối chuyên đứng ra thu mua các loại dầu thải từ các nhà hàng, quán ăn. Giá cả phụ thuộc vào chất lượng hàng và dao động 7.000-9.000 đồng một lít hoặc kg. Đại diện các đơn vị đều cho biết thu gom để cung cấp cho một số đơn vị sản xuất thức ăn gia súc hoặc dầu diezen sinh học.
Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, không ít cơ sở tư nhân mua dầu ăn đã qua sử dụng về để tái chế, rồi đóng can bán ra thị trường. "Do đó, không loại trừ khả năng các can dầu không nhãn mác được bày bán tại các chợ là loại tái chế, mới có giá rẻ như vậy", bà này cho hay.
Song Hà