Nhạc sĩ Xuân Giao qua đời tối 21/8, ở tuổi 82. Với di sản âm nhạc đồ sộ, ông là tên tuổi thân thuộc với mọi gia đình người Việt. Những ca khúc của ông gắn bó với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ và trải rộng trên nhiều miền quê hương đất nước.
Những câu hát nằm lòng của nhi đồng
Những năm đầu 1980, khi đất nước đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ và bước vào thời kỳ đổi mới, trong ký ức của lứa tuổi nhi đồng, năm tháng đầu đời đã trọn vẹn niềm vui được đi mẫu giáo và được học những ca khúc chỉ bốn câu đơn giản nhưng lại thắm đượm tình yêu thương: “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm/ Tóc bà trắng, màu trắng như mây/ Cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay/ Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui”; hay “Hai bàn tay của em đây em múa cho mẹ xem/ Hai bàn tay của em như hai con bướm xinh xinh/ Khi em đưa tay lên là bướm xinh bay múa/ Khi em đưa tay xuống là con bướm đậu trên cành hồng”.
Ngày ấy, không cần nhạc, không cần đàn, lấy tiếng vỗ tay làm nhịp phách, chỉ cần tiếng cô giáo bắt nhịp là tiếng trò vang lên rổn rảng cả một vùng quê.
Cùng Cháu đi mẫu giáo của Phạm Minh Tuấn, Cả nhà thương nhau của Phạm Văn Minh, Con cò bé bé, Mẹ yêu không nào của Lê Xuân Thọ, Rửa mặt như mèo của Hàn Ngọc Bích… có thể nói những ca khúc của Xuân Giao như Cháu yêu bà đã là bài học vỡ lòng về cuộc sống, về tình yêu thương mà những đứa trẻ đôi mắt còn trong veo, ngơ ngác đã học được từ buổi đầu đến lớp. Có những cô bé, cậu bé, mắt còn long lanh ngấn nước khi được mẹ, được bà đưa đi học nhưng miệng vẫn cùng cô và bạn lẩm nhẩm “Bà ơi bà…”, “Hai bàn tay của em…”, để rồi lớn lên cùng chúng. Từ học sinh nông thôn cho tới học sinh thành thị, tuổi mẫu giáo của rất nhiều thế hệ đã thuộc nằm lòng những câu hát này.
Một ca khúc “dài hơi” hơn của Xuân Giao cũng để lại ký ức đẹp với nhiều thiếu nhi là Em yêu thủ đô. Ca khúc nhẹ nhàng, vui tươi thường được lựa chọn cho các tiết mục múa văn nghệ của học trò nông thôn những năm 1990, khiến những đứa trẻ ngày đó không khỏi bồi hồi ao ước đến một ngày được ra “thủ đô” - được “thăm Bác Hồ”, thăm nơi có những điều vừa thân thương vừa tươi đẹp như trong lời hát. Trong khi, cũng điều đó khiến những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở Hà Nội cùng thế hệ cảm thấy tự hào.
Tuy vậy, đặc biệt nhất trong những ca khúc cho thiếu nhi của Xuân Giao phải nhắc tới Em mơ gặp Bác Hồ. Nhạc sĩ viết ca khúc này chỉ vài ngày khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Hòa trong niềm tiếc thương, đau buồn của hàng triệu người dân Việt Nam lúc đó, Xuân Giao nhớ lại những kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Hồ Chủ tịch. Đó là năm 1946, khi nhạc sĩ mới 14 tuổi, đang học ở Hải Phòng. Kỷ niệm ùa về khiến tác giả đặt bút viết nên những giai điệu trong sáng: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má bác/ Vui bên bác là em múa hát/ Hát bài Hồ Chí Minh muôn năm/ Múa bài Hồ Chí Minh muôn năm”. Hình ảnh giản dị, ấm áp của Bác Hồ theo ca khúc đã đi vào giấc mơ của bao thế hệ nhi đồng hàng mấy chục năm, kể từ khi bài hát ra đời năm 1969.
Với nhạc thiếu nhi, Xuân Giao đã thể hiện đúng tinh thần chuyển tải những gì giản dị, thân thương và trong sáng nhất. Những ca khúc của ông gieo tình yêu nguyên sơ về cuộc sống, gia đình, quê hương, đất nước trong những tâm hồn “như tờ giấy trắng”.
Những khúc ca dọc dài đất nước
Ngoài những bài hát thiếu nhi, nhạc sĩ Xuân Giao được nhắc tới như một cây đại thụ của làng nhạc cách mạng qua những tác phẩm viết về quê hương, đất nước. Các sáng tác của ông trải dài khắp nhiều địa danh trên mọi miền Tổ Quốc. Đó là Đất mỏ anh hùng với những ca từ đầy hân hoan, khí thế, là Bình minh Hạ Long, hay là Bài ca biên phòng, Giữ biển trời Quảng Bình -Vĩnh Linh...
Trong những năm 1966-1967, khi miền Bắc bị bom Mỹ đánh phá, cùng đoàn văn nghệ sĩ tới khu bốn thâm nhập thực tế sáng tác, Xuân Giao đã chứng kiến sự kiên cường, bền bỉ của con người xứ Thanh, của cây cầu Hàm Rồng hiên ngang sừng sững giữa những thời khắc đạn bom khói lửa. Trong bối cảnh đó, người dân nơi đây vẫn sống cuộc sống lạc quan, bình dị bên dòng sông Mã nên thơ, hùng vĩ. Ca khúc vừa trữ tình, vừa hào sảng Chào sông Mã anh hùng đã ra đời: "Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng, soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang/ Ơi quê ta bao yêu thương, vang nước sông tiếng hát anh hùng/ Hùng vĩ đứng bên Hàm Rồng đó, cau chuối bờ Nam Ngạn tươi xanh/ Bên cô dân quân hiên ngang, mãi mãi vang cùng sông Mã kiên cường”. Ca khúc đã trở thành bản hùng ca của người xứ Thanh, được cất lên qua giọng ca nhiều thế hệ ca sĩ. Từ năm 1979, Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa đã lấy Chào sông Mã anh hùng làm nhạc hiệu.
Cũng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ gian nan, khốc liệt, trên đường đi thực tế sáng tác ở cung đường khói lửa Trường Sơn, Xuân Giao đã chứng kiến cảnh những cô giao liên chỉ độ từ 16 tới đôi mươi, trong đêm tối vẫn thoăn thoắt băng rừng dẫn lối cho các đoàn bộ đội. Gian khổ là thế nhưng các cô vẫn vui tươi, lạc quan. Những hình ảnh đó đã ám ảnh Xuân Giao để rồi những giai điệu rộn ràng của Cô gái mở đường ra đời năm 1965. "Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn/ Bàn tay em phá đá mở đường (...)/ Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/ Em vẫn mở đường để xe tiến bước".
Đây được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn năm nào. Ca khúc thường được thể hiện trong những dịp kỷ niệm, gặp gỡ của thanh niên xung phong. Không ít những cô gái "tóc xanh tuổi trăng tròn" ngày ấy giờ đã hy sinh, những người còn sống cũng đã tóc bạc trên đầu. Họ thường ngồi với nhau, nghe hay hát cho nhau Cô gái mở đường mà rơi nước mắt. Với thế hệ trẻ, đó luôn là những giai điệu để qua đó, họ được sống chung không khí của một giai đoạn mà bà, mẹ họ đã đi qua, để tự hào và được tiếp thêm nhiệt huyết sống của tuổi thanh xuân.
Hoàng Anh