Khi nói về Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), trong ký ức ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) chưa quên những ngày đầu khởi tạo. Khi đó là năm 2001, ông Trực ở tuổi 62 đang giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương, đến kỳ nghỉ hưu. Bí thư Thành uỷ TP HCM khi đó là ông Nguyễn Minh Triết ra Hà Nội xin Trung ương để ông Trực về thành phố tiếp tục công tác, phụ trách Dự án phát triển Khu công nghệ cao.
Lý do, dự án đã được nghiên cứu từ lâu nhưng triển khai còn chậm vì nhiều lẽ, trong đó có nguyên nhân thiếu người chịu trách nhiệm chính. "Ra đời từ năm 2002 nhưng để có được Khu công nghệ cao TP HCM, thành phố đã ấp ủ ý tưởng, bắt tay hành động từ 10 năm trước", ông Trực kể. Ông nhận nhiệm vụ và bắt đầu hàng loạt công việc, từ tập hợp lực lượng, xây dựng thể chế, bảo vệ quy hoạch tổng thể, báo cáo khả thi, quảng bá và xúc tiến đầu tư...
Nhớ lại những năm sau Đổi mới, ông Trực (khi đó là Phó chủ tịch UBND TP HCM phụ trách kinh tế) cho biết thành phố đã tính đến chuyện thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chưa rõ phương thức nào.
Năm 1991-1992, đất nước còn bị Mỹ cấm vận, quan hệ với các nước tư bản không dễ dàng. Muốn khảo sát, nghiên cứu thế giới, thành phố phải cử một đoàn lãnh đạo dưới danh nghĩa hiệp hội doanh nghiệp qua học tập mô hình khu chế xuất Cao Hùng (Đài Loan). Họ trở về nước rồi tiến thành xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận.
Sau đó, thấy khu chế xuất là nơi gia công xuất khẩu, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phát triển, lãnh đạo thành phố đã nghĩ tới việc thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ tiên tiến hơn (khi đó chưa có khái niệm công nghệ cao). Bởi nếu không có chiến lược phát triển đột phá, cứ loay hoay ở nông nghiệp và công nghiệp truyền thống thì sẽ bị tụt hậu.
Trong một lần làm việc với ông Đậu Ngọc Xuân (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư), thành phố đã thảo luận về yêu cầu phải nâng cao chất lượng và trình độ công nghệ của các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. "Xuất phát điểm ý tưởng của một khu công nghệ cao tương lai đã được hình thành như thế", ông Trực nói.
Vùng đất được chọn để xây dựng Khu công nghệ cao ngày nay, xưa là vùng chiến khu bưng biền của 6 xã thuộc huyện Thủ Đức, phần lớn diện tích là ruộng lúa bạc màu, một phần hoang hoá. Ban đầu diện tích quy hoạch rộng tới 1.200 hecta.
Tháng 4/1993, quyền Chủ tịch UBND TP HCM Trương Tấn Sang quyết định thành lập tổ nghiên cứu và triển khai đề án xây dựng Khu công nghiệp kỹ thuật cao, giao ông Phạm Chánh Trực trực tiếp chỉ đạo. Hơn một năm sau đó, Thủ tướng chấp nhận chủ trương xây dựng dự án này.
Sau khi thành lập, việc đầu tiên của nhóm nghiên cứu là ra nước ngoài học tập kinh nghiệm các nước phát triển, họ đi nhiều khu công nghệ cao, công viên khoa học ở Pháp, Đức, Mỹ, Nhật...
Đầu năm 1995, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghiệp kỹ thuật cao với diện tích 800 hecta. Cùng năm này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt duyệt tổng thể quy hoạch, xác định Khu công nghiệp kỹ thuật cao thuộc 33 khu công nghiệp ưu tiên đầu tư đến năm 2000.
Năm 1997, Khu công nghiệp kỹ thuật cao được đổi tên thành Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP). Ngày 26/10/2002, sau khi Thủ tướng quyết định thành lập Ban quản lý SHTP, Thành uỷ và UBND TP HCM tổ chức hội nghị tại Hà Nội để đánh giá dự án. Nhiều lãnh đạo Trung ương, bộ ngành khi đó đồng tình với báo cáo khả thi và nhận định đã tới thời điểm "chín muồi" để triển khai.
"Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước Đỗ Quốc Sam còn xác định, làm khu công nghệ cao là để nâng cao trình độ khoa học công nghệ, không phải nhằm mục tiêu tài chính, lời lỗ. Điều này đã giải tỏa nỗi băn khoăn của nhiều bộ ngành", Trưởng ban SHTP đầu tiên, nhớ lại.
Nhà đầu tư lớn đầu tiên ở SHTP là Nidec, được đích thân Bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết qua Nhật "tiếp thị". Chủ tịch Tập đoàn Nidec khi đó có than phiền với ông Triết rằng rằng TP HCM kẹt xe, mất quá nhiều thời gian từ sân bay về dự án. Nghe xong, ông Triết hứa sẽ khắc phục, "lần sau ông qua, tôi sẽ cử cảnh sát dẫn đường". Một số yêu cầu khắt khe khác từ Nidec cũng được TP HCM linh động đáp ứng khiến đối tác hài lòng.
Sau Nidec, hướng đeo đuổi của SHTP là các tập đoàn châu Âu và Mỹ, mà mục tiêu lớn nhất là Intel. Năm 2005, đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng Vũ Khoan dẫn đầu tới tổng hành dinh Intel tại Mỹ xúc tiến đầu tư.
Lúc đó, Intel đang phân vân lựa chọn 5 địa điểm khu công nghệ cao đề đầu tư, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam (với khu Hoà Lạc và SHTP) và một khu ở Philippines. "Sau khi họ chọn lọc, mình vào thế chạy đua căng thẳng với Ấn Độ. Nước này có lợi thế nhân lực tiếng Anh tốt nhưng cơ sở hạ tầng khi đó còn khó khăn", ông Trực nói.
Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam rồi, phía Intel vẫn có hai lựa chọn Hoà Lạc hay TP HCM. "Lãnh đạo Chính phủ nói với họ rằng, nơi nào tốt hơn thì các ông chọn, miễn là vào Việt Nam thì tốt lắm rồi", ông kể. Cuối cùng, Intel chọn SHTP với nhiều ưu đãi đặc thù. Sự kiện này như một "chứng nhận kiểm định" cho SHTP, bởi "khu công nghệ cao có thể tiếp nhận được tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel thì nhà đầu tư lớn cỡ nào cũng có thể vào được".
Gắn bó với SHTP từ năm 2009 với cương vị Phó ban rồi Trưởng ban (từ năm 2011 đến 2018), PGS TS Lê Hoài Quốc cho rằng 17 năm phát triển của SHTP có thể chia làm hai giai đoạn chính: từ 2002 đến 2011 và từ 2011 đến nay. Nếu như điểm nhấn của giai đoạn đầu là Nidec và Intel thì giai đoạn hai, dấu ấn là Samsung với việc TP HCM trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt tiêu biểu nhất có thể kể đến là Nanogen (ngành công nghệ sinh học dược) với những sản phẩm đã bán được trên thị trường thế giới.
"Sứ mệnh của SHTP là tạo ra một lực lượng sản xuất mới, ở đây không chỉ là con người mà là máy móc thiết bị hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao", ông Quốc nói về mục tiêu của SHTP trong giai đoạn phát triển.
PGS Quốc cũng là người từng quyết liệt thuyết phục UBND TP HCM bỏ vốn đầu tư hỗ trợ thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu trong giai đoạn 2014-2015. Hay việc giải bài toán phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư bằng cách liên kết xây dựng trung tâm đào tạo với Nhật.
Theo ông Quốc, thu hút FDI là bước đi cần thiết trong giai đoạn khởi đầu của mọi khu công nghệ cao, nhưng tương lai của SHTP phải là giải bài toán năng lực nội sinh. Tất cả doanh nghiệp đầu tư vào SHTP phải cam kết thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và chuỗi cung ứng nội địa rất cụ thể. Trong 3-5 năm, tối thiểu 35% giá trị sản xuất tạo ra được nội địa hoá, có sự tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng đó.
Hiện, SHTP triển khai xây dựng Khu công viên Khoa học Công nghệ với diện tích khoảng 200 ha, nằm tại phường Long Phước (quận 9) - nơi không chỉ thu hút đầu tư sản xuất mà phải quan tâm thu hút nghiên cứu công nghệ theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển công nghệ nội sinh. "Hoạt động R&D, phát triển vườn ươm, thương mại hoá công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo là những hoạt động cần được tập trung", ông Trực nói.
Tại SHTP đã thành lập 5 phòng thí nghiệm thu hút được hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ làm việc các đơn vị sự nghiệp và các phòng/ban. Tại đây Trung tâm đổi mới sáng tạo SHTP-Microsoft (SMIC), Xưởng thực hành tự động hóa "Factory Automation, thành lập Trung tâm Việt-Nhật.
Đến hết tháng 4/2019, SHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 156 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng hơn 7,1 USD. Nhiều dự án, tập đoàn công nghệ có vốn đầu tư lớn như Intel (1,04 tỷ USD); Nidec (296 triệu USD); Samsung (2 tỷ USD sau khi nâng vốn); Nipro (Nhật Bản, 300 triệu USD).
Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập hồi tháng 10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu SHTP đổi mới tư duy, năng động hơn, đưa nơi này trở thành một thung lũng Silicon của khu vực và vươn lên tầm cỡ thế giới.
Nói về dài hạn, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, SHTP phải có những đột phá mới, việc cần làm không chỉ là mời gọi đầu tư, mà phải chọn lọc nhà đầu tư, theo yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Thành lập ngày 24/10/2002, SHTP tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của TPHCM, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Khu CNC TPHCM tập trung vào 4 mũi nhọn gồm: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác – Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.
Hiện, SHTP quản lý 80 dự án với hơn 40.000 lao động. Năm 2010, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (tốt nghiệp trung cấp trở lên) chiếm khoảng 7%, thì đến năm 2018, con số này là 48%. Năng suất lao động trung bình trong giai đoạn 2015-2019 đạt 295.000 USD/lao động, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010-2015.
Dự kiến trong năm nay, giá trị sản xuất ở Khu công nghệ cao sẽ đạt 17 tỷ USD, năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.