Sửa đổi này được một số đại biểu ủng hộ, bởi nó sẽ giải quyết tình trạng thiếu thốn nhà ở hiện nay, và gián tiếp thừa nhận toàn bộ đất do ông cha để lại tại các khu dân cư là đất ở - có giá trị cao hơn hẳn đất nông nghiệp. Song cũng có một số ý kiến phản đối. Ông Lê Quốc Dung (Trưởng ban Kinh tế ngân sách, HĐND tỉnh Thái Bình) phân tích, dựa trên quy định hiện hành, nhiều địa phương đã kê khai lập hồ sơ đất vườn theo chế độ đất nông nghiệp, chỉ giao cho chủ hộ sử dụng 20 năm, nay cho chuyển thành đất ở được sử dụng vĩnh viễn sẽ rất phức tạp.
Cho phép chuyển đổi dễ dàng với đất vườn (quy định hiện hành nằm trong nhóm đất nông nghiệp) có thể là kẽ hở để hợp thức hóa các thửa ruộng gần kề khu dân cư thành đất ở có giá trị cao. Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ thừa nhận đây là điều cần khắc phục trong quá trình thi hành pháp luật. Các nghị định hướng dẫn thi hành sẽ phải quy định chặt chẽ tiêu chí đất vườn, trong khi cơ quan địa chính thống kê đầy đủ quỹ đất nông nghiệp ở địa phương.
Theo một số đại biểu, các cơn sốt đất trong thời gian qua đã đẩy giá bất động sản lên quá cao so với giá trị sử dụng của đất. Đây chính là điểm yếu của công tác quản lý đất đai, khi nhà nước không chủ động điều tiết được thị trường bất động sản, mà một trong những nguyên nhân là giá đất do Chính phủ và UBND các tỉnh ban hành quá thấp so với giá thực tế. Giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật Đất đai quy định nguyên tắc: giá đất do nhà nước quy định, sát với giá thực tế trên thị trường, khi có chênh lệch lớn thì phải điều chỉnh.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, để quy định này phát huy hiệu quả cần phải có giải pháp thuế đồng bộ. Dự thảo Luật Thuế sử dụng đất mới đây được đưa ra Chính phủ thảo luận dự kiến buộc chủ đất nộp tiền thuế sử dụng mỗi năm bằng 0,3% giá trị thửa đất. Theo ông Võ, “đòn thuế” này sẽ là thuốc giải hạ sốt đất, đưa giá chuyển nhượng trên thị trường về gần với giá trị sử dụng, bởi sẽ không còn ai dám đầu cơ số lượng đất lớn rồi phải è cổ trả thuế cho nhà nước.
Nghĩa Nhân