Ông Phạm Ngọc Đăng. Ảnh: P.V. |
- Từng được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp vào Đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ông có nhận xét gì về ý tưởng chuyển Trung tâm hành chính quốc gia đến Ba Vì?
- Chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì là không phù hợp với lịch sử của thủ đô Hà Nội, là thiếu coi trọng Chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn. Vua Lý Công Uẩn đã từng chỉ rõ mục đích dời “đô” là đất Thăng Long “tựa núi, nhìn sông, rồng cuộn hổ ngồi, trung tâm hội tụ long mạch, kết tinh hồn thiêng sông núi”. Vậy tôi không hiểu lý do nào mà nay lại phải dời trung tâm hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì?
Ngoài ra, chủ trương này cũng là sự không kế thừa các quy hoạch Hà Nội trước đây đã được phê duyệt.
- Có chuyên gia cho rằng, đến năm 2030, trung tâm hành chính không thể bó hẹp như hiện nay mà cần mở rộng, quy hoạch tại Ba Vì là để dành quỹ đất cho mai sau, ý kiến của ông thế nào?
- Chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì là chuyển dịch trọng tâm thủ đô lên phía Tây, quá xa với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía bắc “Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh” và định hướng phát triển kinh tế của thời đại là “hướng ra biển”.
Xét riêng đối với khu vực thủ đô cũng ngược lại với động lực phát triển kinh tế xã hội. Các vùng phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía Bắc, phía Đông và một phần ở phía Nam, trong khi định hướng phát triển các đô thị vệ tinh ở phía Tây với quy mô dân số rất lớn (Sơn Tây: 200.000 người, Xuân Mai: 300.000 người, Hòa Lạc: 750.000 người). Tôi không hiểu sẽ giải quyết việc làm và nhà ở cho dân số rất lớn ở các đô thị vệ tinh này như thế nào.
Ở chân núi Ba Vì sẽ phải quy hoạch hàng trăm ha đất xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, phải đầu tư mới tất cả các trụ sở sẽ rất tốn kém. Tất cả các hoạt động thực hiện quy hoạch xây dựng nêu trên sẽ phải đầu tư kinh phí khổng lồ. Giả sử quy hoạch này được duyệt và thực hiện thì trong suốt thời gian hoạt động lâu dài sau này, tổng chi phí vận hành là rất lớn so với giữ nguyên trung tâm hành chính quốc gia ở trung tâm Hà Nội hiện nay.
Chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên chân núi Ba Vì còn gây ra sự xáo trộn quy hoạch hệ thống giao thông, xáo trộn cuộc sống của hàng vạn gia đình, tạo cơn sốt thị trường bất động sản mà chính quyền không kiểm soát được.
- Ông nhận xét thế nào về điều kiện tự nhiên của khu vực Ba Vì?
- Khu vực chân núi Ba Vì chỉ thích hợp là khu vực bảo vệ thiên nhiên, du lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của thủ đô Hà Nội, không phù hợp để xây dựng đô thị Trung tâm hành chính quốc gia. Khu vực chân núi Ba Vì là vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì, là thảm sinh thái thiên nhiên và thảm sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn, quý giá và rất cần được bảo tồn nguyên vẹn.
Theo tôi, hợp lý nhất vẫn là xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia mở rộng ở phía tây Hồ Tây.
Một số chuyên gia không đồng tình việc Hà Nội sẽ chuyển dịch trọng tâm về phía tây. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
- Một số nước như Malaysia, Hàn Quốc đã chuyển trung tâm hành chính ra khỏi khu trung tâm, ông thấy kết quả thế nào?
- Trung tâm hành chính quốc gia là một trong những hạt nhân quan trọng nhất của trung tâm chính trị quốc gia, bởi vì Chính phủ và các bộ là hợp phần rất quan trọng của hệ thống chính trị quốc gia. Trên thế giới chỉ có vài nước đặt Trung tâm hành chính ở ngoại ô thành phố thủ đô. Đó là trung tâm hành chính quốc gia Putrajaya của Malaysia, cách Kuala Lumpur khoảng 30 km, và trung tâm hành chính Pundang của Hàn Quốc cách Seoul cũng khoảng 30 km. Qua thời gian hoạt động thực tế đã chứng tỏ không thành công, không thể là mô hình hợp lý cho nước ta noi theo.
- Trong đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội có đưa trục Thăng Long với ý tưởng là trục chính của thủ đô, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi không rõ trục Thăng Long hoành tráng với ước tính đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để làm gì. Theo ý kiến của Bộ Xây dựng: “Trục Thăng Long sẽ xây dựng các công trình văn hóa có tính biểu trưng quốc gia như Đài Độc lập, giống như đại lộ Champs-Elysees ở Paris, đại lộ Washington DC hay đại lộ trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài, giải quyết giao thông cho vùng nông thôn phía Tây Hà Nội..."
Tất cả các lý do này đều là không đúng bởi vì đại lộ Champs - Elysees, đại lộ Washington hay trước quảng trường Thiên An Môn, đều dài khoảng 2,5-3,5 km, nằm ở lõi đô thị, thực sự là biểu trưng đường phố văn hóa và lịch sử thủ đô của họ.
Nếu nói trục Thăng Long để nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài là không ổn. Văn hóa xứ Đoài là văn hóa truyền thống đặc biệt của một số làng xã nông thôn Hà Tây, cần phải bảo tồn và tôn trọng, nhưng không thể hòa nhập với văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm lịch sử để trở thành một văn hóa “hổ lốn”. Còn việc giải quyết giao thông cho vùng nông thôn phía Tây Hà Nội thì đã có đường 32 và đường Láng - Hòa Lạc.
Đoàn Loan