Thứ ba, 21/5/2024
Thứ tư, 23/7/2014, 17:06 (GMT+7)

Đất thiêng Vị Xuyên về với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

"Không có quyền lợi nào cao hơn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và không có hy sinh nào lớn lao hơn hy sinh tính mạng con người để bảo vệ đất nước", ông Võ Điện Biên khẳng định trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh tại Hà Nội.

Sáng 23/7, đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 356 và các đơn vị từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) năm 1984 tề tựu đông đủ ở nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30, Hoàng Diệu, Hà Nội) để dâng lên trước bàn thờ Đại tướng nắm đất lấy về từ biên giới, nơi diễn ra trận đánh ác liệt bảo vệ biên cương phía Bắc trước sự xâm lấn của quân Trung Quốc.

Đất thiêng lấy từ cao điểm 468, nơi đoàn quân xuất phát rạng sáng ngày 12/7/1984 để chiếm lại các cao điểm 772, 685, 1509... bị quân Trung Quốcđóng trái phép trước đó. Dù không trực tiếp diễn ra trận đánh nhưng cao điểm này vẫn thấm máu nhiều chiến sĩ ngã xuống vì đạn pháo rót từ các điểm cao bên cạnh sang.

Trước khi đoàn cựu binh lên Hà Giang ngày 12/7, ông Võ Điện Biên trao tận tay họ di ảnh Đại tướng và bày tỏ tâm nguyện lấy nắm đất Vị Xuyên, nơi thấm máu bao chiến sĩ ngã xuống để đặt lên bàn thờ Đại tướng.

Những người lính xếp hàng ngay ngắn, điều lệnh nghiêm trang, dõng dạc hát vang Quốc ca trước di ảnh Người.

Đại tá Nguyễn Quốc Chinh, thay mặt đoàn cựu chiến binh báo cáo Đại tướng Tổng tư lệnh rằng họ đã tề tựu về đây an toàn, đầy đủ. Đưa được nắm đất thiêng về, không những đồng đội nằm lại trên các điểm cao mà hơn 1.700 liệt sĩ trong nghĩa trang Vị Xuyên cũng được an ủi vong linh khi về bên Đại tướng. Các cựu binh nguyện kể mãi câu chuyện này như minh chứng cho truyền thống, đạo lý tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, bộ đội bác Văn.

Thay mặt gia đình, ông Võ Điện Biên cảm ơn tấm lòng của các cựu chiến. Sự hy sinh của những chiến sĩ nơi mặt trận Vị Xuyên và dọc dải biên giới phía Bắc cũng là nỗi đau trong lòng Đại tướng suốt bao năm. "Trận chiến Vị Xuyên trôi qua 30 năm rồi, tính cả cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc là 35 năm. Nhớ đến Vị Xuyên hôm nay, chúng ta còn phải nhắc đến mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, đến đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh), đến các liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa, Hoàng Thị Hồng Chiêm và hàng vạn liệt sĩ khác. Họ bày tỏ tinh thần, khí phách của người Việt Nam không thế lực nào khuất phục được. Cần nhắc nhở cho thế hệ con cháu mai sau đừng bao giờ quên sự hy sinh đó. Bởi vì không có quyền lợi nào cao hơn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và không có hy sinh nào lớn lao hơn hy sinh tính mạng con người để bảo vệ đất nước".

Đất thiêng lấy từ biên cương Hà Giang được đặt bên cạnh đất lấy từ Trường Sa, những nơi máu xương nhiều chiến sĩ đổ xuống để giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam.

Chứng kiến cuộc chiến Vị Xuyên 1984 từ đầu đến cuối, nỗi đau chồng chất trong lòng cựu chiến binh Phạm Ngọc Quyền (Từ Liêm, Hà Nội) suốt 30 năm qua. "Vậy là 30 năm tròn, những người còn sống chúng tôi và những đồng đội đã khuất mới được tề tựu về đây, bên cạnh Đại tướng", ông Quyền vừa khóc vừa nói.

Bà Kim Thanh, cô văn công sư đoàn không vắng mặt trong bất cứ cuộc gặp mặt nào của đoàn cựu chiến binh.

Ông Võ Điện Biên bày tỏ hy vọng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và vong linh các anh hùng liệt sĩ phù hộ, những cựu binh có mặt hôm nay sẽ làm tròn phần tâm linh còn rất nhiều áy náy dành cho những người đã khuất hàng chục năm nay chưa làm được. Đó là xây dựng các bia đá, đài tưởng niệm ở những mặt trận khốc liệt mà các liệt sĩ hy sinh. Sau đó là giải quyết chính sách, ghi nhận công lao của những người còn sống.

Trong vườn, mỗi giò hoa, ghế đá đều gắn với bao kỷ niệm về Đại tướng lúc sinh thời: những giò phong lan các tướng lĩnh mang về từ dãy Trường Sơn, trụ giàn cây leo được bộ đội làm từ vỏ đạn pháo...

Trong khu vườn tĩnh lặng một buổi trưa tháng 7, những người lính cùng vào sinh ra tử một thời ôm guitar hát cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng đội nghe: Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngưng chiến trận/ Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu, về đây có nhau như nguyện ước chiến hào...

Hoàng Phương - Nguyên Anh - Quý Đoàn