Chiều 12/12, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết đề án đặt, đổi tên đường trên địa bàn.
Sau khi nghe Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh nêu phương án đặt tên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là trục nối giữa đường Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể từ đường Nguyễn Huy Chương đến đường Hồ Xuân Hương, Bí thư Thành ủy Trần Thọ, chủ tọa kỳ họp, đã đề nghị các đại biểu đóng góp thêm ý kiến.
Đại biểu Huỳnh Phước (nguyên Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng) cho rằng việc đặt tên đường sao cho xứng với thân thế sự nghiệp Đại tướng được người dân đặc biệt quan tâm. Ông đề nghị đổi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua một đường khác để lấy khu vực này đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp. Phương án hai là chọn đoạn từ đường Tôn Đức Thắng chạy qua Bệnh viện Ung thư, xuống ngã Ba Huế và đường Điện Biên Phủ.
"Đường này hay bởi nối liền hai quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ, đường này cũng lớn và dài trên 4.000 m”, ông Phước nói và cho biết cá nhân ông không đồng ý việc chọn đoạn nối giữa hai đường Hoàng Sa và Trường Sa để đặt tên.
Trong khi đó, Đại biểu Trương Phước Ánh muốn đường Võ Nguyên Giáp trên trục nối tiếp từ đường Tôn Đức Thắng và đường Trường Chinh. Ông lý giải tuyến đường dọc từ cầu vượt Hòa Cầm vào Quảng Nam dài hơn 8.000m, chỉ sau đường Nguyễn Tất Thành và có ý nghĩa nối liền những nhân vật lịch sử như Trần Cừ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh. “Về lâu dài đây sẽ là đường nội thị sầm uất, là cửa ngõ ra vào phía Nam của Đà Nẵng. Thêm vào đó đây là tuyến đường nguyên là quốc lộ 1A chạy từ bắc vào nam, là biểu tượng cho sự thống nhất đất nước, gắn với công lao của Đại tướng”, ông Ánh nêu ý kiến.
Ông Thái Thanh Hùng (quận Liên Chiểu) cho rằng, hiện thành phố không còn con đường nào hoành tráng, bề thế để xứng tầm đặt tên Đại tướng. Nếu có cũng phải chờ 2-3 năm nữa khi cơ sở hạ tầng khác hoàn thiện.
Đại biểu Võ Văn Thương cho rằng, thành phố thường tổ chức nhiều sự kiện trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa, thu hút khách du lịch cũng nhiều nên đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh Đại tướng đến bạn bè quốc tế. “Về cuối đời, Đại tướng cũng chọn nơi an nghỉ gần biển nên lấy tuyến đường này là hợp lý”, ông Thương nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ nói, trong buổi sinh hoạt tổ sáng 12/12, ông cũng lắng nghe nhiều cử tri nêu quan điểm Hoàng Sa ở phía ngoài, Trường Sa ở phía trong, giờ đặt tên đường Đại tướng ở giữa cũng hoành tráng, có ý nghĩa bảo vệ vững chắc chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, hướng ra biển Đông.
Cho rằng việc chọn tuyến đường đặt theo tên Đại tướng nhằm thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng cần chọn phương án tối ưu, ông Thọ dẫn ý kiến tâm huyết của cán bộ hưu trí thành phố rằng: “Việc đặt tên đường Đại tướng gắn với Trường Sa và Hoàng Sa là thể hiện niềm tin về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là bất diệt, không thể chối cãi”.
Sau gần 30 phút lắng nghe ý kiến, ông Trần Thọ nói, quan điểm của thường trực HĐND là nên chọn phương án thứ hai, đặt tên Võ Nguyên Giáp trên tuyến Hoàng Sa và Trường Sa hiện tại nhưng kéo dài thêm. Tức là tuyến đường mang tên Đại tướng sẽ có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương (quận Sơn Trà) và điểm cuối là đường Minh Mạng (quận Ngũ Hành Sơn). 42/50 đại biểu đồng tình với phương án này.
Cùng ngày, phiên họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVI, đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thành phố Đồng Hới. Điểm đầu tuyến đường mang tên Đại tướng tại Quảng Bình có điểm đầu giao với đường Trần Hưng Đạo tại xã Bảo Ninh, điểm cuối tại xã Võ Ninh của huyện Quảng Ninh. Đường Võ Nguyên Giáp chạy ven biển nối liền thành phố Đồng Hới với huyện Quảng Ninh, quê hương của Mẹ Suốt và huyện Lệ Thủy – nơi có nhà lưu niệm của Đại tướng tại quê nhà.
Tuyến đường này rộng 60 mét, dài 7km và đã được thi công hoàn chỉnh 4 km với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cùng các hạng mục như dải phân cách, lề đường. Trong tương lai, hai bên tuyến đường sẽ được đầu tư hạ tầng du lịch, tạo thành một không gian đô thị hiện đại, góp phần vào quy hoạch phát triển thành phố Đồng Hới về phía Đông.
Ngay sau khi được đặt tên đường, tỉnh Quảng Bình tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục của tuyến đường này theo quy hoạch. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch khu dân cư, khu du lịch, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan hai bên tuyến đường đi qua, sớm đưa tuyến đường này vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Nguyễn Đông - Quang Hà