Sáng 12/11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật trưng cầu ý dân. Theo dự thảo, trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; và những vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành sẽ có giá trị thi hành. "Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân", ông Lý cho hay.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn khẳng định, mục đích của việc trưng cầu ý dân là để tìm ra được sự đồng thuận cao trong nhân dân về vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, số cử tri tham gia phải là đa số. "Dự án luật thoạt nhìn có vẻ đạt yêu cầu nhưng khi đặt ra một số tình huống thì chưa thỏa mãn", ông Sơn nói.
Ông phân tích, theo quy định có 3/4 cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ. Nếu thực tế có đúng 3/4, nghĩa là 75% cử tri đi bỏ phiếu, 100% phiếu hợp lệ, 50% tán thành thì thực chất chỉ có 37% nhân dân đồng tình, nếu 80% đồng tình thì tỷ lệ này chỉ còn 31%... Tức là chỉ dưới 1/3 tổng số cử tri cả nước đồng ý, phương án trưng cầu không phải là sự lựa chọn của đa số, như vậy về lâu dài sẽ bất ổn.
Nhưng nếu số cử tri đi bầu 74% (tức là không đạt yêu cầu 3/4) mà kết quả lại thống nhất một phương án thì kết quả cũng không được thi hành. "Vì vậy, tôi đề nghị không nên quy định cứng 3/4 (75%) số cử tri tham gia trưng cầu mới đảm bảo yêu cầu, mà chỉ cần quy định cuộc trưng cầu là hợp lý và có giá trị thi hành khi có quá nửa cử tri trong danh sách tán thành, vì đây thực sự là lựa chọn của đa số cử tri", ông Sơn nói.
Ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, có đại biểu đề nghị cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện Việt Nam thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi trong xã hội. Đối với các hình thức biểu quyết khác, trong đó có hình thức bỏ phiếu điện tử, về lâu dài, sẽ được tiếp tục nghiên cứu và áp dụng khi đủ điều kiện. |
Hoàng Thùy