Sau hơn một ngày thẩm vấn, chiều 6/11, VKSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xử phạt Phạm Văn Phương (giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại PNV) mức án 13-14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai nhân viên của Phương là Phùng Đức Ngọc, Lê Văn Hiếu bị đề nghị 5-7 năm tù cùng tội Môi giới hối lộ. Ở tội Đưa hối lộ, VKS đề nghị tuyên phạt Trần Huy Lâm 5-6 năm, Ngô Sĩ Bảo và Đinh Văn Hải cùng 2-3 năm.
Việc Phương khai giao tiền cho cán bộ Cục Cảnh sát giao thông 500 triệu đồng, cùng với chi tiền hàng tháng từ 10 triệu đến 20 triệu cho một số cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang, VKS đánh giá không có chứng cứ chứng minh.
VKS xác định các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ tư lợi, khép kín và tinh vi. Phương đã gian dối khi phát logo mang tên An Hùng như "bùa hộ mệnh" cho các nhà xe đóng tiền bảo kê mỗi ôtô từ 1,3 triệu đến 5,5 triệu đồng một tháng hoặc 200.000 một ngày.
Phương cam kết các xe chạy tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nếu bị kiểm tra, chỉ cần nói ôtô của Công ty An Hùng sẽ được cho đi. Trường hợp cảnh sát "làm gắt", tài xế gọi điện cho Phương và Ngọc, Hiếu để được can thiệp. Cuối cùng, nếu xe vẫn bị phạt, tài xế, chủ phương tiện gửi biên lai để anh ta trả thay...
Từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2016, các bị can thu của 16 nhà xe số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Trong số này, cơ quan tố tụng làm rõ nhóm Phương nhận hơn 1,6 tỷ đồng của sáu nhà xe để "bảo kê" gần 360 ôtô.
VKS đánh giá Ngọc và Hiếu khai thành khẩn, thừa nhận hành vi. Việc hai bị cáo khai nhận tiền đã cấu thành tội danh môi giới hối lộ.
Nhóm đưa hối lộ, VKS thấy, họ qua trung gian để chuyển tiền đã cấu thành hành vi phạm tội dù tiền có được chuyển đến cho người nhận hay chưa. VKS thấy đủ cơ sở xác định Phương có khoe với các nhà xe, tài xế rằng quan hệ với một số cảnh sát, thanh tra giao thông tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nên lo được việc không bị phạt khi vi phạm.
Việc bị cáo khai có trao đổi, thống nhất việc bảo kê, chuyển tiền cho cảnh sát giao thông nhưng chỉ qua điện thoại, VKS thấy "không phù hợp".
Cơ quan công tố cho rằng Phương có thủ đoạn gian dối ngay từ đầu, khai có sự đồng ý của cảnh sát giao thông và chuyển tiền cho họ. Nhưng theo quy định suy đoán vô tội, nhà chức trách không thể dựa vào một lời khai để kết tội. Trong khi đó, một số cảnh sát giao thông đều khai nhận không bàn bạc, trao đổi với Phương về việc bảo kê xe vi phạm.
Các bị cáo cũng không đưa ra được bằng chứng việc" xin xe".
Sáng thứ năm (8/11), tòa sẽ tuyên án.