Mỗi khi chuẩn bị đưa má đi chơi, tôi lại hỏi Ba đi đâu rồi má? Ổng đi biển rồi. Vậy mình đi biển thăm ba hen? Má cười, đôi mắt sáng lên. Má thích lắm.
Biển là nơi ba tôi trở về khi thân xác đã hóa thành tro bụi.
Đưa má đi chơi biển hay đi đâu đó là cách tôi chọn để xóa bớt nỗi buồn trong lòng má. Người già luôn cảm nhận được nỗi trống vắng quá lớn khi mất đi người bạn đời bên cạnh mình suốt bao năm.
Hồi ba còn sống, không dễ để thuyết phục cặp tình nhân già đi du lịch đây đó. Mắc mỏ, tốn kém, đông đúc, chen chúc mệt lắm con. Cứ những lý do vậy vậy mà từ chối. Ở nhà quanh quẩn có nhau đã quen, có thêm con cháu ở xa về tụ tập, vậy là quá đủ vui rồi.
"Triết lý" xưa của người già về chuyện đi chơi hay đi du lịch, thường là vậy. Luôn sợ làm phiền con cháu, lo chúng tốn kém tiền bạc vì mình.
Giờ chỉ còn lại mỗi một người nên chuyện rủ đi chơi dễ dàng hơn. Tôi muốn thay đổi cách nghĩ đã xưa của má bằng lối nói của những người trẻ bây giờ: đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi cùng nhau.
Sinh ra ở miền Trung, lớn lên má tôi lấy chồng sớm. Chọn người cùng quê, rồi cả hai dắt nhau phiêu bạt, làm ăn xa xứ gần hết trọn cuộc đời. Ba tôi còn về thăm quê được đôi lần khi có giỗ chạp, cúng kiếng hội tụ ở nhà thờ họ. Còn má hiếm có dịp trở lại nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Vì thế tôi ấp ủ một chuyến đi dài, đưa má về thăm quê. Không làm được bây giờ thì còn chờ đến bao giờ?
Rồi tôi cũng thực hiện được điều đó. Một chuyến đi cùng nhau vào những ngày Tết năm trước. Xuất phát từ Sài Gòn, tôi đưa má dọc theo một trong những cung đường ven biển nổi tiếng nhất Việt Nam. Má thích thú ngắm bãi cát trắng chạy dài theo biển và những làng chài xinh đẹp rồi tấm tắc "đường về quê mình đẹp thiệt".
Đích đến là vùng đất Quảng Nam nằm bên dòng sông Thu Bồn thân yêu thuở xưa của má. Cuộc hội ngộ trùng phùng hơn nữa thế kỷ của những người già ở quê chứa đựng quá nhiều cảm xúc. Từng cái ôm siết chặt, từng nụ cười trong rưng rưng nước mắt... Nghĩa tình quê hương trong ngày trở về của một người biền biệt xa xứ từ thuở con gái làm xáo động tâm hồn của những người trẻ đi theo - đám con cháu vốn quanh năm chỉ quen chốn thị thành.
Tôi có cái máy ảnh đã cũ, luôn đeo kè kè bên người trong mỗi chuyến đi. Đi chơi với má, tôi có sẵn một người mẫu... "độc quyền" để luyện tay nghề. Mẫu rất dễ thương và dễ chịu. Được hướng dẫn tạo dáng, cười ra sao, đôi tay để đâu hay nhìn vào ống kính như thế nào... là mẫu làm theo rất nhanh và rất chuẩn. Thợ ảnh và người mẫu phối hợp với nhau cực kỳ ưng ý.
Thỉnh thoảng, tôi đưa má xem lại ảnh tôi chụp trong các chuyến đi. Nhìn những tấm ảnh theo mô-típ "biển một bên và... má một bên", mẫu của tôi trầm ngâm rồi nhoẻn miệng cười "hồi xưa tao đẹp lắm, ba tụi bây đeo riết, trốn không được luôn".
Ký ức được giữ lại, không thể quên trong trái tim của người già vẫn luôn luôn đọng lại một cuộc tình đẹp và thủy chung. Má tôi, nhờ những chuyến đi, dần dà bớt tiếc tiền, bớt trầm ngâm và trở nên trẻ trung hơn.
Sống với người lớn tuổi, chăm sóc bố mẹ già thế nào cho tốt ở cả hai phương diện vật chất và tinh thần là vấn đề đặt ra với mọi gia đình từ xưa tới nay. Nhưng khác xưa, nặng về chăm lo vật chất, sự quan tâm bây giờ hướng nhiều hơn tới các giá trị tinh thần, trong đó có các chuyến đi.
Thế giới đang lão hóa với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử. Nhưng sự bùng nổ dân số già lại trở thành một cơ hội hấp dẫn với ngành du lịch toàn cầu. Sau đại dịch, phân khúc khách hàng lớn tuổi có tác động rất lớn đến ngành du lịch. Năm 1999 có hơn 593 triệu du khách từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng một phần ba chi tiêu trong kỳ nghỉ. Con số này dự kiến đạt hai tỷ vào năm 2050 - theo Tổ chức Du lịch Thế giới - khi người cao tuổi ước tính chiếm gần 25% dân số thế giới, so với chỉ 10% năm 2000.
Một báo cáo của Eurostat năm 2022 cho thấy, khách du lịch độ tuổi 65-70 có xu hướng thực hiện các đợt nghỉ dưỡng dài hơn hẳn nhóm tuổi 15-64 (do có lợi thế hơn về quỹ thời gian) và chủ yếu chọn điểm đến trong nước hoặc các quốc gia láng giềng gần gũi (do những hạn chế nhất định về sức khỏe). Nhiều quốc gia sớm nhận ra và tận dụng được đặc điểm này của thị trường để đầu tư mạnh vào phân khúc dành cho người lớn tuổi, chú trọng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và du lịch y tế. Một số quốc gia châu Á đã vươn lên, trở thành những điểm đến du lịch y tế hàng đầu trong khu vực như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc.
Việt Nam chưa có các thống kê cụ thể, nhưng tôi thấy quan niệm và cách thức báo hiếu của giới trẻ đang dần dịch chuyển. Không chỉ chú trọng lo "cơm ăn ba bữa, nhà ở nhiều tầng" cho bố mẹ, bạn bè cùng lứa với tôi giờ phấn đấu năm đôi ba lần dắt bố mẹ đi chơi. Một chuyến du ngoạn mang tính chất gia đình với con cháu, hoặc hội nhóm với bạn bè cùng lứa, cho dù chỉ đôi ba ngày thôi, cũng sẽ mang lại cho người già cơ hội trải nghiệm, liều thuốc tinh thần tốt hơn.
Sự dịch chuyển nhu cầu và những thay đổi lớn trong đời sống tinh thần này có thể là những gợi ý về hướng mới cho du lịch Việt Nam trong việc chuẩn bị hạ tầng và dịch vụ phù hợp, để khai thác phân khúc khách hàng lớn tuổi có điều kiện chi tiêu lớn và đang ngày càng mở rộng.
Hà Đức Trí