Đốt vàng mã (hóa vàng) là phong tục lâu đời ở Trung Quốc với niềm tin món đồ sẽ được gửi đến người thân ở thế giới bên kia. Theo dòng chảy cuộc sống người Trung Quốc không chỉ đốt tiền giấy mà có cả những vật dụng hiện đại như TV, laptop, smartphone bằng giấy.
Nhưng đồ vàng mã thông thường không đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Một xu hướng mới nổi là đốt những đồ vật được đặt làm riêng, có tính cá nhân hóa cao mới thể hiện được thành tâm của người sống với người đã khuất.

Một số sản phẩm Ah Yue đã làm cho khách hàng. Ảnh: Ah Yue
Đầu năm 2024, Ah Yue, 30 tuổi, mở xưởng ở Quảng Châu chuyên làm đồ công nghệ bằng giấy và các vật phẩm hiện đại theo yêu cầu. Khách hàng chủ yếu là Gen Z, với những đơn hàng đặc biệt, từ xe sang đến hộp sữa Want Want quen thuộc.
Một trong những đơn hàng đầu tiên của Yue là chiếc iPhone 15 màu hồng. Khách là sinh viên mua cho em gái đã mất vì "con bé thích màu hồng", trong khi ở các cửa hàng vàng mã thông thường chỉ có mẫu iPhone 15 ProMax. Cô gái còn nhờ Yue thực hiện nghi lễ đốt hộ.
Lần khác, một nhóm người đặt 10 chiếc iPhone 16 giấy cho người bạn thân là streamer, qua đời vì suy kiệt do thức khuya. Họ từng nói đùa sẽ mua tặng cô 10 chiếc iPhone 16 nếu khỏe lại.
Xưởng của Ah Yue nằm trong một nhà kho nhỏ ở Quảng Châu với máy tính, máy in và vật liệu. Hơn 100 sản phẩm mẫu khá tinh xảo được trưng bày như siêu thị thu nhỏ. Mỗi sản phẩm vàng mã của anh đều qua các công đoạn thiết kế bằng AI, tạo mô hình 3D, tách bộ phận rồi lắp ráp. Sau nhiều thử nghiệm, anh thấy giấy bóng kính định lượng 230-260 gram là phù hợp nhất - đẹp mắt, đủ cứng và dễ cháy.
Mỗi ngày, Yue chỉ nhận một, hai đơn, làm việc từ 7h sáng đến 3h sáng hôm sau, chủ yếu phục vụ khách 18-30 tuổi. iPhone giấy bán chạy nhất. "Nhiều người cảm thấy người thân đã khuất không nên bị 'bỏ lại phía sau' với mẫu máy lỗi thời", Yue nói.
Khoảng 80% khách đặt thêm phụ kiện như cáp sạc. Ngoài iPhone, khách cũng yêu cầu các điện thoại Xiaomi, Huawei hay điện thoại gập. Vài ngày sau khi Xiaomi ra mắt mẫu điện thoại gập mới, một khách hàng đã đặt ngay cho người bạn là tín đồ của hãng này.
Có nhiều khách yêu cầu làm lại mẫu điện thoại cũ. Một phụ nữ đặt chiếc Philips màu đỏ, nút bấm đã mòn cho người bà của mình. Chị nhấn mạnh "phải giống hệt" vì gia đình quên bỏ chiếc điện thoại thật vào quan tài.
Làm hàng nhiều, Ah Yue nhận ra bạn bè thường hiểu sở thích của người đã khuất hơn gia đình. Một khách đặt mua card đồ họa GeForce RTX 4090 cho bạn đại học mê lắp ráp PC và game. Người bạn này học giỏi nhưng nhà khó khăn, không thể học cao học, sau đó rơi vào trầm cảm và tự chấm dứt cuộc đời.

Bộ máy chơi game Ah Yue làm theo đơn đặt hàng cho khách. Ảnh: Ah Yue
Một số khách còn nhờ Yue đốt thư gửi người thân. Có thư tràn đầy hy vọng về tháng lương đầu tiên, chuyện cưới xin, sinh con. Có thư lại bày tỏ những khó khăn cuộc sống. Anh nhận thấy, nhiều khách hàng cô đơn, chọn cách tâm sự với người đã khuất.
Yue cũng nhận ra mọi người đang dần chuyển từ những món đồ vàng mã thông thường sang những thứ có tính cá nhân, ý nghĩa hơn.
Giờ Yue đã nhiễm ý tưởng vàng mã phải là thứ được cá nhân hóa. Anh dự định "gửi" bà ngoại chiếc điện thoại thân thiện với người già do anh mới thiết kế, còn cha là bàn mạt chược tự động.
Nhiều đơn hàng xuất phát từ sự tiếc nuối. Một khách đặt bánh mì khoai tây (bằng giấy) cho ông nội. Vị khách từng mua loại bánh này nghĩ ông sẽ thích, nhưng ông mất trước khi kịp nếm. Trong ngày giỗ của ông, khách định mua về cúng nhưng cửa hàng đã ngừng bán.
Một người khác khăng khăng đặt làm đôi găng tay giữ nhiệt cho bà vì đó là thứ bà từng dùng, dù Yue gợi ý dùng máy sưởi giấy tiện hơn.
"Khi vật phẩm gắn với ký ức về người đã khuất, chúng mang ý nghĩa đặc biệt", Yue chia sẻ.
Minh Phương (Theo SixthTone)