Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Mã CK: HBC) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Nhị Thành - Long An (nay là Long Hậu - Hòa Bình). Dự án có quy mô 117,67 ha với tổng vốn đầu tư 592 tỷ đồng, được HBC góp vốn đầu tư từ tháng 9/2008 thông qua Công ty TNHH Hòa Bình (hiện là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình- HBI) với tỷ lệ 97,87%. Phần vốn góp còn lại của các đối tác khác.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016, dự án khu công nghiệp có vị trí nằm gần tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương này ước tính có thể mang về khoản lợi nhuận hấp dẫn, 47 tỷ đồng cho công ty mẹ HBC.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thị trường khu công nghiệp đang ấm dần lên theo độ mở của các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký trong thời gian qua. Giá thuê tăng trưởng ổn định và nhu cầu thuê cũng tăng cao, đặc biệt có khá nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm nên doanh nghiệp sẽ chỉ cân nhắc bán nếu được giá.
Kết quả 6 tháng của Công ty HBI đang quản lý khu công nghiệp này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 77,2 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016 khoản lợi nhuận mà khu công nghiệp này mang về cho công ty mẹ có thể cao hơn kế hoạch.
Một số doanh nghiệp khác có mảng kinh doanh khu công nghiệp cũng đang có kế hoạch tương tự như Hòa Bình. Trong buổi tiếp xúc nhà đầu tư diễn ra hồi tháng 4/2016, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân - Trương Anh Tuấn tiết lộ các dự án khu công nghiệp của doanh nghiệp, đặc biệt khu công nghiệp kết hợp chức năng cảng đã và đang tiếp nhận nhiều nhà đầu tư ngấp nghé muốn mua lại.
Theo dự báo của Chủ tịch HQC, mảng kinh doanh khu công nghiệp chắc chắn tốt trong năm 2016 và sẽ còn tiếp tục khởi sắc trong 5 năm nữa. Ông chia sẻ, hai khu công nghiệp Hàm Kiệm và Bình Minh do doanh nghiệp phát triển và quản lý trước đây cả tháng mới có khách nhưng hiện nay ngày nào cũng có khách hàng tiếp cận thuê đất, sẵn sàng trả mức giá thuê cao hơn hiện tại. "Với tình hình thị trường đang tốt như hiện nay, chúng tôi chỉ cân nhắc bán nếu được giá cao", ông Tuấn cho hay.
Báo cáo thị trường khu công nghiệp Việt Nam trong quý I/2016, Cushman & Wakefield đánh giá, với Hiệp định TPP và các Hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia gần đây cộng với tình hình kinh tế ổn định, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và chi phí lao động thấp, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Xu hướng trong thời gian tới là các nhà đầu tư ngoại có thể chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận hưởng những ưu đãi về thuế. Theo đó, nhu cầu đối với đất công nghiệp đang tăng lên, giúp phân khúc này là một kênh đầu tư đầy hứa hẹn.
Trong khi đó, báo cáo quý II/2016 của Jones Lang LaSale (JLL) cho biết, nhu cầu thuê khu công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ đang trên đà tăng, tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường được ghi nhận ở mức 74% và có thể tiếp tục đi lên trong tương lai.
Đất công nghiệp tại vùng Đông Nam bộ có giá thuê trung bình đạt mức 63,3 USD một m2 trong cả chu kỳ thuê (lên đến 50 năm). Trong khi đó, TP HCM dẫn đầu thị trường về giá thuê thuần trung bình ở mức 115,2 USD một m2 cho cả chu kỳ thuê.
Những khu công nghiệp tại các tỉnh lân cận có giá trung bình 40-70 USD mỗi m2 một chu kỳ. Giá thuê nhà xưởng trung bình ở vào khoảng 3 USD mỗi m2 một tháng và có thể đạt đến 5 USD. "Giá thuê có thể sẽ tăng nhẹ trong tương lai, khi nhu cầu về diện tích công nghiệp tăng cao nhờ Việt Nam thu hút nhiều lượng vốn FDI sau công bố của nhiều hiệp định thương mại", JLL dự báo.
Vũ Lê