Hoa tả tơi ngay sau khi khai hội. Ảnh: Hoàng Hà |
Những phản ứng đối với việc cướp phá hoa và cây cảnh trong phố hoa Hà Hội mấy ngày qua quy tụ vào một điểm, chê bôi điều được gọi là “văn hóa và hành xử kiểu nông thôn” ở thành phố. Tuy vậy, khi xem những video clip, thì thấy chính những nghệ nhân có tác phẩm ở phố hoa là những người ở nông thôn. Chính họ là những người ra sức bảo vệ hoa và thành quả lao động của mình.
Nhớ lại những chợ hoa Tết ở Hà Nội những năm trong và ngay sau chiến tranh chống Mỹ, tôi không thấy lối hành xử tồi đến như vậy, so với những gì xảy ra tuần qua ở phố hoa. Trong những đêm chợ hoa năm xưa, dân Hà Nội ăn mặc ấm áp co ro đi lại ngắm nghía, lựa chọn đào, quất và hoa tươi. Họ có thể lên giọng gắt gỏng hay ra vẻ “bắt nạt” những người bán hoa, nhưng chẳng đời nào có những hành vi cướp giật, dập vùi những chậu quất, những cành lay-ơn hay đào, mai, hay bòn rút để cho người bán đào quất nhà quê phải chịu thiệt thòi.
Vậy thì tại sao đến cái thế kỷ 21, thời Việt Nam hội nhập WTO, mà người ở Hà Nội đối xử với nhau và với cây cối và đồng loại như vậy? Trên một phương diện, điều đó thể hiện bản chất vị kỷ của nhân loại, ở cả Á Đông cũng như Tây Phương. Tính vị kỷ khiến chúng ta cho rằng những động thực vật, tài nguyên gì mà bản thân ta, gia đình hay dòng họ ta sở hữu riêng, thì mới là quý. Theo chiều hướng đó, con cá ngoài sông, con chim, cây cối hay muông thú trên rừng ta phải bắt bằng được rồi nhốt chúng trong lồng, che chắn, nuôi trồng chúng trong vườn riêng, thì mới là hay là đẹp.
Ngược lại, nếu chúng ở ngoài thiên nhiên, thì không phải của ta, vậy thì chẳng mang ý nghĩa gì. Những người thưởng ngoạn phố hoa tuần qua ở Hà Nội đã tranh nhau lao vào dẫm đạp lên hoa và cây cảnh của chung để ngắt một nhành hoa hay chụp cho được một tấm ảnh đặng giữ hay cướp cho mình một phần của vẻ đẹp công cộng. Đối với họ, thành công là việc mắt trước mắt sau ngắt hay cướp cho được một nhành hoa hay một chậu cây một chút thành quả ngoài đời.
Tuy nhiên, muốn giải thích cho thấu đáo để tìm giải pháp cho những hỗn loạn trong cách hành xử vừa qua ở phố hoa Hà Nội, ta nên đặt chúng vào bối cảnh vận động xã hội. Phải chăng những hỗn loạn đó chính là hậu quả của cả một cung cách hành xử bất thường của xã hội Việt Nam trong khoảng ba thập niên qua giữa người Việt với nhau, không cứ họ ở nông thôn hay thành phố; không cứ trong cộng đồng Việt ở trong nước mà còn ở nước ngoài?
Tự mỗi người Việt chúng ta hãy trung thực nhìn lại bản thân xem mình đã tham gia dẹp đi những hậu quả và biến tướng của cái quá khứ được tóm gọn trong cái nhãn “thời bao cấp.” Người Việt chúng ta, trong và ngoài nước, hãy nghiêm khắc nhìn nhận xem mình đã bỏ được bao nhiều phần của cái thói “đời ta bằng ba đời nó” thể hiện trong việc tranh thủ, chiếm dụng, hay biển thủ của công, kiếm chác vặt từ hàng xóm, của chung thiên hạ và mặc kệ cho ai đó khắc phục hậu quả mà chính bản thân ta gây nên?
Tóm lại, người Việt thời hiện đại chúng ta, tôi và bạn, xin đừng chê bôi hay đổ lỗi lẫn nhau! Đừng quy kết cho nhóm này hay nhóm khác ở đây hay ở đó, là tiêu cực. Xin hãy nín lặng hành động, nhường nhịn và, trên hết, hãy tự sửa mình – chỉ khi đó ta mới có thể tự hào duy trì được “Văn hoá Việt Nam” mà trong đó những tập quán thanh lịch của đất Tràng An.
Bạn đọc chia sẻ video, ảnh, ý kiến tại đây.