6h30 phút sáng 28/5, ông Nguyễn Bá Hoàng, 50 tuổi, cán bộ thuỷ lợi xã Cấp Dẫn đi thăm 2 sào lúa và tranh thủ qua đập Đầm Thìn, cách đó 2 km, kiểm tra theo thói quen. "Có một lỗ bị bục to bằng miệng bát ở giữa thành đập", ông Hoàng giật mình. Nước trong lòng đầm bắt đầu rỉ xuống dưới theo lỗ thủng.
Áp lực của 600.000 m3 nước trong lòng đập dồn vào vết vỡ, toác ra mỗi lúc một lớn. Khoảng 5 phút sau, một tiếng "ùm" dội tới, mảng bê tông ngay dưới chân ông Hoàng bị cuốn phăng theo dòng nước đỏ ngầu. Ông Hoàng cắm đầu chạy thoát thân, trở thành nhân chứng đầu tiên của sự cố sập hồ thuỷ lợi Đầm Thìn tại huyện Cẩm Khê, loan báo cho lãnh đạo xã và người làng.
Lúc xảy ra sự cố, nước trong đầm Thìn đang đầy tràn thành đập. Trong lần thăm đập gần nhất, chiều 27/5, ông Hoàng không thấy hiện tượng gì lạ. Ruộng hoa màu gần nhất cách đập chưa đến 200 m, "nhìn đập kiên cố nên chúng tôi vẫn tin tưởng, không lo sợ".
Theo lãnh đạo xã Cấp Dẫn, từ đầu tháng 5, địa phương chịu ảnh hưởng của 2 trận mưa lớn kéo dài, đợt một từ 8-9/5, đợt 2 từ 23-26/5, khiến 14 nhà dân và nhà văn hoá xã tốc mái, "có thể là nguyên nhân khách quan dẫn đến vỡ đập".
Ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng chi cục thuỷ lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, trước 15/4 hằng năm, chi cục phối hợp với chính quyền cấp huyện rà soát đánh giá hiện trang an toàn các công trình. Trong đợt kiểm tra năm nay, "không thấy có vấn đề gì".
Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Ngọc Sơn không nhận định về nguyên nhân vỡ đập. "Sở sẽ phối hợp với Viện khoa học thuỷ lợi và Tổng cục thuỷ lợi làm rõ nguyên nhân, phương án cải tạo trong thời gian sớm nhất".
Trước mắt, chính quyền xã Cấp Dẫn vận động người dân địa phương đắp bờ ruộng giữ nước. Hiện lượng nước còn lại trong hồ chứa chưa đến 1/3, khoảng 200.000 m3, hợp tác xã sẽ dùng bơm dã chiến, khơi lòng hồ bơm nước ra đồng phục vụ tưới tiêu. Ông Tuấn khẳng định, sự cố sẽ không ảnh hưởng đến việc gieo cấy vụ mùa vào tháng 7.
Xã Cấp Dẫn có 4.623 nhân khẩu, thu nhập bình quân năm 2019 đạt 27 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 90% cơ cấu kinh tế. Thiệt hại từ vỡ đập là 2,57 ha lúa cùng 4,28 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 2,4 ha thiệt hại trên 70%. Địa phương đang thống kê số hộ bị ảnh hưởng, trình UBND huyện Cẩm Khê phương án hỗ trợ.
Theo người địa phương, tháng 6/1992, đâp Đầm Thìn lần đầu tiên bị vỡ, khi đó còn là đập do dân tự đắp đất.
Tháng 11/2008, công trình cải tạo hồ Đầm Thìn được khởi công, tổng chiều dài 307 m, cao trình đỉnh đập 36 m, diện tích 15 ha mặt nước, sức chứa 600.000 m3. Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ.
Năm 2014, ngân sách tỉnh Phú Thọ từng chi 552 triệu đồng xử lý sự cố sạt trượt mái hồ Đầm Thìn.
Thanh Lam