Ngày 23/8, bác sĩ Ma Ngọc Ba, Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng xoắn tinh hoàn trái. Ê kíp khẩn cấp phẫu thuật do bộ phận này đã chuyển màu tím đen, buộc phải cắt bỏ.
"Bệnh nhân nhập viện muộn, tự đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc khiến tình trạng nặng, không giữ được một bên tinh hoàn", bác sĩ nói.
Sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, đỡ đau, được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó 50% ở độ tuổi 16-21. Nguyên nhân gây bệnh thường do bất thường của dây chằng bìu tinh hoàn. Khi xoắn kéo dài nhiều giờ, bệnh nhân có thể sốt và tăng bạch cầu.
Trường hợp phát hiện muộn, tinh hoàn bị hoại tử, buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do thiếu hụt nội tiết tố nam.
Phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp trị tinh hoàn xoắn tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn.
Theo bác sĩ, các bệnh lý trên thường có dấu hiệu nhận biết không rõ ràng, do đó khi thấy bệnh nhân hoặc trẻ nhỏ có dấu hiệu đau bìu cấp, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà dẫn đến biến chứng khó hồi phục.
Minh An