Cách Cairo khoảng 40 km về phía đông nam, gần thị trấn Helwan, là tàn tích của Sadd-el-Kafara, đập nước quy mô lớn được xây dựng khoảng 3.700 năm trước. Dù đã bị lũ lụt phá hủy trước khi kịp hoàn thành, đây vẫn được coi là đập nước quy mô lớn cổ xưa nhất thế giới.
Mục đích chính của công trình là cản dòng nước từ những cơn bão bất ngờ và lũ lụt nghiêm trọng. Nó cũng có thể giúp cung cấp nước cho công nhân và động vật tham gia khai thác đá để xây dựng các kim tự tháp và đền thờ gần đó.
Sadd-el-Kafara nằm ở điểm hẹp nhất của hẻm núi Wadi Garawi, nơi thung lũng thu hẹp lại với chiều rộng còn khoảng 100 m. Nhà khảo cổ học người Đức Georg Schweinfurth phát hiện tàn tích của Sadd-el-Kafara vào năm 1885. Chỉ còn những phần đầu của đập ở hai bên hẻm núi còn đứng vững. Phần trung tâm bị lũ cuốn trôi, để lại khoảng trống rộng 50 - 60 m. Mặt cắt lộ ra ngoài cho phép các nhà khảo cổ nghiên cứu quá trình xây dựng đập.
Đập ban đầu dài 113 m, cao 14 m, chiều rộng chân đế là 98 m và chiều rộng đỉnh là 56 m. Lõi của đập rộng 32 m và có thể chứa 60.000 tấn đất đá. Nếu hoàn thành, đập sẽ chứa được 465.000 - 625.000 m3 nước.
Giới chuyên gia cho rằng Sadd-el-Kafara được xây dựng không phải để tưới tiêu mà để kiểm soát lũ quét, hiện tượng thường xảy ra ở các thung lũng hẹp, do vị trí của đập ở Wadi Garawi. Không có bằng chứng nào cho thấy đất canh tác xung quanh đập cần nước để làm nông nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu đập tràn cũng cho thấy hồ chứa không phục vụ mục đích tưới tiêu.
Mặt ở phía hạ nguồn của Sadd-el-Kafara có dấu hiệu xói mòn, khiến các chuyên gia tin rằng một trận lũ lụt đã phá hủy công trình cổ đại này. Thêm vào đó, việc không có đập tràn và bất cứ dấu vết nào của rãnh hay hầm chuyển hướng nước xung quanh địa điểm xây dựng khiến con đập càng dễ bị phá hủy.
Sự sụp đổ của Sadd-el-Kafara có lẽ đã gây ra trận lũ lụt thảm khốc ở vùng hạ lưu. Ấn tượng do thảm họa để lại dường như khủng khiếp đến mức khiến người Ai Cập cổ đại không muốn xây thêm những con đập tương tự suốt gần 8 thế kỷ.
Thu Thảo (Theo Amusing Planet)