Cây đình lịch. |
Cây đình lịch còn có tên là mịch lịch, bình lịch, huỳnh lịch; tên khoa học Hygrophila salicifolia, thuộc họ ôrô-Acanthacea. Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, chuyên gia về thực vật học, lá cây đình lịch ở Malaysia được dùng đắp chữa vết thương bị sưng phù. Ở ta, hạt đình lịch nhỏ, tròn, dẹp được thu hái để dành. Khi bị mụn nhọt, lấy ngâm nước nóng cho trương nở, tạo chất nhầy kết dính, dùng tay ép lại thành khối và đắp lên mụn nhọt. Cách chữa trị như thế được ghi nhận là giúp mụn nhọt mau "chín", mềm, gom mủ, dễ vỡ và dễ nặn "ngòi". Trong sách "Cây cỏ Việt Nam, giáo sư Phạm Hoàng Hộ cho biết, đình lịch khi thử trong ống nghiệm có tác dụng chống virus. Tuy nhiên, tác dụng gọi là "có tính kháng sinh, đắp nhọt hút mủ tốt" vẫn chưa được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học.
Mụn nhọt (hay đinh nhọt) là tình trạng viêm nang lông sâu, thường do tụ cầu khuẩn gây ra. Khuẩn này làm hoại tử nang lông và mô bì lân cận tạo thành mủ, đặc biệt có "còi" gồm xác tế bào, bạch cầu. Lưu ý "đinh râu" là thể đinh nhọt nặng mọc ở vùng quanh miệng, có thể gây biến chứng viêm tắc tĩnh mạch các xoang đưa đến nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Tuyệt đối không được nặn khi còn non vì sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ tổ chức của cơ thể, làm cho vi khuẩn phát tán tràn ngập trong máu gây nhiễm trùng huyết.
Ngoài đình lịch, kinh nghiệm dân gian còn dùng lá cây dâm bụt giã nát rồi đắp lên mụn nhọt để giúp nhọt mau "chín", mềm, làm miệng và dễ nặn "ngòi". Tuy nhiên, chỉ nên dùng các kinh nghiệm dân gian này khi không có điều kiện chữa trị nào khác. Đặc biệt, khi mụn nhọt đã vỡ, không nên đắp kín bằng đình lịch hay lá dâm bụt vì nguy cơ bị nhiễm trùng do chế biến hạt hoặc lá trong điều kiện không tiệt trùng, làm vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào chỗ tổn thương, gây nhiễm khuẩn nặng hơn. Khi muốn trị nhọt, nên rửa xung quanh chỗ bị tổn thương với nước sạch và xà phòng, thường xuyên bôi dung dịch sát khuẩn như Povidine (có chứa iod sát khuẩn), có thể làm mềm nhọt bằng cách đắp bông gòn tẩm dung dịch thuốc tím loãng.
Khi mụn nhọt chín, cách tốt nhất là đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế giúp lấy mủ, nặn "ngòi" và chăm sóc đúng cách. Có khi người bệnh được cho uống kháng sinh (để trị tụ cầu khuẩn hoặc phải dùng kháng sinh oxacillin hoặc dicloxacillin) khi mụn nhọt to và có vẻ nặng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)