Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) ngày 14/5, với vết bỏng vùng cẳng chân chảy dịch mủ có mùi hôi thối, da bẩn cùng giấy kết dính vào vết bỏng. Bé vận động hai đầu gối khó khăn, khớp cứng, hai cẳng chân nhiễm trùng.
Theo người nhà, bé vô tình làm cháy can cồn dẫn đến bị bỏng cả hai chân, ở nhà điều trị bằng cách đắp thuốc nam. 14 ngày sau bé đau nhiều hơn, vết bỏng có mùi hôi thối, chảy dịch, không đi lại được nên được gia đình đưa đến viện.
Bác sĩ cho biết bệnh nhi bị bỏng ở mức độ 2. Nếu bé đến bệnh viện xử lý vết thương ngay lúc bỏng thì sẽ phục hồi nhanh chóng. Song, do không được điều trị đúng cách, hiện bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết, vùng khớp gối đã bị cứng, đi lại khó khăn. Sau khi điều trị ổn định vết bỏng, bệnh nhi phải điều trị phục hồi chức năng đi lại, khôi phục khớp gối.

Bệnh nhi được bác sĩ làm sạch vết thương. Ảnh: Lê Quyên.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng cần cách ly nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Nạn nhân bỏng điện, bỏng hóa chất cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, vì có thể tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn tim mạch. Vết thương có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vỡ dễ dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng... lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.