![]() |
Vương Phúc Linh trước khi đi mổ tăng chiều cao và hiện nay trên giường bệnh. |
Trang web Trung quốc tăng cao net rêu rao: “Mọi người bình thường tuổi từ 18 đến 48 đều có thể tăng thêm chiều cao qua phẫu thuật, ít thì thêm được mấy cm, nhiều thì hơn chục cm. Nếu muốn cao thêm 10 cm thì cần nằm viện 4 tháng, sau đó về nhà nghỉ ngơi thêm 4 tháng là được như ý”. Vậy là nhiều thanh niên kéo nhau đi phẫu thuật nâng chiều cao. Giáo sư Hạ Hoà Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỹ thuật cố định ngoại khoa xương Bắc Kinh, người phát minh ra phương pháp “Phẫu thuật tăng cao Hạ thị” khoe: "Từ khi bắt đầu mổ ca đầu tiên năm 1990 đến nay, tôi đã làm hơn 600 ca, chỉ có 3 ca không thành công, bảo đảm 99% không xảy ra vấn đề gì". Hiện nay, ông hợp tác với 3 bệnh viện ở Quảng Châu, Thành Đô, Bắc Kinh mở chuyên khoa phẫu thuật tăng cao.
Để có thể cao thêm vài cm, các khách hàng phải chịu đập gẫy xương ống chân ở vị trí 5-6 cm dưới gối và 15-20 cm phía trên cổ chân. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành đóng xuyên vào mỗi phía xương gãy 4 cây đinh thép rồi nối chúng vào với nhau bằng các cây đinh vít tạo thành hình chiếc lồng chim, đó chính là “tăng cao khí” (thiết bị kéo dài xương), mà giữa “lồng” chính là chỗ xương bị gẫy. Do chỗ xương gãy cần tái sinh các tổ chức nên hằng ngày chỉ cần dùng tay xoay ốc vít để đẩy khoảng cách hai đầu “lồng” xa nhau dần, là có thể đạt được mục đích tăng cao. Nói chung mỗi ngày có thể kéo dãn từ 0,5 đến 1 mm, bình quân 0,7 mm chia làm 2-3 lần.
Cả quá trình phẫu thuật tăng cao gồm 3 thời kỳ: phẫu thuật, trị liệu và phục hồi. Trị liệu là quá trình từ sau khi mổ đến khi tháo “lồng” ra khỏi chân, cứ tăng 1 cm cần 20 ngày điều trị; còn phục hồi là rèn luyện công năng sau khi tháo “lồng”, cứ tăng 1 cm chiều cao thì phải cần 10 ngày phục hồi. Nếu tăng 3-5 cm thì thu phí 2 vạn tệ, tăng thêm 5-7 cm chiều cao thì mất 3 vạn tệ, tăng 8-10 cm mất 4 vạn tệ... (1 vạn tệ tương đương 18,5 triệu VND). Đó là mức thu viện phí ở Bệnh viện Đồng Bách (Trịnh Châu). Còn ở 3 bệnh viện của giáo sư Hạ Hoà Đào thì mỗi ca là 5 vạn tệ, còn ở bệnh viện của ông tại Quảng Châu thì 5-8 vạn tệ vì giá mỗi bộ “tăng cao khí” theo họ lên tới 2,5 vạn tệ rồi.
Một tờ báo Thành Đô ngày 29/7 dẫn lời bác sĩ Đặng Quang Bình, Phó chủ nhiệm Bệnh viện y Không quân Thành Đô: “Sau khi phẫu thuật tăng cao, xương mới phát triển không để lại di chứng, giống như vết cắt ở ngoài da, sẽ lành dần dần”.
Thế nhưng, Giáo sư Lý Khởi Hồng, Cố vấn Hiệp hội Khoa xương quân đội, Uỷ viên thường trực Ban biên tập tạp chí Trung Hoa Cốt Khoa, nói: “Bản thân việc phẫu thuật tăng cao đã rất nguy hiểm. Chẳng có chuyên gia trong nước nào lại ủng hộ việc phẫu thuật tăng cao cho người bình thường, chẳng có ai viết luận văn chuyên đề y học về vấn đề này, điều đó cho thấy học có thái độ thận trọng đối với loại phẫu thuật này”.
Theo các giáo sư đầu ngành chuyên khoa xương ở Quảng Châu, Trịnh Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, phẫu thuật tăng cao đứng trước nguy cơ khó lường:
Thứ nhất, đôi chân của bệnh nhân bị 16 cây đinh sắt xuyên qua, nếu không thận trọng sẽ bị tổn hại đến mạch máu, cơ bắp và tổ chức thần kinh. Nếu đinh vô trùng không tốt sẽ gây nguy cơ viêm nhiễm cơ, thậm chí viêm tuỷ xương dẫn đến tàn tật.
Thứ 2, tốc độ kéo dài xương nếu quá nhanh sẽ gây tổn thương mạch máu và thần kinh, dẫn đến tê liệt thần kinh hoặc trở ngại lưu thông máu.
Thứ 3, do người bình thường dự liệu kém về mức độ đau đớn của việc phẫu thuật, thường đặt hy vọng quá cao nên nếu phẫu thuật không kiên trì, giữa đường bỏ dở sẽ dẫn đến tàn phế suốt đời.
Ngoài ra, có 3-5% người bình thường xương khó liền, nếu trước khi mổ không kiểm tra không kỹ sẽ gây hậu quả khôn lường. Việc phẫu thuật tăng cao còn tăng thêm áp lực lên khớp gối, nếu không tập luyện một cách khoa học sẽ dễ bị tàn tật.
Giáo sư Lý Khởi Hồng cho biết: "Nói chung, nam cao không dưới 1,6 m, nữ không dưới 1,5 m thì nên coi là bình thường, các bác sĩ không nên động dao đến chân họ". Ông nhấn mạnh: “Tiến hành phẫu thuật tăng cao đối với người bình thường vì mục đích kinh doanh là vi phạm đạo đức nghề y và luân lý đạo đức”.
Nạn nhân của “mốt”
Đã gần hai năm, cô gái 32 tuổi Vương Phúc Linh phải nằm bệt trên giường. Trên người cô còn mang hai chiếc “lồng tăng cao khí”, mỗi chiếc nặng 5 kg. Khi bắt đầu phẫu thuật, người ta giới thiệu là “lồng” làm bằng thép không gỉ nhưng cả hai chiếc “lồng” đều đã han gỉ. Vương Phúc Linh cao 1,53 m. Ngày 13/12/1999 được người bạn giới thiệu, cô đến Bệnh viện ĐH Y khoa Trịnh Châu để “phẫu thuật tăng cao”. Cô nói: “Mất hai tháng sau khi mổ, tôi không bao giờ ngủ được quá 5 phút vì đau nhức, mỗi tuần một lần thuê người khiêng đến bệnh viện để chụp X quang”. Sau nửa năm trời đau đớn, Phúc Linh chỉ cao thêm được 3 cm thay vì 10 cm như đã định, còn “tăng cao khí” thì không thể tháo ra vì cô bị loãng xương...
Ngày 12/6, Vương Phúc Linh đã kiện bệnh viện ra toà, đòi bồi thường các loại phí tổn tổng cộng 71,8 vạn tệ. Nhưng khớp gối của cô đã bắt đầu biến dạng còn người yêu của cô cũng bỏ đi.
Thật đáng buồn, trường hợp của Vương Phúc Linh không phải là duy nhất. Tô Phi ở Bắc Kinh, Lương Lệ Sinh (20 tuổi), Lưu Mẫn (24 tuổi) ở Thương Khâu (Hồ Nam) cũng lâm vào cảnh tương tự như vậy.
(Theo TP)