Thứ hai, 20/1/2025
Thứ năm, 2/1/2025, 17:23 (GMT+7)

Đắp đê cứu bãi biển 'đẹp nhất châu Á'

Đà Nẵng huy động hơn 200 người dùng bao tải cát xếp chồng lên nhau, kết hợp với rọ sắt tạo thành đê chắn sóng bảo vệ bờ biển Mỹ Khê.

Ngày 2/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng và Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng huy động hơn 200 người khắc phục sạt lở tại bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà.

Bãi biển Mỹ Khê là khu vực sạt lở nặng nhất ở Đà Nẵng, kéo dài khoảng 150 m dọc đường Võ Nguyên Giáp, sóng ăn sâu vào bờ khoảng 15 m.

Phương án đưa ra là cho xe tải chạy xuống bãi biển, xúc cát tại một bãi bồi chở về khu vực đang sạt lở để có vật liệu gia cố tại chỗ.

Lực lượng chức năng đã chuẩn bị hàng trăm rọ sắt để đắp đê. Công nhân phía trên liên tục vận chuyển rọ xuống khu vực sạt lở.

Phía dưới mọi người xúc cát vào các bao tải, sau đó xếp vào rọ sắt.

Mỹ Khê là bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng, được mệnh danh là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á.

Các bao cát được xếp kín, lèn chặt trong rọ sắt. Mỗi rọ chứa khoảng 20 bao cát, tạo được độ cao khoảng 60 cm.

Công nhân sau đó dùng dây thép cột chặt rọ sắt, đảm bảo các bao cát không bị bung ra ngoài khi chắn sóng.

Các rọ cát được xếp chồng lên nhau. Tại những vị trí đã đắp đê, xe cơ giới sẽ múc cát từ các xe tải chở về để bổ sung cho số cát bị biển xâm thực.

So với ba ngày trước, bờ biển Mỹ Khê đã bị sóng xâm thực thêm khoảng 2 m, làm hư hỏng nhiều hàng dừa, vỉa hè.

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết việc đắp bao cát, rọ sắt sẽ giúp chắn sóng, tránh việc sóng cuốn cát ra xa bờ gây sạt lở.

"Chiều nay, chúng tôi đã đề nghị Trung đoàn Pháo phòng không 224 hỗ trợ thêm 100 chiến sĩ để khắc phục sạt lở", ông Nghĩa nói, cho biết sau khi dựng đê chắn sóng sẽ tiếp tục san gạt phía trên để đảm bảo mỹ quan.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, sạt lở do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc tạo thành dòng chảy rút xa bờ (tên tiếng Anh là rip current). Dòng rip là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển.

Tùy theo thời tiết hàng năm, vị trí dòng rút thay đổi và gây mức độ sạt lở khác nhau. Thông thường bãi biển sau đó sẽ được bồi đắp trở lại vào tháng 3-4. "Đây là lần đầu tiên sau 25 năm sóng biển xâm thực gây thiệt hại nặng cho bãi biển Mỹ Khê", ông Nghĩa nói.

Những ngày qua, cơ quan chức năng đã căng dây và đặt biển cảnh báo sạt lở.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, đề nghị Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch trong quá trình khắc phục sạt lở phải đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc. "Thành phố sẽ nghiên cứu, tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia để tìm giải pháp chống sạt lở lâu dài cho các bãi biển du lịch", ông Vĩnh nói.

Nguyễn Đông