Tháng 3/2019, tại Rotterdam (Hà Lan), Jeroen Kramer - cán bộ phụ trách báo chí và truyền thông của Kering huis say sưa nói hàng giờ về niềm tự hào của người dân Hà Lan - đập chắn sóng tự động Maeslantkering với đoàn báo chí của Việt Nam. Kering huis giờ trở thành bảo tàng giới thiệu về công trình trị thủy nổi tiếng của Hà Lan tới những người quan tâm.
Cách đây gần 30 năm (1991), khi công trình được xây dựng, nhiều người cho rằng đây là nhiệm vụ bất khả thi bởi người Hà Lan muốn dùng đập chặn sóng, ngăn không cho nước biển tràn vào đất liền mỗi khi có bão, lũ làm nước dâng cao. Nhưng với địa hình 1/3 diện tích đất ở dưới mực nước biển gần 7 m, nếu không có biện pháp trị thủy, nước biển dâng toàn bộ lãnh thổ của Hà Lan sẽ chìm trong nước. Đây cũng là hợp phần cuối cùng trong dự án tổng thể Delta Works nhằm chặn tất cả cửa sông để hạn chế tối đa khả năng xâm lấn của nước biển vào đất liền được chính phủ này phê duyệt với kinh phí 9 tỷ USD. Riêng đập Maeslantkering được đầu tư 3 tỉ USD.
Đập Maeslantkering (được xây dựng hai bên bờ New Waterway) - được biết đến như hàng rào chắn sóng di động duy nhất trên thế giới - gây ấn tượng đặc biệt với hai cánh cửa quay bằng thép nặng 6.800 tấn, mỗi bên dài 210 m, cao 22 m.
Đập được thiết kế với các cảm biến và hệ thống siêu máy tính, cập nhật mực nước biển, thời tiết, lập trình và chạy tự động hoàn toàn. Khi bão làm nước biển dâng cao hơn bình thường 3m, hai cánh sẽ tự động đóng lại nhờ các khớp bi có đường kính 10 m và trọng lượng 680 tấn. Trước đó đáy biển đã được đào thành các khe lớn để cố định hai cánh cửa khi chìm xuống.
Để công trình vận hành, hai cửa đập phải được hạ xuống bề mặt phẳng và cần có móng dưới đáy biển. Đây là một thách thức khi cửa đập đóng dần, nước chảy xiết hơn, nguy cơ phá vỡ móng, nên móng đã được xây dựng kiên cố. Họ đã đào sâu xuống đáy biển và xây lại bằng cát, sỏi và đá cho đến khi hoàn thiện móng.
Các kỹ sư cũng nghiên cứu và chọn lớp vật liệu thấm cho phép nước chảy qua để làm giảm áp lực nước dưới đáy đập và lớp móng không bị rửa trôi. Gần 65.000 tấn bê tông được đặt trên lớp móng để tạo chân đế cứng. Khi cửa đập không hoạt động, chân đế này chìm dưới lớp bùn. Khi cửa đập gần chìm xuống đáy, nước chảy xiết khiến trôi bùn dưới đáy, để lộ chân đế và cửa đập có thể dựa lên.
Phần khớp nối của con đập được thiết kế có thể chịu được lực 70.000 tấn đủ để chống lại cơn bão lớn nhất. Mỗi khớp nối của đập được chế tạo to bằng căn nhà, sử dụng thép với độ chính xác của một chiếc đồng hồ.
Hàng rào này được kết nối với một hệ thống máy tính theo dõi mực nước biển và thời tiết. Bình thường, hai cánh cửa của Maeslantkering hoàn toàn để mở sang hai bên cho tàu đi qua. Nếu bão xuất hiện làm mực nước biển dâng lên 3 m so với mức bình thường, hai cánh cửa sẽ tự động nổi lên rồi đóng sập lại để ngăn dòng nước. Trong trường hợp thủy triều lên, một đội ngũ vận hành luôn có mặt để theo dõi quá trình tự động và can thiệp bằng tay khi cần.
Jeroen Kramer cho biết, toàn bộ công trình trước khi xây dựng đã được các kỹ sư thử nghiệm trên mô hình để đảm bảo không thể sai sót trong thực tế, dù là một chi tiết. "Tất cả đều tự động nên chỉ sai lệch một ly là hỏng cả công trình này", Jeroen Kramer nói và cho biết cuối cùng công trình đã mang lại kết quả hơn mọi người nghĩ sau sáu năm xây dựng.
Đập đảm bảo cả hai mục tiêu duy trì hoạt động của cảng biển và ngăn nước biển khi cần. Ý tưởng táo bạo này chưa từng có trên thế giới, nhưng Jeroen Kramer cho rằng, người Hà Lan không có lựa chọn nào khác vì không thể xây đê chắn cố định, như thế sẽ ngăn tàu thuyền vào cảng.
Kể từ khi đưa vào sử dụng năm 1997, Maeslantkering mới chỉ đóng một lần trong trận bão lớn tháng 11năm 2007. Khi đó nước biển dâng cao, đập đã tự động đóng như lập trình trước sự kinh ngạc của người chứng kiến. Công trình được đầu tư với số tiền lớn nhưng mới chính thức vận hành một lần sau hơn 10 năm xây dựng, song nó mang lại sự yên tâm cho người dân Hà Lan. Mỗi khi bão về, nước biển dâng, người dân và tài sản yên tâm bởi đã có hàng rào bảo vệ họ.
Hiện các chuyên gia Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống "đê chắn sóng thông minh" bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia và các nhà khoa học thủy lợi Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng.
Với thành công này, Hà Lan muốn chia sẻ kinh nghiệm trị thủy với các nước trên thế giới và Việt Nam hiện là một đối tác toàn diện. Hai bên đang cùng nhau giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam quản lý nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng Trung tâm dữ liệu tích hợp, kiểm soát sụt lún đất và xói mòn, soạn thảo Chiến lược ngăn chặn nước lũ.