Ông Dương Hữu Số, thủ từ đền thờ vua Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Hà Nội) vui vẻ nói: "Chiều qua họ đập bỏ bức bình phong trước lăng vua rồi. Đôi rồng màu xanh đỏ lòe loẹt ở lăng cũng được sơn lại thành màu ghi. Giờ mọi thứ lại thông thoáng, đẹp đẽ như trước. Tôi phấn khởi lắm".
Ông Hứa Đức Thịnh - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sơn Tây cũng xác nhận việc bức bình phong trước lăng Ngô Quyền được phá bỏ. Vị lãnh đạo này cho biết, việc làm bình phong là theo đề xuất của PGS.TS Trần Lâm Biền, đã được Bộ Văn hóa cho phép. Tuy nhiên, trước những ý kiến trái chiều của dư luận, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây nhận thấy cần xác minh lại thiết kế của hạng mục này. Chiều 13/3, Phòng quyết định yêu cầu đơn vị thi công dự án trùng tu lăng vua Ngô Quyền dỡ bỏ bức bình phong và hình con thú trước mặt lăng.
Trước đó ngày 11/3, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng thi công Dự án trùng tu, tôn tạo lăng Ngô Quyền. Sở Văn hóa Hà Nội cũng đi kiểm tra và gửi văn bản đề nghị thị xã Sơn Tây tạm dừng thi công bức bình phong để nghe thêm ý kiến người dân, nhất là dòng họ Ngô. Những chỉnh sửa, thay đổi bổ sung liên quan hạng mục này, thị xã và đơn vị đầu tư dự án cần làm thủ tục bằng văn bản để Sở báo cáo và xin phép Bộ Văn hóa.
Tuy nhiên, ông Hứa Đức Thịnh cho biết, trước khi phá bức bình phong, thị xã Sơn Tây chưa có văn bản gửi lên cấp trên. Trưởng phòng Văn hóa khẳng định sẽ có giải trình với Sở Văn hóa Hà Nội, Cục Di sản, cùng nhân dân về sự việc này trong buổi họp sáng 15/3.
Đầu tháng 3, bức bình phong đặt trước mộ vua Ngô Quyền - một hạng mục trong Dự án trùng tu, tôn tạo khu lăng gây xôn xao trong dư luận. Nhiều người dân địa phương, dòng họ Ngô, các nhà văn hóa, di sản đều cho rằng bức bình phong thiếu thẩm mỹ. PGS.TS Trần Lâm Biền từng gọi hình hổ trên bình phong là "báo lai chó sói chứ không phải ông hổ thần linh. Bức bình phong hiện tại không đẹp và chưa đúng với tinh thần, ý nghĩa tâm linh".
Quỳnh Trang