"Bạn có thể thuê một bàn làm việc tại La Casa với giá dưới 3 USD mỗi ngày, thuê một chiếc xe máy để đi lại dưới 4 USD mỗi ngày và thuê nhà nguyên căn giá 500 USD mỗi tháng", Jérôme Van Vlierbergen, 30 tuổi, một nhà phát triển tiền số người Bỉ nói về Koh Pha-ngan. "Với đồ ăn ngon, khung cảnh nên thơ và tốc độ Internet nửa Gb/giây, không có gì lạ khi Koh Pha-ngan trở thành thánh địa cho những kẻ du mục về tiền điện tử".
Cũng theo Vlierbergen, mọi người có thể tìm thấy nhiều hội thảo về tiền số hoặc các chuyên gia về lĩnh vực này hội tụ ở Koh Pha-ngan. Ở đảo, hầu hết mọi người có sự am hiểu nhất định về blockchain, kể cả người bản địa.
Đảo tiền số
Koh Pha-ngan vốn có khoảng 12.000 người bản địa sinh sống, nhưng cơn sốt tiền điện tử đã khiến dân số nơi đây gấp ba chỉ trong vài năm, chủ yếu là người Mỹ, châu Âu và Nga. "Không có sân bay. Mọi người đều bắt đầu hành trình đến đây bằng thuyền và điều đó khá thú vị", Edwin de Lepper, chủ quán cà phê Buddha Cafe chuyên phục vụ người chơi tiền số, chia sẻ.
Cuối 2021, khi Covid-19 bắt đầu đi xuống, Lepper nhận thấy lượng người yêu thích tiền số đổ về đảo ngày một tăng. Họ tập trung tại các cửa hàng hoặc văn phòng cho thuê như Tropicana, Sunset Hill Resort, Signature Restaurant và High Life Resort. Trong đó, xuất hiện nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng ở lĩnh vực này, như MMCrypto với 948.000 người theo dõi trên Twitter hay James Crypto Guru với 74.000 người đăng ký kênh YouTube.
"Rất nhiều người đến đây nói với tôi rằng họ đang phát triển tiền số hoặc xây dựng một dự án tiền số", Lepper nói. "Dù họ không nói ra, tôi nhận thấy rõ rằng có rất nhiều 'cá voi' đang ở trên đảo".
Buddha Cafe được xem là "trái tim" của hòn đảo. Đây không chỉ là quán cà phê thông thường để mọi người gặp nhau và bàn về tiền số, mà còn là nơi tổ chức các buổi hội thảo hàng tuần có tên "Thư viện sống", thảo luận các chủ đề về tiền điện tử, các dự án blockchain hay đơn giản là truyền đạt kiến thức về lĩnh vực này cho những người chưa biết.
Xem như nhà của mình
Bên cạnh Koh Pha-ngan, một số nơi tại Đông Nam Á như Phuket, Chiang Mai của Thái Lan, hay đảo Bali của Indonesia là địa điểm thu hút người yêu thích tiền số. Nhiều người chuyển nơi làm việc thường xuyên qua các khu vực này, nhưng Koh Pha-ngan vẫn được yêu thích hơn cả.
Kyle Chasse, người sáng lập công ty tiền số Paid Network và quỹ Master Ventures, đã gọi Koh Pha-ngan là ngôi nhà thứ hai của mình. Chasse cho biết ông chuyển đến đảo vào năm 2018 sau khi nghe tin về một cộng đồng Bitcoin mới thành lập. "Một trong những lý do tôi ở đây là cảnh đẹp, con người và sự an toàn. Nó thực sự giống thiên đường trong trí tưởng tượng của tôi", ông nói.
Guy Allison, sáng lập Blockchain Careers, cho biết tại Koh Pha-ngan có ba đặc trưng: tiệc tùng, quán bar và yoga. "Mọi người thường chuyển đổi chúng để có cảm hứng làm việc", Allison cho biết.
Sean Stella, người sáng lập blockchain HardForking, cho biết ông đã có mặt trên đảo được vài năm. Người đàn ông New Zealand này đến châu Á từ 2005 và dành phần lớn thời gian của mình giữa Singapore và Thái Lan. Tới 2016, ông đến Koh Pha-ngan và nhận thấy rất nhiều người yêu thích tiền số đang ở đó. "Tôi bất ngờ khi giao lưu với một nhóm người trong quán cà phê, thậm chí nhìn thấy dàn khai thác Bitcoin trong nhà vệ sinh của quán", Stella kể lại.
Stella ước tính có khoảng 50–60 người yêu thích tiền điện tử trên Koh Pha-ngan vào năm 2016, sau đó tăng lên vài trăm người vào 2017. Dù vậy, đến 2018, số người ít đi do sự quan tâm đã giảm dần khi mùa đông tiền số xảy ra. Những năm sau đó, số người đến đảo tăng trở lại, đặc biệt là người từ châu Âu và Nga. Theo ước tính, có khoảng 300-400 người trên đảo làm việc trong lĩnh vực tiền điện tử.
Tương lai của Koh Pha-ngan
Theo Allison, Singapore, Việt Nam, Hong Kong và Thái Lan đang trở thành điểm nóng về tiền điện tử trong khu vực. Riêng Thái Lan đã có một số động thái mở đường, chẳng hạn Sở giao dịch chứng khoán nước này phát triển sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số mới, hay Ngân hàng Thương mại Siam đã tiếp quản sàn giao dịch tiền điện tử Bitkub vào tháng 11 năm ngoái. "Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy tiền điện tử sẽ trở nên phổ biến ở Thái Lan", Allison nhận định.
Tuy nhiên, về mặt cá nhân, Allison cho rằng tương lai của ông ở Koh Pha-ngan sắp kết thúc. "Tôi đã làm việc này được hai năm, và tôi cảm thấy mình đã đi vào ngõ cụt của sự sáng tạo", Allison chia sẻ. "Nhiều người ở đây khá cực đoan. Họ đang bị nghiện và cố thoát khỏi cơn nghiện. Mọi thứ dường như khó khăn do không có gì ở giữa để chế ngự".
Allison dự định chuyển đến Chiang Mai thời gian tới. Theo ông, Koh Pha-ngan có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tiền số, nhưng lại không có những tổ chức hay quỹ chuyên tài trợ cho các dự án khởi nghiệp.
Còn đối với Lepper, ông nhận thấy Koh Pha-ngan đang thay đổi theo hướng không còn đúng với tên gọi "Crypto Island". "Một hòn đảo chuyên về tiền số thật sự cần có nhiều hơn hiện tại. Mọi người có thể dùng Bitcoin hay bất cứ tiền số gì để mua sắm, nhưng ở đây những người am hiểu tiền số chủ yếu trao đổi với nhau, có khá ít nơi hỗ trợ thanh toán bằng loại tiền này", ông cho biết.
Bảo Lâm (theo CoinTelegraph)