Những ngày giáp Tết Nguyên đán, dân chơi đào Hà Thành đổ về vườn đào Nhật Tân để săn những gốc đào độc nhất, trong đó có đào Thất thốn.
"Vương phi" của các giống đào
Ðào Thất thốn là loài hoa cổ, hiếm và có sức sống mãnh liệt. Mang dáng vẻ cổ kính, từ gốc đến cành đào đều sùi phồng, nổi những u, mấu xù xì, tựa như gốc đa già phong trần sương gió. Nếu các loại đào khác đơm hoa từ những cành nhỏ thì đào Thất thốn có thể bất chợt đơm hoa từ những trụ gốc khô khốc, ở những nơi không tưởng nhất, khiến người ta liên tưởng đến vẻ đẹp bước ra từ bức tranh thủy mặc.
Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là Thất thốn. Thất thốn đỏ từ rễ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm. Thân cây ngắn, xù xì, lá to và dài xanh đậm, vỏ cây nếu bóc ra thì tím màu mận chín chứ không có màu gỗ như các loại đào thường.
Những hoa đào Thất thốn được người am tường văn hóa phương Ðông hết sức trân trọng. Từ cái gốc xù xì, khô khốc ấy, những nụ hồng, hoa đỏ như tiết dê bật ra đầy sức sống, bông to, cánh dày đẹp đến nao lòng. Màu đỏ của những nụ hồng đào không loài hoa nào sánh kịp. Nhị hoa vàng, vươn dài kiêu sa. Chỉ một bông nở đã làm ấm cả không gian, xua tan giá lạnh của đất trời. Cây nhiều bông thì chóng tàn, nhưng cây ít bông lại bền đến lạ lùng, điều chỉ thấy ở giống hoa quý. Thưởng hoa, người ta thấy trọn vẹn sự viên mãn, đủ đầy.
Thất thốn, nàng tiên hoa khó chinh phục
Không biết tự bao giờ đào Thất thốn xuất hiện ở đất đào Nhật Tân. Vài chục năm trước, gần như nhà nào ở Nhật Tân cũng trồng giống đào này. Thất thốn thường chỉ ra hoa sau rằm tháng giêng, vì thế mà không kinh doanh được, chỉ dành cho mùa lễ hội sau Tết. Người trồng Thất thốn ở Nhật Tân cứ nản lòng dần bởi các thủ thuật với đào thường như khoanh, tuốt lá, ghép mắt đào… để ép ra hoa đúng cữ xuân đều không có tác dụng. Mất tiền, mất thời gian mà chưa ai thành công nên nhiều người để mặc Thất thốn đơn độc ở góc vườn, góc ao nào đó. Thất thốn cũng dần bị mai một theo năm tháng.
Nhiều người Hà Nội cũ, Việt kiều nước ngoài về thăm quê, biết tiếng đào Thất thốn mà giờ chẳng biết tìm đâu. Có người say loài hoa này đến nỗi đã đặt cho nó thêm những cái tên như đào thờ, đào bói, đào tiến vua... mới thấy được cái độ độc, độ hiếm của giống đào huyền thoại này.
Loài hoa quý được hồi sinh
Năm 2009, một nghệ nhân ở Nhật Tân đã làm cho tất cả gốc đào Thất thốn trong vườn nở hoa đúng dịp Tết, một việc chưa từng xảy ra trong tiền lệ. Đó là thành quả của mấy chục năm gắn bó miệt mài theo đuổi, cuối cùng hậu duệ của mảnh đất tiên đào đã nắm được trong tay bí quyết chinh phục nàng tiên hoa.
Nghệ nhân tâm sự, Thất thốn như một người già mẫu mực, sống có phong cách và cầu kỳ. Thất Thốn sống rất thanh bạch, bón nhiều chất dinh dưỡng cây dễ bị chết, giống này chỉ ưa nước sạch, đất càng cằn hoa càng đẹp và thắm sắc. Phải chiêm ngưỡng tận mắt mới cảm nhận được vẻ đẹp mê đắm của nó và khi đã cảm được thì chơi mới thấy sướng.
Đào Thất thốn có nhiều loại: Đỏ, hồng, phai, 5 cánh đơn và 5 cánh kép. Trong đó, Thất thốn đỏ là quý và đẹp nhất. Những người chơi hoa nếu không trân trọng và biết cách chơi hoa thật sự thì dù có trả nhiều tiền cũng không có cơ hội mang hoa về. Một gốc đào loại bé hiện tại có giá trên dưới chục triệu đồng. Khách du lịch đến đây nếu không đủ điều kiện mang về một gốc Thất thốn cũng có cơ hội được mãn nhãn và đắm chìm trong thế giới các loài hoa đào, hoa mai đủ loại.
Những cây đào Thất thốn như những hạt bụi vàng của Hà Nội cổ dần hồi sinh, mang giá trị tinh thần to lớn, góp phần làm sang trọng cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt ở mảnh đất kinh kỳ.
Lê Thương