Họa sĩ Thiếu lấy ngay ví dụ làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Để mở rộng sản xuất, mỗi năm Bát Tràng cần đào tạo khoảng 500 thợ gốm, trong đó có 200 thợ gốm vẽ. Tuy nhiên, hiện không một trường dạy nghề nào đáp ứng được yêu cầu đó. Người Bát Tràng cũng không thể đóng cửa xưởng sản xuất để đi học nghề ở xa hàng tháng.
"Suốt mấy năm nay, địa phương rất trăn trở vì dù có quỹ đất, các nghệ nhân trong làng và chuyên gia ở Hà Nội rất nhiệt tình tham gia giảng dạy, nhưng không đủ khả năng tài chính để xây dựng trường nghề", ông Thiều nói.
![]() |
Mỗi năm, làng nghề Bát Tràng cần đào tạo 500 thợ gốm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tình trạng không có trường nghề đào tạo, thiếu thợ giỏi không chỉ xảy ra tại Bát Tràng, mà ở nhiều làng nghề như Đồng Kỵ, Đa Hội (Bắc Ninh), Vạn Phúc (Hà Tây). Đây chính là nguyên nhân khiến giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam rất thấp.
Ông Thiều tính toán: "Với 1,3 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 triệu thợ bán chuyên nghiệp, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng thủ công giá trị 600 triệu USD. Bình quân mỗi thợ chỉ làm ra khoảng 150 USD, một con số quá thấp, không tương xứng với tiềm năng thực tế".
Từ thực tế trên, họa sĩ Thiều cũng như các nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống đều cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo thợ thủ công. Hiện có 3 hình thức đào tạo chính là truyền nghề trong các làng nghề, dạy nghề trong doanh nghiệp và đào tạo trong các trường dạy nghề.
![]() |
Làng lụa Vạn Phúc rất cần thêm nhân lực để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Hồng Khánh. |
Xét về cả số lượng, chất lượng thì hình thức truyền nghề trong các làng nghề vẫn là cơ bản nhất (chiếm tới 97% số thợ thủ công) và giữ vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của làng nghề. "Đáng tiếc là hình thức này chỉ được hỗ trợ hú họa, với mức rất nhỏ bé", ông Thiều nói.
Tuy nhiên, các nghệ nhân cũng thừa nhận hình thức truyền nghề vẫn có bất cập như chỉ tập trung luyện tay nghề, không mở mang kiến thức văn hóa, xã hội, kỹ thuật, nhất là về thẩm mỹ cho người thợ. Hệ quả là chất lượng thẩm mỹ, độ tinh xảo trên các sản phẩm thủ công còn hạn chế, khó dung hòa được với cuộc sống hiện đại và không có giá trị cao.
Để khắc phục bất cập trên, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tổ chức đại diện cho các làng nghề, đã kiến nghị nhà nước có chính sách khuyến khích kết hợp truyền nghề, đào tạo kiến thức cơ bản cho người thợ. Đối với những làng, vùng nghề lớn như Bát Tràng, nhà nước nên đầu tư xây dựng trường hay trung tâm dạy nghề riêng.
Hồng Khánh