Tại toạ đàm UniPrep số thứ 5 với chủ đề "Đào tạo doanh nhân 4.0", Tiến sĩ Lý Quí Trung - Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia và Tiến sĩ Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư U&I (UniGroup) đã đưa ra quan điểm về việc xây dựng thế hệ doanh nhân kế thừa.
Tiến sĩ Trung quan sát và nhận thấy, không phải doanh nhân nào cũng sẵn sàng sắp xếp cho sự kế nghiệp. Điều này xuất phát từ quan điểm bản thân có thích việc bàn giao, đào tạo thế hệ kế tiếp hay không. Hay cụ thể hơn là có tự hào về nhân viên hay không.
"Có những người tự hào về mình nhưng không tự hào về việc nhân viên ra mặt làm mọi thứ như tài chính, marketing. Nhưng có những người tự hào về nhân viên, ghi nhận sự đóng góp của họ. Kiểu người thứ hai có sự chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa. Kiểu thứ nhất làm doanh nghiệp giỏi nhưng lại không chuẩn bị cho đội ngũ kế thừa", Tiến sĩ Trung nói.
Cũng theo Tiến sĩ, một người lãnh đạo tốt là biết cách đào tạo một người lãnh đạo kế thừa. Điều này cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của một doanh nhân.
Vị Tiến sĩ này đưa ra ví dụ thực tế, khi tuyển dụng hoặc trao quyền cho cán bộ lãnh đạo kế thừa, ông nhìn bằng cấp ở góc độ thái độ với việc học hỏi. Điều này không chỉ thể hiện các bạn có kiến thức chính quy mà còn thể hiện thái độ với sự học. Nhiều người đi làm rồi những vẫn có bằng, chứng chỉ bổ sung. Ông đánh giá họ là người có sự cầu tiến và phần nào biết cách quản lý thời gian.
"Tôi rất thích những người trẻ, nhà kinh doanh trẻ có bằng cấp và thái độ nghiêm túc, trân trọng với việc học hỏi liên tục. Điều này thể hiện sự nghiêm túc với việc học", Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia nói.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín cho biết thêm, thực tế có những trường hợp hai người tốt nghiệp cùng trường, có bằng cấp tương tự, cùng cầu tiến như nhau nhưng khi vào cùng doanh nghiệp vẫn có khả năng một người thành công hơn.
Điều này theo ông Tín phụ thuộc nhiều yếu tố. Đầu tiên, muốn là lãnh đạo cần có khả năng lãnh đạo, tức quy tụ mọi người cùng thực hiện mục tiêu đề ra. Đây là thứ nhà trường không thể đào tạo 100%.
Khả năng lãnh đạo thể hiện ở cách họ đưa kiến thực vào đời sống thực, phải có thái độ đúng, có lửa lớn trong lòng để mọi người đi theo.
Ngoài ra, người làm lãnh đạo cần có các cá tính khác như khả năng chấp nhận rủi ro, dấn thân, khát khao làm những điều to lớn cho cuộc sống. Có những người họ chỉ có niềm vui khi đối mặt với thách thức lớn. Điều này nhà trường cũng không hẳn đào tạo được.
"Cuối cùng, yếu tố quan trọng là tinh thần phụng sự xã hội. Nếu các bạn chỉ đam mê tiền, chỉ đặt mục tiêu về tiền mà quên đi tinh thần phụ sự xã hội, tôi không đánh giá cao người này", Tiến sĩ Tín chia sẻ.
Làm thế nào để đào tạo họ? Ông Tín nhấn mạnh: "Chắc chắn chúng ta phải làm gương. Sự lan tỏa của những tấm gương đi trước luôn có tác động lớn hơn so với kiến thức từ nhà trường. Tương tự như việc dạy con, các con học chúng ta theo cách chúng ta làm, chứ không phải lời chúng ta nói. Nếu muốn tạo nên một thế hệ lãnh đạo kế thừa, bạn cần trở thành một người lãnh đạo tốt trước".
Chia sẻ thêm về khả năng cân bằng giữa công việc với các yếu tố khác trong cuộc sống của một doanh nhân, như học, chơi thể thao... Tiến sĩ Trung cho rằng "học chơi" khó hơn "học chữ". Học chữ gần như điều bắt buộc, còn "học chơi" phụ thuộc vào sự tự nguyện và cần nhiều thời gian.
Học chơi ở đây có thể là thể thao, nghệ thuật, đọc sách... Điều này giúp một doanh nhân có cuộc sống cân bằng đồng thời còn là định nghĩa thành công của một cuộc đời.
"Tôi định nghĩa một người thành công không phải là kinh doanh rất thành công mà phải là người có cuộc sống thăng bằng, nhiều khía cạnh của cuộc sống", ông nói.
Cũng theo ông, sau ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người, trong đó có các bạn trẻ đã bắt đầu để ý đến yếu tố này, sống theo hướng cân bằng thay vì chỉ nghiêng về thăng tiến nghề nghiệp, chạy theo đồng tiền.
"Đối với tôi, sự cân bằng này rất quan trọng. Nó là cân bằng ba khía cạnh: công việc, gia đình và thú vui riêng. Mỗi người cần ít nhất ba khía cạnh đó thì mới hạnh phúc và tác độc tích cực đến mọi người xung quanh", Tiến sĩ Trung khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Trung, ông Tín cho rằng, việc cân bằng là cần thiết. Tuy nhiên, đừng cố gắng đạt sự cần bằng bằng cách chia đều giờ mỗi ngày cho từng khía cạnh.
"Chúng ta có trách nhiệm với sự nghiệp, gia đình và bản thân để có cuộc sống nhẹ nhàng, có sự điềm tĩnh, sức khỏe và sự mềm mỏng cần thiết khi đối mặt với khó khăn", ông nói. "Cá nhân tôi, tôi chú trọng đến việc tập trung, toàn tâm với một việc trong một thời điểm, không vừa làm, vừa chơi, làm gì ra đó. Đó đã là sự cân bằng rồi, không phải cân bằng theo số giờ".
Nguyễn Phượng
"UniPrep - Sắp vào đại học" là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.