![]() |
Những chiếc xe máy bị ăn trộm. Ảnh: Thanh Niên |
Đầu năm 2007, vợ chồng anh Huy (huyện Hóc Môn) bị kẻ gian dùng đoản tự chế mở cửa nhà, bê két sắt bên trong có hơn 100 triệu đồng.
Cũng có không ít vụ hung thủ không cần mở khóa mà vẫn cuỗm hết tài sản của gia chủ. Điển hình vụ việc tại dãy ki ốt 4B-5B-6B đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. Sáng sớm, nhân viên cửa hàng phát hiện toàn bộ hàng hóa gồm hàng trăm điện thoại di động đời mới, hàng chục máy chụp hình, quay phim, nghe nhạc MP3..., tổng trị giá trên 1 tỷ đồng không cánh mà bay. Mảng lớn mái tôn đã bị cắt, đây chính là cách đạo tặc đột nhập vào trong cửa hàng.
Trường hợp anh Hưng ở Gò Vấp cũng tương tự. Chiều 26/1, anh đi làm về, bỗng thấy... nghi nghi vì một vài món đồ bị xáo trộn. Miếng kính thông gió phía sau nhà đã bị gỡ ra. Gần chục triệu đồng tiền thưởng Tết mới lĩnh để trong ngăn tủ đã "chia tay" gia chủ...
Công an TP HCM nhận định, hầu hết bọn trộm đã nghiên cứu rất kỹ gia chủ trước khi quyết định "ăn hàng". Đạo tặc chuyên nghiệp ngày nay sẵn sàng đầu tư hàng chục triệu đồng cho "đồ nghề". Vì thế, có trường hợp gia chủ đã khóa đến 5 khóa thép chống trộm, nhưng rồi vẫn không thể giữ được tài sản.
"Để chống lại kìm cộng lực, thay vì hàn các khoen sắt phía ngoài nên dùng các khoen thép rồi bắt ốc hoặc hàn phía trong cửa", đại úy Trịnh Kim Sơn, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP HCM khuyến cáo. Vào thời điểm gần Tết, 2/3 số vụ án là trộm, cướp. Trên 50% thủ phạm đã biệt vô âm tín sau khi gây án.
Ngoài những vụ trộm đột nhập vào nhà, trinh sát đội chuyên chống trộm cắp của TP HCM cũng cảnh báo tình trạng "chôm" xe gắn máy. Thủ đoạn "truyền thống" của đạo chích là đi rảo trên các tuyến đường, ngõ hẻm, chờ ai để xe sơ hở là dùng đoản đa năng mở khóa điện, nổ máy. Trước đây, loại xe Wave thường bị mất nhiều do khóa dễ mở, nhưng hiện nay cả xe SH, Dylan... với các loại khóa được xem là tối tân cũng bị "bẻ".
(Theo Thanh Niên)