Những ngôi nhà quét sơn trắng, mái xanh dương hòa cùng tông với bầu trời và màu biển trên đảo Santorini đã thu hút 3,4 triệu du khách mỗi năm, gấp 170 lần số dân cư 20.000.
Vào các ngày cao điểm, 17.000 du khách đến đảo bằng tàu du lịch, hướng thẳng tới những nơi hút khách nhất như thành phố Fira và thị trấn Oia phía tây bắc để ngắm hoàng hôn.
Thị trưởng Santorini Nikos Zorzos đã đề xuất giới hạn lượng khách đến đảo bằng tàu du lịch, xuống còn 8.000 người một ngày và được Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis ủng hộ. Chính sách dự kiến được áp dụng từ năm 2025 với mong muốn giảm bớt tình trạng quá tải du khách mà các điểm đến khác ở châu Âu như Italy, Tây Ban Nha đang gặp phải.
Nhưng người dân Santorini lại nghĩ khác và cho rằng vấn đề không phải là quá nhiều du khách. Gianluca Chimenti, đại diện một công ty lữ hành địa phương và sống trên đảo 18 năm, nói du lịch quá mức không tồn tại ở đây. Thứ mà Santorini thiếu là các công trình kiến trúc.
Những con phố lát đá cuội hẹp, ban công bên vách đá luôn chật kín khách du lịch đứng chụp ảnh "tự sướng" lúc hoàng hôn là hình ảnh quen thuộc qua nhiều năm tháng. Nhưng khi màn đêm buông xuống, đám đông biến mất. Nhiều người phàn nàn hòn đảo "từ đông như quảng trường Thời đại ở Mỹ thành thị trấn ma".
Gianluca Chimenti nói hình ảnh Santorini tràn ngập khách trên mạng xã hội chỉ phản ánh một góc vấn đề. Vào các thời gian còn lại trong ngày, bức tranh về đảo rất khác. Hiện tại không giống như trước đây, hòn đảo giờ vắng tanh.
"Năm nay là mùa tồi tệ nhất từ trước đến giờ", Chimenti nói.
Tháng 7-8 là mùa cao điểm, nhưng tại trung tâm các thị trấn đã vắng bóng người sau 21h. Các nhà hàng, khách sạn không còn hoạt động. Khách đến bằng tàu du lịch, theo các hộ kinh doanh trên đảo, rất cần thiết và được đánh giá cao cũng như khách lưu trú dài ngày.
Chimenti nói người dân trên đảo đều cảm thấy Santorini cần phải thay đổi.
Đến cuối thế kỷ XX, Santorini vẫn là điểm đến bình dị, nơi người dân cưỡi lừa di chuyển, trồng cà chua, nho. Hiện tại, cơ sở hạ tầng lỗi thời của đảo đang chịu áp lực lớn. Cảng chính tại Fira cũng rơi vào tình trạng tương tự vì cơ sở vật chất đã cũ. Muốn đi từ cảng vào trung tâm, khách phải đi bộ đường dài với những con đường dốc hoặc cáp treo. Xếp hàng lâu là điều bình thường nếu nhiều tàu cùng cập cảng một lúc.
Tuy nhiên, khi đám đông biến mất (khách quay lại tàu), công suất lấp phòng của các khách sạn chỉ đạt 30% so với các mùa không phải cao điểm. Chimenti chỉ ra vấn đề khiến Santorini đang rơi vào tình trạng vắng khách, kinh doanh bị ảnh hưởng là "truyền thông đang nói về điều khác với thực thế". Nhiều người luôn nghĩ Santorini quá đông đúc nên đã tránh đến và tìm nơi khác thay thế.
Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA), tổ chức thương mại toàn cầu hôm 1/8 cho biết đã gặp Bộ trưởng Hàng hải Hy Lạp Christos Stylianides để thảo luận về vấn đề cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cảng.
Sự bùng nổ du lịch của Hy Lạp không chỉ ở Santorini. Reuters đưa tin doanh thu du lịch quốc gia đã tăng 16% trong 5 tháng đầu năm, năm nay Hy Lạp dự kiến vượt qua kỷ lục 33 triệu lượt khách năm 2023.
Maria Deligianni, giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của CLIA, cho biết các hãng tàu cam kết duy trì hạn mức 8.000 hành khách trước sự nổi tiếng quá mức của các đảo Santorini và Mykonos. Các hãng tàu bắt đầu quan tâm đến đa dạng hóa hành trình đến Hy Lạp, nhằm đưa khách đến các điểm khác và giảm áp lực cho các điểm đến "nóng".
Hiện tại, gần hai phần ba tàu du lịch ở Hy Lạp là đến Piraeus, Santorini và Mykonos. Nhưng du khách cũng đang dần tránh các điểm đến này.
Katie Haslam đến từ Anh đã dành tuần trăng mật vào tháng 7 ở Santorini. Nhưng thay vì đến Fira đông đúc du khách, cô ghé làng chài nhỏ nằm trên vách núi cách thành phố vài km. Nhờ đó, họ có được kỳ nghỉ trong mơ mà không bị làm phiền bởi các du khách khác.
"Tôi nghĩ có khoảng 8 tàu du lịch đến Fira vào ngày chúng tôi định ghé thăm và chúng tôi vội tránh xa", Katie nói.
Anh Minh (Theo CNN)