Nói cách khác, Lê Thánh Tông đã vận dụng linh hoạt khả năng tác động của đạo đức vào công cuộc trị nước, thiết lập một trật tự xã hội mới trên cơ sở kết hợp hài hoà "đức trị" với "pháp trị" - kiến thiết nên một xã hội "văn trị", "lễ trị" rực rỡ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông từng nhiều lần nói "Nay là lúc sửa sang việc văn, tạm ngưng việc võ". Việc văn được hiểu là toàn bộ những công việc trị nước như kinh tế, chính trị, pháp luật, giáo dục, đạo đức, văn học- nghệ thuật, v.v... "Sửa sang việc văn" được hiểu là đổi mới toàn bộ đất nước trên nhiều lĩnh vực. Đây là một tư tưởng lớn của Lê Thánh Tông: lớn cả về nội dung, tầm bao quát và tầm nhìn chiến lược.
Hệ thống đạo đức trong quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông là hệ thống đạo đức Nho giáo. Điều này được khẳng định dựa trên hai lý do sau: 1) Nho giáo dần trở thành hệ tư tưởng độc tôn trong xã hội phong kiến thời Lê; hơn nữa, nó phát triển đến đỉnh cao nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, chịu sự quy định của tồn tại xã hội phong kiến và hệ tư tưởng Nho giáo triều Lê, cho nên không thể không mang dấu ấn đậm nét nhất của đạo đức Nho giáo. 2) Các phạm trù đạo đức Nho giáo được sử dụng tối đa để chuyển tải nội dung đạo đức trong quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông. Dù sao, khuôn mẫu đó đã có thời gian tồn tại lâu dài trong lịch sử, thâm nhập khá sâu vào tâm thức nhân dân; còn việc sáng tạo những phạm trù hoàn toàn mới lại cần một thời gian nhất định, không thể đáp ứng ngay yêu cầu "sửa sang phong hoá" trong điều kiện lịch sử đó.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là hệ thống đạo đức Lê Thánh Tông không chứa đựng những yếu tố làm nên bản sắc "Đạo người" Lê Thánh Tông. Trái lại, hệ thống đạo đức của ông không phải là sự rập khuôn hệ thống đạo đức Nho giáo trước đó như Nho Tiên Tần, Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho; mà đã xuất hiện những tính chất hợp lý và thiết thực hơn. Có được sắc thái ấy phần lớn là vì đạo đức được ông quan niệm gần gũi với đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân trong cộng đồng của họ. Các phẩm chất người chính từ những hoạt động đa dạng của con người mà nảy sinh ra. Nhưng để cắt nghĩa tại sao thì ông không giải quyết được! Ông không thể quan niệm xa hơn, đạo đức chính là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội. Dừng lại ở đấy, quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông đã tiến bộ hơn rất nhiều so với cách nhìn trước kia. Mỗi người dân giờ đây có thể cảm nhận cụ thể hơn về các đức tính của con người, ví như đức Nhân, lòng nhân được biểu hiện ở mỗi cá nhân với vị thế xã hội khác nhau; thậm chí có thể hiểu đức nhân từ những khía cạnh rất nhỏ như những sự việc, những quyết định, những hoạt động của con người đang diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn, vua nhân từ là phải chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc - chăm dân trước hết là lo cái ăn cái mặc cho dân; quan lại giúp vua chăm dân, dạy dân việc nông tang, giữ gìn phong hoá...; tất cả những việc ấy đều hàm chứa đức Nhân. Từ đấy, những chỉ dụ, sắc dụ ban ra, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự thấu tình đạt lý, biểu hiện lòng nhân từ của nhà vua. Lê Thánh Tông luôn cố gắng làm cho chúng hiện hữu trong đời sống xã hội thông qua các hành động cụ thể. Có thể nói, bằng việc hiện hữu hoá các chuẩn mực đạo đức, ông đã truyền "sức sống" cho các hình thức đạo đức cũ, đưa chúng trở lại môi trường hoạt động của chúng là cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng giúp cho Lê Thánh Tông vận dụng thành công hệ thống đạo đức Nho giáo tạo nên "Đạo người" của mình là việc kế thừa những tư tưởng đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tinh hoa của các dòng tư tưởng khác. Do vậy, quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông ngoài ý nghĩa cốt lõi là "đạo làm người" còn được mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội. Xây dựng mẫu người quân tử làm cốt song sẽ là một khuôn mẫu xa rời hiện thực nếu nó không bao hàm đời sống nội tâm của con người, không có được tình người vốn rất phong phú và đẹp đẽ đã được nuôi dưỡng từ lâu trong truyền thống dân tộc. Hay nói cách khác, đó sẽ chỉ là một "hình nhân" không có sức sống nếu không có liên hệ gì với đời sống hiện thực, là sản phẩm của tư duy thuần tuý của giai cấp thống trị nhằm áp đặt vào xã hội như một thứ gông cùm, xiềng xích tinh thần. Một mặt đề cao kẻ sĩ nhập thế giúp đời; mặt khác, Lê Thánh Tông cũng tôn trọng cuộc sống phóng khoáng của những đạo sĩ, cuộc sống điền viên của tầng lớp bình dân (Ngư, Tiều, Canh, Mục - thơ Nôm). Những phẩm chất thanh cao, trong sáng, không ham danh lợi, không bị mê hoặc bởi giàu sang phú quý trong tư tưởng Đạo giáo, những phẩm chất yêu thiện ghét ác, từ bi hỉ xả cứu vớt chúng sinh trong tư tưởng Phật giáo cùng với tình người trong tư tưởng dân gian là những bộ phận hợp thành "Đạo người" của Lê Thánh Tông. Nó hoà quyện, pha loãng tính chất cực đoan Nho giáo, cân bằng các mặt trong chỉnh thể "Đạo người" tạo nên sự hài hoà sâu sắc. Do đó, quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông có giá trị hiện thực, có tính vượt trước và hoàn toàn gia nhập dòng chảy tư tưởng của dân tộc, góp phần vun đắp bản sắc văn hoá dân tộc.
Như vậy, giá trị của quan niệm về "Đạo người" của Lê Thánh Tông là ở chỗ hoàn thiện hệ thống đạo đức Nho giáo trên cơ sở kế thừa những tư tưởng truyền thống và tinh hoa của các dòng tư tưởng khác có mặt ở Việt Nam. Hoàn thiện với ý nghĩa là làm cho có sức sống còn lớn hơn nhiều hoàn thiện với ý nghĩa là sự đầy đủ về mặt hệ thống và hoàn bị về mặt nội dung. Quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông có sức sống mãnh liệt, cùng với đó là sự thúc đẩy Nho giáo ở Việt Nam đi đến chỗ hoàn bị.
Mặt hạn chế trong quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông xuất phát từ thế giới quan duy tâm, hệ tư tưởng của giai cấp thống trị và ý thức bản ngã quân chủ nặng nề của ông. Ba yếu tố này thực chất chỉ là một! Nó là các khía cạnh khác nhau phát sinh từ một thế giới quan duy tâm không thuần nhất. Giống như nhiều nhà tư tưởng phương Đông cổ trung đại, Lê Thánh Tông thừa nhận có trời trong khi vẫn băn khoăn ở sức mạnh chủ quan của con người. Thực ra, tư tưởng Lê Thánh Tông thiên về nhân sinh quan xã hội, trực tiếp đề ra các lý lẽ vận dụng trong đời sống của con người nhằm xây dựng các mối quan hệ xã hội, trật tự xã hội tốt đẹp hơn.
Điều mà ai cũng nhận thấy là Lê Thánh Tông rất tin ở mệnh trời. "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà" là ba tác nhân vốn được nhân dân ta đúc kết từ lâu qua hoạt động thực tiễn từ đời này sang đời khác; trong đó "thiên thời" luôn được đặt lên hàng đầu, có ý nghĩa chi phối hoạt động của con người. Không thể tránh được, Lê Thánh Tông cũng phải lập đàn tế lễ, cầu đảo mỗi khi xảy ra những hiện tượng của tự nhiên gây nên tác hại lớn cho đời sống nhân dân mà trí tuệ con người bị hạn chế lịch sử không cho phép lý giải như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh phá hại mùa màng, v.v... Đứng trên quan điểm lịch sử, điều cần phải rút ra ở đây là tấm lòng lo cho dân cho nước của ông. Trước vận mệnh của dân tộc, trước những nỗi thống khổ, điêu linh của người dân, một người ở ngôi cao cửu trùng phải tìm mọi cách để xoay xở, sao cho đất nước trở lại mưa thuận gió hoà, nhân dân bình yên no ấm là lẽ đương nhiên được quý trọng. Ghi nhận tấm lòng ấy mới thấy hết được nét tiến bộ, nhân văn trong tư tưởng Lê Thánh Tông ngay cả ở những mặt hạn chế nhất. Đối với sự hưng vong của các triều đại, ông cũng cho là do sự xếp đặt của trời. Con người nhỏ bé và hữu hạn trước sự vô cùng của thế giới xung quanh luôn luôn phải tuân theo ý trời, và chỉ có thể bằng cách đó mới giữ được sự tồn tại, phát triển lâu bền. Tuy nhiên, ông lại là người có khuynh hướng tư tưởng nghiêng về sự tiến hoá tự nhiên, theo quy luật tự nhiên. Ông không hề nghi ngờ rằng các triều đại sau tất nhiên có khả năng phát triển hơn các triều đại trước, có thể biểu hiện trước hết ở mặt này hay mặt khác. Nhìn vào tổng thể cả một giai đoạn lịch sử dài, rõ ràng quan điểm tiến hoá của ông không phải là không có căn cứ. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh một cách sâu sắc niềm tin của ông, mặc dù niềm tin đó còn chịu khoác lớp áo duy tâm là sự điều khiển từ bàn tay vô hình của trời.
Như vậy, sự mâu thuẫn trong thế giới quan duy tâm của Lê Thánh Tông biểu hiện ở chỗ: một mặt, ông quan niệm mọi sự thịnh suy đều phó mặc cho trời, dẫn đến tư tưởng "an phận thủ thường", phủ nhận sự tiến hoá; mặt khác, ông luôn thực thi những biện pháp canh tân, đổi mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội (từ nông nghiệp đến quân sự, từ giáo dục - thi cử đến văn - thơ...) với một niềm tin mãnh liệt về sự tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Thêm nữa, trong khi ông tin vào những hoạt động mê tín như cầu đảo, tế lễ thì đồng thời lại phê phán và tỏ ý hoài nghi quan niệm tâm truyền của các tín ngưỡng, tôn giáo như thần giao cách cảm của giới đạo sĩ, giác ngộ của nhà Phật. Tâm truyền là sự truyền đạt tri thức, sự hiểu biết hoặc các thông tin nói chung từ người này sang người khác mà không cần thông qua con đường ngôn ngữ. Ông phê phán một giai thoại nhà Phật chép chuyện Phật tổ nâng hoa sen và chỉ có Ca Diếp đứng bên là hiểu ý, mỉm cười. Thậm chí, ông còn ban các chỉ dụ hạn chế các tôn giáo: "Chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới" [27]. Những biểu hiện của Lê Thánh Tông chống lại ảo tưởng tôn giáo như báo ứng, hoạ phúc, thiên đường, địa ngục... chưa thể nói là quan niệm tiến bộ; cùng lắm thì đó chỉ là những tác nhân giúp cho trong tư tưởng của ông có sự biến hoá linh hoạt, ít nhiều thoát ra khỏi quan niệm số mệnh, mệnh trời siêu hình chết cứng vốn có sẵn trong học thuyết Nho giáo. Hưng/ vong, thịnh/ suy, được/ mất, trị/ loạn, may/ rủi, khoẻ/ yếu, sang/ hèn, v.v... được Lê Thánh Tông quan niệm là những trạng thái biến đổi của vạn vật và con người. Không có gì là đứng nguyên như thế mãi, không có gì là "xưa sao nay vậy". Tất nhiên, đây chỉ là sự xét đoán dựa trên quan sát thực tiễn, lấy kinh nghiệm và sự việc xảy ra để giải thích các sự việc khác.
Chủ nghĩa chủ quan trong tư tưởng Lê Thánh Tông biểu hiện ở ý thức bản ngã quân chủ nơi ông. Luôn đánh giá cao bản thân và triều đại mình trị vì, ông viết: "Ba chén rượu tự xem mình ngang bậc thánh" và "Đừng nói sinh ra không gặp thời Nghiêu Thuấn". Tự coi mình là trung tâm trong mối quan hệ với mọi người, ông ví mình với mặt trời còn người khác là "trăm loài hoa cỏ hướng về mặt trời tranh nhau phô vẻ tươi tốt". Tư tưởng chủ quan trên có căn cứ ở sự ổn định tạm thời của chế độ xã hội phong kiến hoàn bị. Mầm mống bất ổn định của nó vẫn tồn tại trong bản thân nền kinh tế tự nhiên dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất của một bộ phận người là vua và tầng lớp quý tộc, quan lại. Chính Lê Thánh Tông nhiều lúc phải thừa nhận "quay đầu lại thấy việc người thật là lắm mối"; song vì háo hức trước vẻ huy hoàng mới có được, ông đã lảng tránh. Do đó, sự tự nhận định về xã hội đương thời cũng như vai trò của ông không thật sự khách quan.
Mặc dù vẫn lưu ý quan điểm "lấy dân làm gốc", nhưng nhiều khi ông không thể nhìn thấy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và cải tạo đất nước; dẫn đến những lý lẽ "Nước vô công chừ nước vô tư/ Nước là dân chừ thuyền là vua/ Nước dìm đò chừ nước chở đò" (Lam Sơn Lương Thủy phú) dường chỉ là mớ lý thuyết suông với tính chất kinh viện cố hữu của nó. Điều đó thể hiện ở những hạn chế của ông trong công việc lãnh đạo đất nước: ông có ý thức xây dựng một bộ máy nhà nước siêu mạnh song lại trở thành một bộ máy quan liêu cồng kềnh và can thiệp quá sâu vào đời sống nhân dân - triệt tiêu vai trò chủ thể năng động sáng tạo của quần chúng. Xét cho cùng, đây cũng chỉ là một kiểu củng cố quyền lực tối cao vào tay cá nhân đại diện cho giai cấp thống trị phong kiến là nhà vua khiến cho quan hệ "phục tùng mệnh lệnh" vẫn là rường cột trong nhà nước Đại Việt thế kỷ XV.
Về cuối đời, trước khi băng hà, Lê Thánh Tông thú nhận: "Trẫm có hai sai lầm, một là chính lệnh ban ra vi phạm đạo lý, hai là ngồi giữ ngôi không, nhiễu loạn việc trời" [28]. Tự hào về thành tích cá nhân là điều chính đáng, nhất là trong giai đoạn cường thịnh về mọi mặt; nhưng nếu quá say sưa trong ánh hào quang bao phủ, làm mờ đi những "vệt đen", "mảng tối" còn lẩn khuất khắp nơi thì lại là điều đáng chê trách. Khi đó tự hào biến thành tự mãn, đánh dấu sự thoái hoá về tư tưởng và chùn bước về hành động. Rất may, Lê Thánh Tông cũng còn có được một đôi lúc tự nhìn lại mình, có độ lùi cần thiết để phán xét mình - đó là điều đáng quý!
Bên cạnh đó, sự tuyệt đối hoá đạo đức Nho giáo quyết định sự hình thành "Đạo người" của Lê Thánh Tông. Ông chủ trương đề cao những người quân tử, kẻ sĩ xuất thân từ Nho gia: "Đừng cho văn chương là mọt đục khoét/ áo mũ của quan lại triều đình vốn từ nhà nho mà ra". Ông không thấy được một cách khách quan rằng tác dụng của đạo đức đó làm cho xã hội ổn định là do sự phù hợp của nó với hiện thực đương thời, cho nên dẫn đến khẳng định tính vĩnh cửu của tư tưởng Nho giáo. Về sau, tầng lớp nho sĩ dù thông thuộc kinh sử nhưng lại thoát ly thực tế đất nước, hoàn toàn ít có khả năng đổi mới ngăn chặn sự suy thoái của xã hội đang dần hiện hữu.
Nhìn chung, tư tưởng Lê Thánh Tông là một hiện tượng phức tạp; có những ưu điểm lớn, đồng thời lại có những hạn chế. Tính hai mặt đó không những kiềm chế lẫn nhau làm cho tư tưởng của ông mang tính không thuần nhất và hạn chế khả năng đạt tới những đỉnh cao trong lĩnh vực tư tưởng của Lê Thánh Tông. Giai đoạn đầu, ông có nhiều điểm tích cực; giai đoạn sau, ông lại bộc lộ nhiều tiêu cực. Chẳng hạn, nếu "nhân" trước có nội dung là yêu thương, chăm lo đời sống của người dân, trừ tàn khử bạo, giữ yên đất nước thì sau lại chỉ giới hạn ở sự cùng vui với mọi người.
Có thể nói, quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông có ảnh hưởng khá sâu sắc trong lịch sử. Quan niệm "nhân" và tình người trong "Đạo người" của ông đã tiếp tục kết nối dòng chảy "tình người" của dân tộc Việt Nam trở thành một mạch thông suốt. Cái tâm đạo đức của Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà lý học xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XVI - phần nào kế thừa "Đạo người" của Lê Thánh Tông. Bởi vì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như Lê Thánh Tông đều đề cao đạo làm người cố ở cái tâm chí thành. Chỉ khác là ở Trạng Trình, hình thức kiến giải dựa trên cơ sở Lý học một cách mạch lạc; còn Lê Thánh Tông dựa trên kinh nghiệm quan sát thực tế.
Tình người là nhân tố tiếp tục được nhân rộng và làm cho sâu sắc thêm trong tư tưởng cũng như văn thơ thế kỷ XVI-XIX. Qua nội dung tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... thân phận con người được soi rọi từ nhiều phía đã nổi bật lên như lời thức tỉnh, lay thức tâm can của mọi người. Con người với những số phận éo le, trắc trở, oan khuất khác nhau đã được đề cập nhiều hơn và tập trung hơn: từ người cung nữ cho đến người chinh phụ, từ những người dân trong thời buổi loạn lạc nội chiến đến những người dân trong cảnh nước mất nhà tan... Đâu đâu cũng thấy hiện lên nỗi thống khổ của người dân với những lời chan chứa sự cảm thông, đau xót. Dĩ nhiên "tình người" là nội dung đã tồn tại từ lâu trong tâm thức người Việt, không thể nói "tình người" trong "Đạo người" của Lê Thánh Tông là cơ sở cho tư tưởng đề cao con người và số phận con người trong các thế kỷ sau, nhưng nét tương đồng về tư tưởng ấy rõ ràng thể hiện sự liên tục của dòng chảy tư tưởng Việt Nam, một khi nó là giá trị tinh thần tích cực của dân tộc. Một ví dụ khác, Lê Thánh Tông là người sùng Nho đầu tiên (có thể khẳng định như vậy) trình bày một cách tập trung quan niệm "ưu ái" người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mặc dầu ông chưa thoát khỏi sự ràng buộc của tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" từ lễ giáo phong kiến nhưng có thể cảm thông được với nỗi khổ của người phụ nữ, ca ngợi không chút ngần ngại những nữ anh hùng trong lịch sử (kể cả Mỵ Ê - vợ chúa Chiêm Thành làm phản đối với mình), ban thưởng cho những người phụ nữ trinh liệt đương thời và giảm nhẹ hình phạt cho những nữ phạm nhân thì quả là những biểu hiện tiến bộ. Phải chăng đó là sự mở đường cho những tiếng nói bênh vực người phụ nữ xuất hiện ào ạt trong một vài thế kỷ sau?
Lê Thánh Tông cố gắng trình bày một cách có hệ thống các phẩm chất làm người lấy phẩm chất của kẻ sĩ làm chuẩn mực. Trong chừng mực nhất định, ông chỉ tập trung vào phẩm chất của người làm quan, làm vua. Nhìn chung, Lê Thánh Tông quan niệm đạo làm người cấu thành bởi ba yếu tố: 1) Phẩm chất đạo đức tốt, nghĩa là phải nhân ái, trung thực, cần cù, ham học hỏi - phải có tình người; 2) Năng lực hoạt động sáng tạo, độc lập, quyết đoán, dám làm dám chịu; 3) Năng lực đó phải dựa trên nền tảng tri thức đủ rộng, đủ sâu để có thể làm tròn công việc, mang lại hiệu quả tối ưu.
Như thế, phẩm chất con người trong "Đạo người" của Lê Thánh Tông đã hàm chứa cả đức lẫn tài hội tụ trong mỗi một cá nhân: đức để giáo hoá dân chúng, tài để lãnh đạo đất nước. Nếu quan lại, vua chúa ngày xưa đạt đến mức độ "thanh quan", "minh quân" như thế thì xã hội phong kiến hoàn toàn có thể phát triển tới giai đoạn thịnh trị của nó và thực sự gần gũi với quần chúng nhân dân. Tấm gương "chăm không mỏi" của Lê Thánh Tông là điều đáng để các thế hệ sau học tập, kể cả đức chuyên cần, chí tiến thủ, lòng ham học, sự lo nghĩ cho đất nước lẫn tính quyết đoán khi hành sự của ông. Sự coi trọng giáo dục - thi cử thời Lê Thánh Tông với phương châm hiền tài là nguyên khí quốc gia cũng là một trong những nét tiến bộ cần phát huy. Bởi vì đạo làm người luôn luôn gắn liền với giáo dục con người - một trong những chức năng cơ bản của đạo người là chức năng giáo dục. Có thể nói, tư tưởng giáo dục của Lê Thánh Tông cũng là một bộ phận trong "Đạo người" của ông.
Lê Thánh Tông coi trọng kẻ sĩ nhưng phải là kẻ sĩ biết lo cho dân cho nước, có khả năng hành đạo. Kẻ sĩ chỉ biết lý luận suông mà thiếu đi những hiểu biết thực tiễn, ít gần dân, không chịu khó tìm hiểu đời sống xã hội thì đều là những người khuyết mất một mặt quan trọng trong phẩm chất làm người. Lê Thánh Tông đặc biệt khuyến khích đạo học, có nghĩa là khuyến khích người ta trở thành người có học, gia nhập tầng lớp sĩ. Điều đó được chứng minh bằng những con số ngày một tăng của sĩ tử qua các kỳ thi dưới triều Lê Thánh Tông. Ngày nay, để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tiến vào nền kinh tế tri thức một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, không có cách nào hơn là khuyến khích học tập dưới mọi hình thức, xã hội hoá giáo dục ở trình độ cao - nói nôm na là coi trọng tri thức, trí thức hoá quần chúng nhân dân trong chừng mực có thể, nhất là ở những ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, sự phổ cập giáo dục, xã hội hoá giáo dục, khuyến khích học tập cũng gây ra những tiêu cực nhất định mà chủ yếu tập trung ở sự học "giả" - học "thật". Tức là vấn đề chất lượng giáo dục! Lê Thánh Tông trong "Đạo người" của mình cũng kịch liệt phê phán thói học phù phiếm, cốt chỉ cầu công danh phú quý, học hình thức mà không chú trọng đến chất lượng và khả năng giúp đời bằng sở học của mình. Cái học đó dĩ nhiên không thể đạt đến "trí". "Trí " bao hàm "tri", mà "tri" chỉ có được bằng "thực học"mà thôi.
Mặc dù đề cao đạo học, coi trọng "trí", yêu kẻ sĩ mến người tài, Lê Thánh Tông vẫn không quên xem xét mặt đức hạnh như là yếu tố then chốt của người có học chân chính. Trong một đạo chỉ dụ ban tháng 4/1462, niên hiệu Quang Thuận thứ 3, ông viết: "Cho quan sở tại và xã trưởng xã mình làm giấy bảo đảm rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được vào danh sách dự thi. Kẻ nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa... thì dẫu học giỏi, văn thơ hay, cũng không cho vào thi" [29]. Song, vì ưu ái với người tài, ông quy định phạm nhân "nếu ai xét ra [...] tài năng đáng tiếc thì đặc cách cho khỏi phải thích mặt" [30]. Đó là những nét biến hoá mềm dẻo trong tư tưởng của ông. Đối với những người mất tư cách đạo đức, giáo dục không tách rời với sự trừng phạt nghiêm khắc. Lê Thánh Tông không vì mục tiêu "đức trị" mà quên mất sự đòi hỏi phải có "pháp trị". Vì thế, Quốc triều hình luật được ông chỉ đạo biên soạn rất công phu, bao gồm nhiều tội danh được trình bày cặn kẽ và chi tiết, có khả năng điều chỉnh bao quát một phạm vi tương đối rộng và đầy đủ các hành vi trong xã hội. Với quan niệm pháp luật đặt ra là nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, sự phong phú về điều luật và phạm vi điều chỉnh vươn tới hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của Quốc triều hình luật (hay còn gọi là luật Hồng Đức) đã thể hiện nhận thức sâu sắc về con người và mối quan hệ của họ trong thực tiễn.
Lê Thánh Tông, mặt dù cũng có lúc tự mãn, song ông không phải không có lúc nhìn nhận lại mình, thậm chí còn mong có người chỉ ra cái sai của mình để kịp thời sửa chữa. Rõ ràng trong một con người bao giờ cũng tồn tại những ưu điểm và nhược điểm không thể tránh khỏi mà đứng ở vị trí chủ quan khó có thể nhìn ra. Vì vậy cần phải có "con mắt khách quan" của "người ngoài cuộc" đánh giá. Tiếc là với vị thế một bậc quân vương ở ngôi hoàng cực, tính chất phục tùng tuyệt đối không cho phép Lê Thánh Tông và những người xung quanh ông thực hiện thường xuyên và hiệu quả việc "nghị gián", dẫn đến những hạn chế của ông lúc cuối đời. Hồ Chí Minh từng nói: "Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm" [31]. Cho nên, phải chăng "Đạo người" cũng bao hàm cả ý thức nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa sai lầm để ngày càng hoàn thiện bản thân?
Quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông là sự kế thừa có chọn lọc các quan niệm "Đạo người" trong lịch sử như Nho, Phật, Lão và tư tưởng dân gian Việt Nam. Hơn nữa, trong "Đạo người" của ông đã có sự chuyển hoá các tư tưởng ngoại lai thành tư tưởng nội nhập. "Biến cái tinh hoa của người thành cái nhuần nhị của mình" là nguyên tắc hành động đã giúp cho dân tộc Việt Nam không bị đồng hoá suốt thời kỳ Bắc thuộc. Cho nên tư tưởng Lê Thánh Tông đã có sức sống vững vàng trước sự tấn công của các luồng tư tưởng bên ngoài, khiến cho văn hoá người Việt tiếp tục giữ được tính độc lập. Sức sống của dân tộc biểu hiện ra ở sức sống của nền văn hoá, điều này không thể ai bác bỏ!
Mối quan hệ qua lại giữa các luồng tư tưởng tác động đến "Đạo người" của Lê Thánh Tông không những không thể triệt tiêu mà còn thúc đẩy sự phát triển của tư tưởng Lê Thánh Tông lên một tầm cao nhất định. Chẳng hạn, người quân tử trong quan niệm của ông vừa đảm bảo những phẩm chất cần thiết của người có học, vừa đảm bảo có tình người sâu sắc và đời sống nội tâm phong phú. Mẫu người ấy không quá xa vời mà ai ai cũng có thể tu dưỡng để đạt đến được. Mẫu người ấy không chỉ là kiểu mẫu về hình thức mà còn cụ thể và xác thực về nội dung, có khả năng hoạt động thực tế, giáo hoá dân chúng, trị nước an dân. Đó là mẫu người nằm trong các mối quan hệ xã hội cụ thể; nằm trong vòng danh lợi mà không vì danh lợi đánh mất bản thân, vẫn giữ được sự thanh cao, trong sạch, gần gũi với quần chúng.
Phân tích như trên để thấy rằng bản sắc văn hoá trong "Đạo người" của Lê Thánh Tông nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung được hình thành trong quá trình người Việt sinh sống, hoạt động thực tiễn trên một phạm vi lãnh thổ nhất định và giao lưu văn hoá với các cộng đồng người khác trong suốt chiều dài lịch sử. Có nghĩa là, bản sắc văn hoá được hun đúc nên bởi tổng thể các yếu tố khách quan và chủ quan. Một khi bản sắc văn hoá đã được xác định thì nó trường tồn cùng với sự trường tồn của dân tộc bằng cách thế hệ sau tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những hạt nhân hợp lý từ thế hệ trước. ý nghĩa nhân văn của "Đạo người" là quan niệm hướng về con người chân - thiện - mỹ, xây dựng các phẩm chất người vì mục tiêu đề cao con người, ít nhiều đặt ra vấn đề giải phóng con người; chẳng hạn giải phóng con người khỏi sự nghèo đói, thấp hèn, không hiểu biết, giải phóng con người khỏi những oan khuất... Vì thế, quan niệm "Đạo người" của Lê Thánh Tông phù hợp với ý thức dân tộc, có giá trị lâu bền.
Nói chung, quan niệm "Đạo người" trong thơ Lê Thánh Tông đã để lại những giá trị quý báu. Một mặt, "Đạo người" của Lê Thánh Tông khắc sâu quan niệm về đạo đức xã hội; mặt khác, nó mở ra cánh cửa văn hoá giàu bản sắc cho tương lai. Chỉ riêng hai phương diện ấy thôi cũng đủ để khẳng định tính vô giá của quan niệm về "Đạo người" của Lê Thánh Tông mà hơn 500 năm qua lịch sử đã minh chứng. Nếu chối bỏ điều đó là đi ngược lại quy luật. Bởi vì: "Một dân tộc có nền văn hoá lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn, coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua. Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hoá, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống, bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua" [32].
---
Chú thích:
[27] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.393.
[28] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.519.
[29] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.396.
[30] Xem Vũ Huy Phúc (khảo cứu), sđd, tr.40.
[31] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.283.
[32] Nguyễn Khánh Toàn, Lời giới thiệu. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.7.
Phần 1, 2, 3