Từ trưa 24/1 (30 Tết), Hà Nội bắt đầu mưa giông, trời có lúc tối sầm kèm sấm chớp. Anh Hùng vừa làm cơm tất niên, vừa ngóng trời. Thấy có lúc mưa tạnh, trời hửng sáng, anh nhủ thầm sẽ đưa vợ con lên Hồ Gươm, cách nhà hơn 10 km để ngắm pháo hoa, bởi nơi đó bắn tầm cao, khung cảnh đẹp.
Nhưng mưa chỉ tạnh hoặc ngớt được chừng nửa tiếng thì lại tuôn xối xả, càng về khuya càng mạnh hơn. Sau hồi đắn đo, lên mạng xem dự báo thời tiết, anh Hùng quyết định xem bắn pháo hoa qua tivi. "Chưa bao giờ tôi chứng kiến mưa lớn kèm sấm chớp như thế vào đêm giao thừa", anh Hùng nói.
Mùng 1 như mọi năm vợ chồng anh Hùng sẽ đèo nhau đi chúc Tết quê ngoại ở huyện Ứng Hòa, cách nhà anh khoảng 30 km. Tuy nhiên, những trận mưa giông buộc anh hủy kế hoạch, chỉ đi chúc Tết cư dân cùng tòa nhà.
"Tết mưa thật buồn. Tội nhất ba đứa trẻ, được bố mẹ sắm quần áo mới để đi chơi, nhưng vì mưa giông đành bó gối ngồi nhà", anh Hùng nói.
Không được đi chơi Tết, anh Duy Phương ở khu tập thể nhà máy điện Yên Phụ (cửa khẩu An Dương, quận Ba Đình) còn vất vả thu dọn đồ đạc tránh ngập. Tối 30 Tết, cả gia đình đang xem chương trình Gặp nhau cuối năm thì nước tràn vào nhà, mọi người cuống cuồng kê đồ lên chỗ cao.
"Mưa to, chỉ sau vài phút nước ngập hơn 20 cm. Khu nhà tôi thấp hơn mặt đường nên thi thoảng cũng bị ngập vào mùa mưa. Nhưng ngập đúng đêm 30 Tết thì bất ngờ quá", anh Phương nói và cho biết sau khoảng 20 phút nước rút. Cả nhà anh sau đó lau chùi dọn dẹp để kịp đón phút giao thừa.
Ngày mùng 1, trời tiếp tục mưa to, gia đình anh Phương phải hủy kế hoạch du xuân xa vì lo "không xoay xở kịp khi nước tràn vào nhà".
Ngoài khu vực cửa khẩu An Dương, một số vùng trũng ở đường Xuân Thủy, Trần Bình, Đội Cấn và khu phố cổ cũng bị ngập, nước tràn vào nhà đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết. Do mưa giông ngắt quãng, nước rút chỉ sau 30 phút.
Buồn vì mưa giông, anh Lê Văn Huy ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, kể liên tục ra ngoài nhìn trời, hai con trai thì luôn miệng hỏi "bao giờ về quê". Sau hàng chục năm không ăn Tết ở quê vì con nhỏ, ngại xe cộ đông đúc, năm nay anh tính đưa cả gia đình về Ninh Bình vào mùng 1 Tết, mùng 3 lên.
Hai con trai anh rất hào hứng, khoe với cô giáo và bạn bè được ăn Tết quê. "Cuối cùng mưa giông đã phá hủy hết cả. Tôi gọi điện về, anh trai còn bảo mưa to lắm, vẫn chưa sang được nhà thờ tổ thắp hương. Mình bất chấp mưa về quê cũng chả thăm thú được ai, thôi ở nhà cho lành", anh Huy nói.
Với chị Lê Thị Hiền, nhà ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, mưa to là lúc chị tranh thủ nghỉ ngơi sau mấy ngày tất tả chuẩn bị Tết. "Tôi vốn lười đi chơi nên mưa có cớ ở nhà", chị Hiền nói.
Tuy nhiên, ngồi nhà chị Hiền cũng thấp thỏm không yên khi trời mưa to, gió mạnh, trong khi chồng và con gái phải đi xe máy đến nhà ông bà nội chúc Tết. "Bố con nó đợi mãi vẫn không gọi được taxi hay xe công nghệ. Ngày Tết xe đã ít, trời mưa giông lại càng ít hơn nữa vì chắc người ta ngại đường ngập", chị đoán.
Mưa to, nhiệt độ thấp khiến các khu vui chơi như công viên Thủ Lệ, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Thống Nhất... vắng hoe, trái ngược hẳn với không khí tấp nập chiều mùng 1 Tết như mọi năm. Nơi duy nhất vẫn đông người là các đình, chùa.
Tại các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì trong cơn giông đã xuất hiện mưa đá. Do chỉ kéo dài vài phút, viên đá nhỏ và mật độ thưa nên không gây thiệt hại.
Đánh giá về đợt mưa giông ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nói tháng 1 vẫn là chính đông, thời tiết chủ đạo là rét, mưa nhỏ, mưa phùn, chứ hiếm khi xuất hiện mưa giông, mưa đá lại càng hiếm.
Nguyên nhân là không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao tạo ra rãnh mây giông với nhiều ổ mây đối lưu. Dự báo, đêm nay 25/1 Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn có mưa rào và giông. Từ ngày 26/1, rãnh mây giông suy yếu, miền Bắc trời nhiều mây, nhưng chỉ còn mưa nhỏ vài nơi, sương mù.
Nhiệt độ miền Bắc giảm mạnh do nằm sâu trong khối không khí lạnh. Trang Accuweather của Mỹ dự báo, ngày mai Hà Nội tạnh mưa, cao nhất 18, thấp nhất 12, trong ngưỡng rét đậm. Rét đậm còn kéo dài 3-4 ngày nữa.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, trong ngày 24/1 đến 17h ngày 25/1 (ngày 30 và mùng 1 Tết Canh Tý), nhiều điểm mưa to trên 100 mm như: Láng (Hà Nội) 117 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110 mm; Tiên Hưng (Thái Bình) 126 mm.
Một số tỉnh có mưa đá kèm giông lốc gây thiệt hại nặng về nhà cửa. Thống kê đến cuối ngày 25/1, gần 12.000 nhà bị hư hại, tốc mái. Trong đó Cao Bằng có số lượng nhà bị hư hại cao nhất với gần 6.500.
Võ Hải