Tại sao Sài Gòn lại ngập?
Nguyên nhân trước tiên mà ai cũng thấy là thiếu quy hoạch. Tuy gọi là Sài Gòn, nhưng thực tế chỉ có vài quận như 1, 3, Phú Nhuận được đầu tư xây dựng bài bản. Còn các quận khác hầu hết là do dân tự xây, không có quy hoạch như Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 8, Nhà Bè.
Tất nhiên nếu không có hoặc thiếu quy hoạch thì cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nơi có cống thoát nước, nơi không. Có nơi đường thoát nước nằm trên cả đường cấp nước. Nước cống chảy chỗ này, nghẹt chỗ kia, rồi điện đóm các kiểu, rất manh mún và nát.
Nguyên nhân tiếp theo là dân số tăng quá nhanh. Ai ở Sài Gòn sẽ biết trước năm 2000, đường phố thoáng thế nào? Tôi vẫn nhớ những lần đạp xe ra Cộng Hoà chơi, đường khi ấy chỉ có một bên chứ không được 6 làn như bây giờ.
Hay đường Trường Chinh vẫn còn là một phần của Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ mũi tàu tới An Sương không khác gì đường tỉnh, cát bụi mịt mù. Đường ra quận 7, Phú Mỹ Hưng thì như trong phim truyền hình về tội phạm. Cả Sài Gòn lúc ấy chỉ tầm 5 triệu dân.
Còn bây giờ theo thống kê chính thức, cả có hộ khẩu lẫn KT3 chỉ hơn 8 triệu, nhưng con số thực tế tôi chắc chắn cao hơn, vì có nhiều dân địa phương khác vào đây ở và làm việc. Một số có thể đăng ký tạm trú, một số thì không, một số thì sáng Sài Gòn, chiều ở Bình Dương hay Biên Hoà hoặc Long An.
Nhìn chung, nếu lấy số xe cá nhân đăng ký ở Sài Gòn vào khoảng 7 triệu, ra đường sẽ thấy tỷ lệ biển 5x chiếm 1/2, còn lại từ 1x, 2x, 3x, 4x, 6x, 7x, 8x, 9x. Ngoài Sài Gòn, hiếm địa phương nào có thể thấy toàn bộ biển số của 63 tỉnh thành. Tôi ước tính số dân di trú thực tế ở Sài Gòn phải tầm 15 triệu.
Dân số tăng đột biến, đòi hỏi số lượng nhà ở và phòng trọ phải nhiều lên. Những quận từng là vùng ven như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè... bây giờ dân đông không thua gì các quận trung tâm. Và Tân Sơn Nhất - sân bay vốn nằm ở ngoại ô Sài Gòn, nay đã bị các khu dân cư "nuốt chửng". Có thể thấy, lượng dân tăng cơ hữu quá nhanh khiến Sài Gòn gặp nhiều vấn đề.
Những ai từng học môi trường đều biết, phía đông nam của Sài Gòn, bao gồm quận 2, quận 7, Nhà Bè, Bình Thạnh... là những vùng đất trũng, thấp, bị ngập mặn, nhiễm phèn. Về nguyên tắc của dòng chảy trọng lực, đây là nơi mà nước mưa chảy về và xuôi ra biển theo hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Nguyên nhân nữa là quy hoạch thiếu tầm nhìn.Nếu như ở trên, chúng ta để dân tự do phát triển, thì ở đây là quy hoạch nhưng không dự báo trước được tương lai để lại hệ quả như thế nào?
Dưới cái nhìn của dân môi trường, phát triển Sài Gòn về hướng đông nam là hạ sách. Hết Bình Thạnh bị lấp đi để có đất cho dân ở, rồi tới nam Sài Gòn, sắp tới là khu vực Thủ Thiêm ở quận 2.
Tất nhiên một số người sẽ nói trước kia đã có những bản kiến nghị xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm thế này thế kia, nhưng chúng ta cần biết rằng đó chỉ là kiến nghị.
Cho tới năm 2000 thậm chí 2015, phía bên Thủ Thiêm vẫn chẳng có gì ngoài một số con đường. Đáng nói hơn, đây là vùng đất ngập nước với nhiều loài sinh vật sinh sống. Trong khi mảng xanh của Sài Gòn vốn đã ít, chúng ta lại lấp đi nhiều địa điểm có giá trị sinh thái.
Đó là chưa kể, chúng ta quy hoạch phát triển nhưng không nhìn về tương lai. Trong tình hình biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, cùng hiện tượng băng tan ở hai cực, thì việc quy hoạch về hướng biển được xem là "dở".
Chỉ những quốc gia diện tích đất thiếu họ mới phải lấn biển. Tại Sài Gòn, quỹ đất ở Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, phía Tây Bình Chánh còn rất nhiều. Chúng ta không việc gì phải chạy ra biển để rồi vài chục năm sau, lại kiếm đường chạy ngược lên núi. Thử hỏi bản quy hoạch giá trị 30 năm, 50 năm có phải là lâu dài?
Ai đó bảo rằng chúng ta chấp nhận đánh đổi sinh thái để tăng trưởng kinh tế. Tôi thừa nhận là có điều này, nhưng phải nhìn về mặt lâu dài - chi phí đầu tư và lợi ích thu lại.
Hẳn là chẳng có nhà đầu tư nào muốn số tiền mình bỏ ra lại thu về tay không. Thử hỏi, nếu chúng ta thường xuyên bị ngập nước sẽ được lợi hay hại nhiều hơn?
Đặt một bài toán kinh tế đơn giản, cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông sẽ ra sao nếu bị ngâm nước thường xuyên? Và đây là nước bẩn với đủ các loại ion kim loại lẫn phi kim, nó sẽ làm hỏng xe của chúng ta. Ngoài ra, mỗi ngày chúng ta mất 2 - 3 giờ bì bõm dưới nước, thì hiệu suất làm việc sao cao được?
Sài Gòn được biết đến là một thành phố mạnh về thương mại, dịch vụ và vận tải, nhưng cứ ngập thường xuyên thì kinh doanh gì? Nếu 11h trưa chúng ta gọi giao cơm, nhưng 11h30 mưa quá to, gây ngập úng tới 13h mới rút hết nước, thì việc giao cơm sẽ như thế nào? Rõ ràng về mặt kinh tế, việc quy hoạch bất chấp sinh thái là hoàn toàn sai lầm.
Nước còn là môi trường tốt cho các loại vi khuẩn và bệnh tật lan truyền. Nếu ngập thường xuyên, chi phí y tế cho vấn đề da liễu và truyền nhiễm sẽ tăng đáng kể. Trong một kịch bản xấu nhất mà tôi hình dung là sự xuất hiện của đại dịch tả hay cúm, chúng sẽ lây truyền cực nhanh nhờ ngập.
Nếu chúng ta làm được 10 đồng từ việc phát triển hàng loạt, nhưng mất 5 đồng để chữa bệnh, thì ý nghĩa tăng trưởng kinh tế nằm ở đâu? Rồi các tai nạn như không nhìn thấy hố ga khi đang lái xe, hoặc dây cao thế đứt rơi xuống nước gây rò điện... Rõ ràng ngập nước đang gây ra những rủi ro lớn.
Tất nhiên "cái ao" Tân Sơn Nhất của tôi không phải là giải pháp tốt nhất. Vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Song Sài Gòn quy hoạch đã rất manh mún, đó là một điều đáng buồn, đáng trách và đáng tiếc cho bất kỳ người nào đã trót yêu thành phố này - nơi đã cưu mang biết bao nhiêu triệu con người.