![]() |
Đạo diễn, NSƯT Xuân Huyền. |
- Lấy bối cảnh nước Nga Xô viết (cũ) sau Đại chiến thế giới thứ II, cốt kịch xoay quanh cuộc đấu tranh xây dựng nông trang xã hội chủ nghĩa với hình tượng trung tâm là anh lính cận vệ Kelin Ababi. Theo ông, liệu vở diễn có còn phù hợp với thời điểm hiện nay?
- Điều thiêng liêng nhất hoàn toàn phù hợp với cuộc sống đương đại. Giá trị nhân văn của vở kịch là tình yêu tổ quốc; tình bạn thuở ấu thơ của Kelin Ababi với Gruya và Maria; là cuộc đấu tranh chống bất công, lãng phí và thói làm việc quan liêu của những cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất. Truyện kịch đặt vấn đề: dù anh ở vị trí xã hội nào thì bản lĩnh chiến đấu đến cùng để bảo vệ chân lý, để gìn giữ đạo đức và bản sắc dân tộc cũng luôn luôn cần thiết trong mọi thời đại, mọi thể chế xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã... mà tác giả Druze đặt ra cách đây 80 năm cũng vẫn nóng hổi ở thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, lần tái dựng này, tôi đã cắt bớt một số lớp lang và lời thoại dài dòng của nguyên tác để xung đột kịch căn hơn, do đó mà vở diễn cũng "nén" được nhiều thông điệp hơn. Mặt khác, sau 18 năm, khán giả bây giờ đã có quá nhiều cái để nghe, để nhìn. "Dụ" được họ xem một mạch suốt hai giờ đồng hồ vở của mình cũng chẳng dễ dàng gì. Do vậy, tôi phải cố gói ghém vở diễn trong vòng một giờ và đẩy tiết tấu dồn dập hơn lần dựng trước.
Về đội ngũ diễn viên, trong dàn nghệ sĩ của 18 năm trước, lần này tôi chỉ "chấm" được Quốc Trị (thủ vai Kelin) bởi anh có vẻ ngoài chất phác, thật thà và khả năng diễn xuất tương đối. Số còn lại phải thay mới hoàn toàn.
- Thói quen xử lý lâu nay của các đạo diễn Việt đối với một kịch bản phương Tây là tìm mọi cách để "thổi hồn phương Đông" (bằng âm nhạc, vũ đạo...). Với trường hợp "Điều thiêng liêng" nhất thì sao?
- Bản tính tôi cũng không phải người dễ dãi, tuỳ tiện. Tôi từng trả lại nhiều kịch bản dở dù được hứa hẹn mức thù lao cao. Nhưng với Điều thiêng liêng nhất, tôi không phải nhọc công lắm để "thổi hồn Việt" cho công chúng dễ cảm. Bởi bản thân tác phẩm đã đậm chất Á Đông. Sự gặp gỡ giữa Đông và Tây thể hiện ở tinh thần hòa đồng thiên nhiên, cái mà triết học Lão - Trang suy tôn. Mặt khác, những vấn đề mà Điều thiêng liêng nhất đề cập cũng vượt lên trên tính dân tộc để mang tầm nhân loại sâu sắc.
- Kịch chỉ có hai hồi nhưng mỗi hồi là một câu chuyện trọn vẹn có thắt nút, cởi nút. Druze lại sử dụng bút pháp tả thực lãng mạn với hình tượng rặng liễu trở đi trở lại. Ngoài ra, trong kịch bản còn có sự tham gia của những con ngựa, bò, cừu... Vậy, ông đã xử lý những không gian ước lệ trên như thế nào?
- Sân khấu khác với điện ảnh. Cái hay của sân khấu là làm giả nhưng phải rất thật, dùng mái chèo mà gợi tới con thuyền, đi một vòng quanh sân khấu tức là đi được cả trăm dặm.... Nếu tả thực nhà cửa, xe cộ giống như một số vở diễn trước đây, khán giả nhìn đã biết là cái gì, không phải liên tưởng nữa thì đúng là giết chết sân khấu.
Ở vở này, tôi sẽ triệt để khai thác các thủ pháp ước lệ, gián cách. Chẳng hạn, tôi sẽ dựng một tấm phông lớn có hình một rặng liễu bằng kim tuyến trên sân khấu. Hình ảnh này sẽ xuất hiện từ lúc mở màn đến khi hạ màn để tôn lên yếu tố lãng mạn, huyền ảo, tâm linh đối lập với không gian thực của cuộc đấu tranh xây dựng nông trang tập thể.
- Một kịch bản kinh điển và khó mà chỉ được tập trong 15 ngày, ông có lo ngại về hiệu quả vở diễn?
- Thú thực, tôi cũng chưa hài lòng. Vì thời gian và kinh phí có hạn nên thậm chí đã phải cắt đi một vài nhân vật làm vở diễn sinh động và không khí kịch bớt căng. Trong kịch bản, những nữ thư ký giúp việc cho Gruya vào những thời kỳ khác nhau là cô gái tóc vàng, cô tóc đen, cô tóc nâu, cô đội tóc giả bạc, cô đội tóc giả hung, cô trùm khăn trắng... Song lên sân khấu thì chỉ còn... một cô kèm giới thiệu "nghệ sĩ Hoàng Thu vai thư ký qua các thời kỳ..." bởi nếu dùng 6 diễn viên vào vai 6 cô thư ký thì phải mất 6 bộ tóc giả và 6 bộ trang phục khác nhau. Tốn kém lắm!
- Truyền hình trực tiếp không qua khâu biên tập là một sức ép khá lớn với diễn viên, ngay cả với những người đã "cứng" tay nghề bởi họ sẽ dễ vấp phải một số lỗi kỹ thuật về đài từ, động tác... Ông nghĩ sao?
- Cho đến hôm nay thì diễn viên của tôi đã thuộc thoại và đã thị phạm đúng. Nhưng tối mai thì tôi cũng không dám chắc. Họ rất thông minh, rất nhiệt tình song đã lâu lắm rồi họ mất thói quen làm việc với các kịch bản nghiêm túc. Bấy nay chỉ quen vào quán cơm bình dân, giờ muốn thưởng thức đặc sản trong khách sạn thì chí ít phải có tiền. Mà lưng vốn thực tế của họ lại mỏng quá nên khó có thể đòi hỏi cao được.
- Vậy, theo ông, cần có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả sân khấu của Nhà hát truyền hình?
- Những người thực hiện chương trình nên có sự mở rộng về diễn viên. Để hướng tới chất lượng cao hơn, những vở diễn này cần được bổ sung những diễn viên có năng lực từ những đoàn nghệ thuật cùng ngành khác.
Hiền Hòa thực hiện