- Tại sao đang theo học 4 năm tại trường nhạc, anh lại bỏ ngang theo học khoa đạo diễn của trường Sân khấu Điện ảnh?
- Bản thân cả hai ngôi trường này đều không phải là mong muốn ban đầu của tôi mà là định hướng của bố mẹ vì cả hai thời điểm đó tôi gần như không có bất kỳ một định hướng nào với cuộc sống ngoài việc rong chơi cả. Với trường nhạc, bố mẹ tôi đã nhầm lẫn giữa việc tôi thích nghe nhạc với việc tôi có thể thành tài nhờ việc học nhạc (và kết quả tôi trở thành một sinh viên dốt của nhạc viện). Với trường Sân khấu điện ảnh, bố mẹ tôi trong một lúc tuyệt vọng đã hy vọng rằng khi tôi ra trường có thể xin cho tôi một công việc ổn định tại nơi bố tôi công tác là Đài truyền hình Việt Nam thay vì cứ lang thang suốt ngày. Mọi việc ở trường Sân khấu điện ảnh đã đúng như ông bà dự tính, trừ việc cho đến một ngày tôi thấy rằng tôi mong muốn nhiều thứ hơn là một sự ổn định trong thời điểm mà bố mẹ tôi đang viên mãn nhất về sự lựa chọn của mình.
- Nghề đạo diễn sân khấu mang lại những thay đổi gì trong cuộc sống của anh?
- Điều lớn nhất mà tôi nhận được từ công việc này là một vị trí trong xã hội, sự tôn trọng của mọi người. Và điều quan trọng nhất tôi nhận được là một bài học: nếu bạn thực sự đam mê, thực sự cố gắng, cùng với sự may mắn thì mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực. Tôi nói vậy vì thời điểm tôi nhận ra rằng tôi cần phải làm một điều gì đó cho cuộc sống của mình, cho gia đình và người thân thì tôi đã ở năm cuối của trường Sân khấu điện ảnh. Lúc đó, xung quanh tôi, các bạn bè cùng trang lứa đã thành đạt hết rồi, khi nhìn ra xung quanh tôi cảm thấy chán nản và thất vọng với bản thân mình kinh khủng vì tôi nghĩ rằng quỹ thời gian của mình đã không còn nữa.
- Những đêm tổng duyệt thấy anh dường như là một đạo diễn khá nghiêm khắc, vậy quan điểm của anh khi bắt đầu tiến hành một công việc là gì?
- Quan điểm của tôi rất đơn giản: Hãy nghiêm khắc nhất với chính bản thân mình. Tôi chỉ yêu cầu người khác làm những gì mà mình cũng có thể làm được. Những gì tôi yêu cầu mọi người làm không chỉ mang lại lợi ích cho tôi, mà còn cho cả họ. Một chương trình thành công tất cả sẽ được lợi, một chương trình không thành công tất cả các cá nhân tham gia sẽ cùng chịu ảnh hưởng.
- Sắp tới anh sẽ đạo diễn chương trình nào?
- Tôi đang đạo diễn chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt. Đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội. Tôi thấy mình chưa nhìn nhận đầy đủ về may mắn mình đang có được trong cuộc sống, trong khi có nhiều người đang hằng ngày phải cố gắng vươn lên để tạo ra những điều kỳ diệu trong những tình cảnh khó khăn mà một người bình thường sẽ không bao giờ có thể đối mặt và vượt qua được. Tôi nghĩ về sự lan toả mà chương trình có thể tạo ra cho cộng đồng và cảm thấy hào hứng khi mình có thể góp một phần nhỏ bé vào sự lan tỏa đó.
- Anh đánh giá chương trình này như thế nào?
- Tôi nghĩ những chương trình này tốt cho người Việt, cả với những tấm gương nghị lực vì họ có cơ hội phát lộ cho xã hội thấy để cộng hưởng cũng như tiếp xúc để nhân rộng các tấm gương đó. Ở khía cạnh những người bình thường không gặp phải khó khăn, thậm chí những người đang may mắn có một cuộc sống tốt đẹp sẽ được truyền cảm hứng để giúp sức những hoàn cảnh khó khăn, hoặc qua đó nhìn nhận được rõ ràng hơn may mắn mà mình đang có để sống tốt hơn (trong đó có tôi).
- Trong số 21 tấm gương nghị lực điển hình được chọn tham gia chương trình, anh ấn tượng nhất với ai?
- Nói ấn tượng nhất thì không phải, vì với những gì họ đã trải qua đều đáng ngả mũ kính phục. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chương trình, tôi nhớ nhất một câu chuyện về một người bố bị ung thư chiến đấu với bệnh tật đến tận cùng, rồi ở một thời điểm tưởng như đã chạm được tay vào hạnh phúc lại mất đi người con gái yêu của mình nhưng vẫn tiếp tục phải sống. Câu chuyện thì rất “đời”, nhân vật không có gì đội đá vá trời cả, nhưng nó lay động lòng người cũng chính vì điều đó. Đây là một câu chuyện xúc động trong chương trình lần này được tìm ra bởi ekip nội dung. Khi ngồi làm kịch bản với ekip, MC Thanh Bạch đã khóc khi đọc được câu chuyện này trong kịch bản.
- Anh làm thế nào để có thể truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu và hiệu quả cho chương trình Nghị lực Việt?
- Cách dễ hiểu và hiệu quả nhất chính là hành động thiết thực. Bản thân việc tổ chức chương trình như thế này cho mọi tầng lớp xã hội, không tiếc công sức để quảng bá nhân rộng đã là những việc không hề lý thuyết rồi chứ tôi nghĩ chỉ quảng bá bằng những bài viết chắc sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Còn lại những gì diễn ra sau đó thuộc về trách nhiệm của cộng đồng với những gì họ được tiếp nhận thông qua những tấm gương nghị lực của những con người các bạn sắp gặp trong chương trình và cả chính sự quay trở lại một lần nữa của Nick Vujicic.
Phương Thảo