Anh Vân
- Buổi ra mắt cuốn " Chuyện mình chuyện người" của chị đã được độc giả đón nhận rất nhiệt tình, cảm xúc của chị giờ như thế nào?
- Dư âm của buổi giao lưu đến giờ vẫn còn khấp khởi và xúc động trong tôi. Không chỉ vì được chúc mừng, được phóng viên đến tìm khá nhiều (cười) mà vì tôi quá bất ngờ trước những tình cảm người đọc dành cho quyển sách, cho cá nhân tôi. Nhiều bạn đọc cho biết họ tìm thấy được sự đồng điệu trên trang viết của tôi và qua quyển sách, tôi đã có thêm những người bạn mới. Ví dụ có độc giả là bác sĩ vừa đến tìm tôi để tặng cuốn sách của Hoàng Thiếu Phủ, trong đó giải thích rõ hai chữ Tràng Tiền/Trường Tiền ở Huế vì trong một bài viết của tôi có ghi cầu Tràng Tiền (ghi theo bảng chữ gắn trên cầu) nên bị một số bạn đọc góp ý.
![]() |
Đạo diễn Việt Linh luôn giữ được những cảm xúc tươi mới với cuộc sống. Ảnh: V.L. |
- Chị có cơ hội được sống ở hai nền văn hóa Pháp - Việt và có nhiều trải nghiệm lý thú trong cuộc đời làm phim của mình. Đến bao giờ chị sẽ viết hồi ký để chia sẻ với độc giả những trải nghiệm đó?
- Có lẽ tôi sẽ không bao giờ viết hồi ký vì tôi thấy mình có nhiều tật xấu, không thích hợp để viết thể loại này. Thí dụ tôi không nhớ được ngày tháng, dù rất nhớ sự kiện, chi tiết. Tệ nhất là không có thói quen gìn giữ tư liệu, dù của chính mình. Có thể nói bên cạnh sự gợi ý, động viên của bè bạn, cuốn Chuyện mình chuyện người ra đời cũng từ tật xấu đó: Do sợ đánh mất những khoảnh khắc cảm xúc đáng nhớ trong đời mình đã viết ra, tôi quyết định tuyển chọn, sưu tập lại những bài đăng báo để in thành sách, bởi đó là cách hay nhất để giữ tư liệu đẹp đẽ, gọn gàng.
- Tự nhận mình chỉ đến với con đường viết lách như một công việc tài tử, nhưng những tản mạn chị viết đã được sự đồng cảm rất lớn nơi người đọc, chị nghĩ gì về lao động viết lách so với điện ảnh?
- Với tôi, lao động trên trang viết tự do hơn trong điện ảnh. Điện ảnh cực hơn và bị áp lực kinh tế, thời gian. Ngoài ra, đó còn là công việc của tập thể, phải va chạm, lệ thuộc nhiều người. Viết là sáng tạo cá nhân. Nhưng do tôi đã trót yêu, trót quen điện ảnh nên khi viết tôi cũng muốn "quay phim bằng chữ", tức muốn câu viết của mình phải có hình ảnh, âm thanh. Cùng với sự chân thành, có lẽ đó là đặc điểm khiến người đọc yêu thích những bài viết của tôi chăng? Tóm lại tôi nghĩ viết cũng là một lao động. Mà đã lao động thì phải tận tâm, thành thạo và tự tin.
![]() |
Trong Album của gia đình, những truyện ngắn đầu tiên của đạo diễn Việt Linh được đăng báo từ năm 1969, 1976 vẫn được lưu giữ như kỷ niệm đẹp của nghề viết. Ảnh: A.V. |
- Tại sao chị thích viết và bắt đầu viết từ bao giờ?
- Tôi bẩm sinh là người nhạy cảm, và tôi luôn có nhu cầu nói ra những cảm xúc đó. Ngay từ bé tôi đã mộng mơ với chữ. Và, như bạn thấy, 14 tuổi tôi đã tự mình làm ra "tạp chí văn nghệ" cho bè bạn và chính mình tập tọng làm "văn". Bây giờ nhìn lại trông quá thô thiển, hài hước, nhưng lúc đó các "nhà văn nhí" chúng tôi đã say mê, hứng thú biết chừng nào. Truyện ngắn đầu tay Hương vú sữa đăng hai kỳ trên báo Giải Phóng trong chiến khu là năm tôi 17 tuổi.
* Chuyện mình chuyện người * Miên man đậu phộng nấu |
- Làm thế nào để chị luôn giữ và truyền được cảm xúc, sự rung động cho người đọc qua trang viết của mình?
- Cũng hồn nhiên như viết, tôi không có bí quyết hay ý thức duy truyền cảm xúc. Tôi chỉ thấy mình luôn có nhu cầu viết, nhu cầu kể chuyện với mọi người. Tôi có một anh bạn nhà văn, nhưng những năm gần đây hầu như không viết nữa, kể cả viết báo. Tôi hỏi lý do, anh trả lời sao thấy chữ của mình bây giờ có xác chứ không có hồn nên không muốn viết. Tôi chưa thấy tình huống đó xảy ra với tôi, ngược lại, có vẻ như càng lớn tuổi tôi càng thấy cuộc sống có quá nhiều điều đáng viết. Cũng như thời trẻ, tôi không ý thức lắm chuyện viết lách của mình, cũng không có ý thức tìm kiếm đề tài. Cái gì xúc động thì tôi viết. Tôi viết tài tử, không bị áp lực như nhà báo chuyên nghiệp.
- Vừa là đạo diễn phim vừa "lấn sân" sang viết lách, nếu phải so sánh giữa văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc, chị chia sẻ điều gì?
- Hôm diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách, tôi rất ấn tượng với tâm sự của một bạn trẻ, vốn là đại diện của hãng Shell tại Đông Nam Á. Bạn ấy cho biết đã rất lâu rồi bạn ấy chỉ đọc sách chuyên ngành kinh tế và gần hai chục năm mới cầm tới đầu sách mang tính văn học - cuốn Chuyện mình chuyện người mà bạn mới vừa được tặng. Rằng sau khi đọc sách, bạn cảm thấy mình đã bỏ lỡ nhiều điều thú vị trong đời sống. Tôi nghĩ với ý thức như vậy, hy vọng bạn trẻ này sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị hơn ở những quyển sách thú vị hơn. Văn hóa nghe nhìn cũng có cái hay của nó, vấn đề là cân đối thế nào. Khuyến khích, khuyên nhủ, tạo điều kiện chứ đừng nên gây áp lực trong văn hóa đọc. Đọc, như nhà doanh nhân trẻ nêu trên, cũng cần có sự khám phá và là thói quen phải tập dần dần.
- Giả sử có một bạn trẻ nói với chị rằng, mua một vé xem phim chỉ chừng vài chục nghìn để xem một siêu phẩm điện ảnh thì trong vài giờ ngắn ngủi cũng được"thỏa mãn" nhiều thứ, còn mua một cuốn sách vừa đắt tiền, vừa mất thời gian vừa tốn công đọc thì chị sẽ nói gì?
- Thứ nhất, suy nghĩ của bạn trẻ đó đúng. Rõ ràng giữa một bên là sự dễ dàng tiếp nhận, lại có không khí sôi nổi, với một bên phải tự mình dấn thân khám phá, thì chắc chắn xem phim sẽ hấp dẫn hơn. Tuy vậy, tôi tin đến một lúc nào đó, một tuổi nào đó, các bạn trẻ sẽ nhận ra văn hóa đọc rất cần cho tri thức, và rằng thiếu nó quả là điều đáng tiếc.
Anh Vân thực hiện