- Sau hơn 36 năm gắn bó với Hãng phim, tại sao chị lại quyết định rời bỏ?
- Con số 36 năm tự nó nói lên quyết định ra đi của tôi không đơn giản... Gắn bó với Hãng từ khi ở chiến khu, trải nhiều khó khăn nhưng không bao giờ tôi nghĩ có lúc mình phải ra đi. Những người ra đi khác như Phạm Hoàng Nam, Khải Hoàng, Lê Hoàng... cũng từng ở Hãng trên dưới 20 năm. Trong đơn xin nghỉ việc tôi có ghi rõ: ra đi vì thấy không thích hợp với đường hướng tương lai của Hãng.
|
Đạo diễn Việt Linh. |
- Trả lời trên báo, đạo diễn Lê Hoàng nói: "Hiện tượng nhiều nghệ sĩ rời khỏi Hãng là rất bất thường. Không phải vì lý do kinh tế. Lâu nay ở Hãng các nghệ sĩ vẫn tự do làm thêm bên ngoài. Vấn đề là ai cũng ra đi một cách quyết liệt. Tâm trạng chung của mọi người là không tin vào tương lai của Hãng, không thỏa mãn với phương hướng nghệ thuật Hãng đang chọn”. Chị nghĩ sao?
- Anh Lê Hoàng nói rất đúng.
- Xưởng trưởng xưởng phim truyện Dương Minh Hoàng nói: “Phạm Hoàng Nam, Lê Hoàng, Việt Linh… ra đi không chỉ là nỗi buồn, mà là nỗi đau, mất mát lớn của Hãng phim Giải Phóng”. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
- Anh Dương Minh Hoàng là cán bộ kỳ cựu của Hãng phim, thấu hiểu, quý mến chúng tôi nên nói vậy, chứ với lãnh đạo Hãng thì việc ra đi - dù hàng loạt - của chúng tôi rất “bình thường”. Đó là mâu thuẫn gốc giữa lãnh đạo và anh em nói chung.
- Chị có thể nói rõ hơn?
- Có nhiều chuyện anh em thấy bất thường, bất nhẫn nhưng lãnh đạo thấy... bình thường. Ví như giám đốc thấy bình thường khi ngay ngày đầu tiên nhậm chức đã quyết định chi gần 40 triệu thay mới toàn bộ nội thất đang sử dụng của giám đốc cũ. Ví như giám đốc thấy bình thường khi treo tấm biển to “Giám đốc tiếp nhân viên ngày thứ sáu” trước phòng làm việc, trong lúc cơ quan chỉ vỏn vẹn trăm nhân sự. Phát biểu của đạo diễn Văn Lê là rất hình tượng: “Từ chỗ vui vẻ, thân thiện, giờ đây cơ quan như có người bệnh mà bệnh âm ỉ, mãi không khỏi”.
- Có ý kiến cho rằng chị ra đi là do bất đồng quan điểm và do kịch bản của chị không được duyệt, chị nghĩ sao?
- Nhiều anh em Hãng phim và chúng tôi rất không vui đọc trả lời của giám đốc Hãng phim trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông đã không sòng phẳng, thậm chí làm tổn thương khi lý giải mọi người ra đi vì động cơ vật chất, cá nhân: người có công ty riêng, người muốn tiến thân, người bận phim thương mại... Tôi không nằm trong những trường hợp đó nên phải nói khác. Cũng có thể khi đánh giá mọi người cá nhân, giám đốc Hãng phim đã vô tư "suy bụng ta ra bụng người" chứ không cố ý xúc phạm. Nói tôi ra đi vì kịch bản không được duyệt (chuyện rất thường trong điện ảnh) thì tại sao khi giám đốc đồng ý đưa kịch bản đó vào sản xuất - cụ thể là Nếu anh còn được sống - tôi vẫn không ở lại? Chúng tôi ra đi vì không còn thích hợp...
- Cụ thể những không thích hợp đó là gì?
- Phát biểu của anh em trên SGGP đã nói lên toàn cảnh. Biên bản góp ý Đảng ủy của công đoàn Hãng phim cũng viết: liệu Hãng sẽ đi về đâu khi thực chất các kế hoạch nặng kinh doanh hơn thúc đẩy sản xuất phim, đặc biệt phim nghệ thuật? Nhưng điều làm anh em xa lạ nhất (báo chí cũng đã lên tiếng) là việc đập phá cơ ngơi chưa dụng hết công suất để xây mới công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng. Việc xây mới một cơ sở nguy nga trong khi sản xuất èo uột đối với anh em là vô lý, thậm lãng phí ngân sách. Chúng tôi ra đi vì không muốn bị nhân danh, không đồng thuận với những lãng phí đang, đã xảy ra quá nhiều trong điện ảnh.
- Cục trưởng Cục điện ảnh có nói đại ý: "Rất tiếc những người ra đi, đặc biệt Lê Hoàng. Phải bằng mọi cách giữ anh lại". Chị và những người đi khác cảm thấy ra sao?
- Cũng xót xa đôi chút, nhưng kinh tế thị trường là thế. Tôi nghĩ có lẽ Lê Hoàng cũng không vui: nói vậy khác chi người ta chỉ xem anh là công cụ hái ra tiền!
- Điều gì làm chị băn khoăn nhất khi rời bỏ cơ quan cũ?
- Là chia tay bao kỷ niệm, bao tình cảm thân thiết... Dù sao tôi cũng mong Hãng phim ăn nên làm ra, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp lâu đời của nó, xứng đáng với công sức xây dựng của những người đã khuất.
- Dự định sắp tới của chị là gì?
- Vẫn sẽ là những việc liên quan đến điện ảnh VN.
- Chuyện bên ngoài Hãng phim Giải Phóng. Ở trên chị có nói đến những lãng phí đang, đã xảy ra quá nhiều trong điện ảnh. Thí dụ cụ thể là gì?
- Ví như từ những năm 90 điện ảnh VN đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng để mua máy kỹ xảo, để khi được hỏi vì sao bỏ phí, người ta đổ thừa tại các đạo diễn không biết sử dụng máy! Trời ạ, tội nghiệp giới đạo diễn: cho đến nay nhiều người trong chúng tôi còn chưa biết VN hiện có ít nhất 4 máy kỹ xảo (Hãng phim truyện VN, Viện kỹ thuật điện ảnh, Viện tư liệu phim, Trường sân khấu điện ảnh). Chưa nói trong điện ảnh mọi chức năng đều phải chuyên môn hóa, mỗi máy móc đều phải có chuyên viên vận hành. Đạo diễn chỉ là người chỉ đạo. Nói máy móc bỏ kho vì đạo diễn không biết sử dụng, giống như nói xe hơi bỏ kho vì giám đốc không biết lái! Khi làm phim ít khách nghệ sĩ chịu tiếng phí phạm ngân sách, trong lúc sự lãng phí - gấp nhiều lần hơn, rõ rệt hơn - trong xây dựng, mua sắm thiết bị điện ảnh thì không thấy ai chịu trách nhiệm.
- Từ sau cơn đột quỵ năm ngoái, sức khỏe chị hiện nay ra sao?
- Tôi đang cố gắng để hồi phục. Trong cái rủi ro tôi nghĩ mình phải cảm ơn biết bao tình cảm, của biết bao người...
(Theo Ngoisao.net)