- Cơ duyên nào khiến anh làm phim "Quyên" - chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Nguyễn Văn Thọ?
- Tôi đọc tác phẩm của chú Thọ lâu rồi và rất thích câu chuyện trong sách. Tiểu thuyết này gợi nhiều chất liệu để thực hiện một bộ phim nhưng khi nghĩ đến việc bối cảnh phim ở nước ngoài, tôi phân vân chưa dám làm ngay. Vài năm sau, có những dịp ra nước ngoài, sang Cộng hòa Czech (Tiệp Khắc cũ), tôi được gặp gỡ với các nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật Quyên, Hùng hoặc những người lao động bình thường.
Tôi lắng nghe và ghi nhớ những câu chuyện về họ. Sau bốn năm, tôi mới dám kể lại chúng trong bộ phim của mình. Trong phim Quyên, phân nửa đầu nội dung là từ truyện và nửa sau là từ thực tế tôi góp nhặt được từ những người Việt tôi quen ở Tiệp Khắc, ở Đức.
- Từ "Vũ khúc con cò", "Cánh đồng bất tận" và nay là "Quyên", vì sao anh vẫn giữ phong cách làm phim với lối kể chuyện mang tiết tấu chậm rãi?
- Mỗi lần bắt tay vào làm một bộ phim, tôi đều tự mình rút kinh nghiệm từ dự án trước để thay đổi đi một chút. Với Quyên, bên cạnh phong cách kể chuyện quen thuộc, thật ra, tôi đã làm phim với tiết tấu nhanh hơn, cài cắm vào đấy nhiều tình tiết để phim hấp dẫn hơn. Hy vọng nếu tôi có cơ hội làm phim thứ tư thì tay nghề sẽ tiến bộ hơn nữa.
Tôi cũng bắt đầu chuyển sang độ tuổi U50. Tôi biết cách làm phim của mình vẫn bị ảnh hưởng của thế hệ làm phim trước. Vì thế, ở dự án lần này, tôi kết hợp với bạn trẻ hơn là Hàm Trần. Hai anh em cùng trao đổi kinh nghiệm, kết hợp cách làm, cách dựng phim của cả hai để làm sao màu sắc phim mới hơn. Tôi rất thích cách dựng phim nhanh, gãy gọn của Hàm Trần.
- Vì sao anh lại mạo hiểm chọn hai diễn viên mới toanh là Vũ Ngọc Anh và David Trần đóng vai chính trong phim được đầu tư kinh phí đến 22 tỷ đồng?
- Thường ở các phim của mình, tôi đặt diễn viên từng đóng nhiều phim bên cạnh diễn viên mới toanh. Người đóng nhiều phim có nhiều kinh nghiệm, còn diễn viên mới có đầy nhiệt huyết và tình cảm. Cả hai sẽ bổ sung cho nhau để càng làm tốt hơn diễn xuất. Tôi từng áp dụng cách tuyển diễn viên này cho phim Cánh đồng bất tận.
Chọn diễn viên mới thì chắc chắn là mình phải mạo hiểm về mặt kinh tế và về việc tạo ra nội dung phim. Nhưng khi tôi làm như vậy, tôi luôn đặt niềm tin vào tấm lòng của mọi người, vào nỗ lực hết sức của tất cả thành viên trong đoàn phim. Tôi hài lòng với những gì đoàn phim chung sức làm nên.
Ngoài ra, trước mỗi phim, tôi thường dành nhiều thời gian cho diễn viên mới, có khi là một tháng trước khi bấm máy. Tôi giải thích cho họ những kiến thức sơ đẳng về nghề, như tiếng nói sân khấu, hình ảnh, góc mặt nhân vật như thế nào cho đẹp, đặt cảm xúc vào nhân vật như thế nào cho đúng. Còn trên trường quay, tôi cũng kiên nhẫn khi làm việc với họ. Có khi cả đoàn phải chờ đến 2-3 giờ sáng mới quay được cảm xúc của nhân vật, hoặc chờ họ diễn đi diễn lại nhiều lần để vượt qua được sự lạ lẫm mà hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.
- So với lòng tốt của người đàn ông Đức tên Hans dành cho Quyên, hai nhân vật xuất thân từ giới trí thức là Hùng và Dũng khiến khán giả cảm thấy mất niềm tin vào đàn ông Việt Nam. Anh nghĩ sao?
- Những bộ phim dễ chạm đến trái tim khán giả thường là những bộ phim tìm về nỗi đau và tận cùng của nỗi khổ con người. Tôi cũng muốn khắc họa sự đau khổ tận cùng của Quyên thông qua mối quan hệ của cô với hai người đàn ông đặc biệt của cuộc đời mình, chứ bộ phim không có ý chê hết đàn ông trí thức Việt Nam. Thật ra, nhân vật Hùng (Trần Bảo Sơn) cũng được khắc họa là người tốt. Nếu khán giả muốn thấy tôi hy vọng gì vào đàn ông trí thức Việt Nam thì chắc tôi phải làm phim Quyên phần hai nếu thực sự có điều kiện (Cười). Ngoài đời, tôi gặp được nhiều người đàn ông Việt Nam tốt ở Đức. Họ giúp tôi rất nhiều.
Hai nhân vật Hùng và Dũng không đại diện hoàn toàn cho lớp trí thức Việt Nam trong bối cảnh đó nhưng số phận của họ cũng phản ánh được sống động một giai đoạn lịch sử, xã hội của cộng đồng người Việt ở Đức. Khi Bức tường Berlin sụp đổ, cuộc sống của người Việt Nam ở Đức khác hơn ở Bulgaria hay Nga. Một bộ phận người Việt ở Đức vì chạy theo đồng tiền mà đánh mất bản thân.
Qua bộ phim, tôi muốn nói rằng cuộc sống nơi xứ người của cộng đồng Việt Nam không chỉ có màu hồng như nhiều người trong nước từng nghĩ. Tôi chỉ muốn sau này, khi một người nào đó có ý định tìm kiếm cơ hội ở đất nước khác, họ cần phải chuẩn bị cẩn thận hơn cho bản thân về kiến thức, kỹ năng tồn tại.
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có ý kiến gì khi xem bộ phim dựa trên tiểu thuyết của ông?
- Chú Thọ có bảo với tôi, nếu tôi có cơ hội thì nhắn giùm chú với khán giả: Đừng nên so sánh giữa truyện với phim vì phim và truyện là hai thể loại hoàn toàn khác nhau.
- Khán giả chia sẻ cảm xúc thế nào khi lần đầu tiên bộ phim được chiếu ở Berlin?
- Phim Quyên chỉ tái hiện lại một phần mười, thậm chí là một phần trăm những câu chuyện từ đời thực của cộng đồng người Việt ở Đức. Thực tế, số phận họ còn khổ hơn nhiều, gặp những chuyện kinh khủng hơn nhiều. Tại buổi chiếu ở Berlin, dưới hàng ghế khán giả có những người là nguyên mẫu của nhân vật Hùng, Dũng, Quyên. Điều tôi lo ngại là họ không có cảm xúc khi xem phim hoặc sẽ soi mói là "ngày đó tôi như thế này, như thế kia".
Phần nửa đầu thời gian chiếu phim, không khí trong rạp làm cho tôi hơi lo lắng vì khán giả hơi im lặng. Càng về sau, họ cùng khóc, cùng cười với diễn biến trong phim. Sau buổi chiếu, họ bày tỏ nhiều tình cảm, chia sẻ họ khóc đến hai, ba lần. Tôi tin tưởng là họ chấp nhận phim.
- "Quyên" không thuộc về dòng phim giải trí đang phổ biến trong nước. Anh tính toán thế nào đến yếu tố kinh doanh?
- Đoàn phim nào cũng mong tác phẩm mình làm ra thu lợi nhuận tốt. Nhưng ở dòng phim nghệ thuật kén khán giả hơn, việc cố gắng hòa vốn là may lắm rồi. Việc hòa vốn với phim Quyên là thử thách lớn của nhà sản xuất.
Cũng như với Cánh đồng bất tận trước đây, tôi mong phim tìm được cho mình một lớp khán giả riêng. Ngoài ra, tôi hy vọng Quyên hút được khán giả miền Bắc vì nhiều gia đình miền Bắc có người ra nước ngoài sống và làm việc. Có thể họ muốn đến rạp để xem mình làm phim về họ như thế nào.
* Trailer: Phim "Quyên" |
|
Thoại Hà ghi