- Khán giả Việt mới nghe đến các liên hoan hoặc tuần lễ phim nhưng chưa nghe đến các sự kiện điện ảnh quốc tế như "Gặp gỡ mùa thu". Là người sáng lập, anh hãy mô tả thêm về sự kiện này?
- Trước nhất, Gặp gỡ mùa thu là nơi để học. Trong quá trình tổ chức, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc mở rộng hoạt động này thành nơi chiếu phim, có các hoạt động giao lưu nghề nghiệp cho các nhà làm phim để trao đổi, cập nhật các xu hướng mới của điện ảnh đương đại.
Trọng tâm của sự kiện là các lớp đào tạo phi lợi nhuận cho các nhà làm phim trẻ trong và ngoài nước được học nghề từ các đạo diễn, các nhà làm điện ảnh có tên tuổi của thế giới. Từ năm đầu, đạo diễn Trần Anh Hùng trở về giảng dạy cho lớp Đạo diễn. Từ năm thứ hai, các nhà làm phim từ Hội đồng điện ảnh quốc gia Hàn Quốc (KOFIC) và Học viện điện ảnh Hàn Quốc (KAFA) đến giảng dạy. Năm nay là năm thứ ba, các nhà làm phim vẫn đến với chúng tôi để dạy về đạo diễn và sản xuất phim. Năm nay cũng là lần đầu tiên chúng tôi chào đón học viên đến từ Đài Loan, Singapore. Tinh thần quốc tế được xác lập với các học viên đa quốc gia và việc dạy học tại lớp đạo diễn của Trần Anh Hùng là bằng tiếng Anh.
Ngoài Gặp gỡ mùa thu, giới làm phim chúng tôi vài năm nay tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu khác như Gặp gỡ mùa xuân, Lớp dựng phim cùng các chuyên gia Pháp và Mỹ. Những hoạt động thuần tuý nghề nghiệp như thế này thực sự mang lại phấn khích, đặc biệt là với các bạn trẻ.
![dao-dien-phan-dang-di-cong-nghiep-dien-anh-viet-van-so-khai](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2015/12/12/Father-Small-Father-Other-Stor-4392-7456-1449877307.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DJw583Gc1LUf6AFpL-ozqw)
Đạo diễn Phan Đăng Di.
- "Gặp gỡ mùa thu" đi đầu trong mô hình hỗ trợ nghề nghiệp lẫn nhau trong giới làm phim. Sau ba năm, chương trình này đạt được kết quả ra sao?
- Nhiều dự án ươm mầm đã đi xa tới các liên hoan thế giới, có cơ hội làm thành phim. Chúng tôi đang giúp các nhà làm phim trẻ thực hiện được dự án phim dài đầu tay. Hai dự án phim dài đoạt giải cao nhất năm ngoái vừa được tham gia Chợ dự án ở Liên hoan phim Busan hồi tháng 10.
Một dự án khác cũng từ đây là Lonely Fish của Võ Thạch Thảo vừa nhận được gói hỗ trợ làm hậu kỳ ở "Chợ dự án" của Singapore. Hiện một phim ngắn khác của một học viên cũng lọt vào vòng tranh giải ở một Liên hoan phim quan trọng. Chúng tôi chưa thể nêu tên vì đầu tháng 1/2016, tin này mới được loan báo chính thức. Từ chương trình này, chúng tôi không tiếc công giới thiệu thị trường điện ảnh Việt Nam như một vùng đất tiềm năng và rất đáng để giới làm phim quốc tế tìm đến hợp tác sản xuất.
- Các khóa đào tạo do các nhà làm phim độc lập như anh tổ chức khác gì với các lớp học tại trường điện ảnh trong nước?
- Chúng tôi hướng đến các học viên là những người đã làm phim. Họ hiểu biết và có kinh nghiệm về điện ảnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng bố trí thời gian học ngắn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Chúng tôi nhấn mạnh vào thực hành hơn là dạy lý thuyết. Chúng tôi gắn chuyện học, trao đổi để làm sao có kết quả là bộ phim cụ thể. Tiếng Anh dần dần cũng là một yêu cầu bắt buộc với các học viên.
Ngoài ra, các giảng viên được mời cho các khóa chúng tôi tổ chức đều là những người có tác phẩm và thành tích nổi bật. Ví dụ như đạo diễn Trần Anh Hùng có thể chỉ thẳng cho sinh viên những vấn đề thuộc về bản chất của điện ảnh trong thời gian rất ngắn. Anh ấy vừa là người Việt Nam với những hiểu biết sâu sắc về truyền thống Việt, đồng thời là một nghệ sĩ quốc tế trong dòng chảy uyên bác của điện ảnh đương đại. Tất cả yếu tố đó rất quý cho những gợi mở khoáng đạt và trí tuệ với các nhà làm phim trẻ.
- Thế hệ nhà làm phim trẻ kết nối thế nào với giới sản xuất phim qua các chương trình này?
- Bởi các khóa học gắn tính thực hành cao. Chúng tôi chú trọng khâu đầu tư dự án. Hầu hết các sự kiện điện ảnh chúng tôi tổ chức đều có "Chợ dự án" cho phim nghệ thuật và thương mại. Dù quy mô “chợ” còn rất nhỏ thôi, đây là nơi các nhà làm phim trẻ đến giới thiệu dự án nhằm tranh giải thưởng. Các dự án khả thi sẽ được chào bán tới các nhà sản xuất để họ làm phim phát hành trong nước. Các dự án nghệ thuật độc lập có thể tiếp cận các quỹ điện ảnh nước ngoài hoặc các quỹ quốc tế để tìm tài chính.
Ở khu vực phim độc lập nghệ thuật, chúng tôi thường mời các giám tuyển, các nhà đầu tư từ các liên hoan lớn như Venice, Cannes, Quỹ tài chính điện ảnh Hong Kong đến làm giám khảo. Có cơ hội giới thiệu trực tiếp dự án của mình tới giới chuyên môn quốc tế giúp các nhà làm phim trẻ tiết kiệm thời gian hiện thực hóa ý tưởng thành phim. Đây là điều quan trọng với các dự án phim nghệ thuật vốn khó tìm được đầu tư trong nước.
![dao-dien-phan-dang-di-cong-nghiep-dien-anh-viet-van-so-khai-1](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2015/12/12/TAH0-5-1448888648-660x0-4834-1449877308.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sYlhS3hCWrt0Eq9Ljn83dw)
Đạo diễn Trần Anh Hùng (giữa) đã có ba năm gắn bó với chương trình đào tạo các nhà làm phim trẻ.
- Những sự kiện chuyên môn của giới làm phim độc lập đang thúc đẩy gì cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam?
- Ngành công nghiệp điện ảnh đã thay đổi nhiều trong 10 năm trở lại đây. Số lượng phim tăng nhanh theo từng năm. Có nhiều phim ăn khách và được khán giả yêu thích. Nhưng nhìn chung nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam vẫn sơ khai. Tiếng nói điện ảnh của Việt Nam so với các nước trên bản đồ điện ảnh thế giới vẫn còn rất mờ nhạt. Bằng cách hỗ trợ nhau, chúng ta có thể thay đổi được điều này.
Các nhà làm phim cần có cơ hội giao lưu với thế giới. Những sự kiện điện ảnh quốc tế sẽ thêm một cánh cửa để nền điện ảnh Việt cập nhật vào dòng chảy chung của điện ảnh khu vực Đông Nam Á và thế giới, bên cạnh một Liên hoan phim quốc tế mà chúng ta đã có.
- "Gặp gỡ mùa thu" hay "Gặp gỡ mùa xuân" bổ sung như thế nào với Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay giải Cánh Diều?
- Các liên hoan thường là chặng cuối của quy trình khi các bộ phim đã được làm rồi, chỉ chờ tranh giải. Ngược lại, Gặp gỡ mùa thu, Gặp gỡ mùa xuân hay các chương trình độc lập chuyên môn khác đặt trọng tâm vào khâu đầu của quy trình đó: tạo nguồn phim thông qua giúp đỡ các nhà làm phim trẻ. Chúng ta phải thấy rằng câu chuyện điện ảnh của Việt Nam trong 10, 20 năm tới tuỳ thuộc vào lúc này chúng ta hỗ trợ gì cho các nhà làm phim tuổi đôi mươi. Nếu không trao cho họ cơ hội làm phim, đối thoại thẳng thắn, công bằng và văn minh với điện ảnh thế giới, vị thế của nền điện ảnh chúng ta mãi chỉ bên lề và chìm lấp như thời gian qua.
![dao-dien-phan-dang-di-cong-nghiep-dien-anh-viet-van-so-khai-2](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2015/12/12/ggmt-4540-1449877308.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CCR59PDpHvuwxWNi4ZY0HA)
"Gặp gỡ mùa thu" đang dần trở thành sự kiện thu hút giới làm phim trong nước.
- Tầm nhìn của những chương trình độc lập mà anh xây dựng là gì?
- Một sự kiện phim ảnh là cơ hội để giới thiệu văn hóa và cảnh đẹp Việt Nam. Trong khi đó, Đà Nẵng trung tâm trục di sản văn hoá nổi tiếng thế giới. Khác đến đây có thể đi Hội An, Huế và tắm biển Đà Nẵng. Nếu ở đây tổ chức được một liên hoan phim với không khí điện ảnh đầy mê say thì các thắng cảnh đẹp và thức ăn ngon của Đà Nẵng và vùng phụ cận làm nên sức hấp dẫn hơn nữa trong mắt du khách quốc tế.
Bản thân các nhà làm phim chúng tôi chỉ có thể tổ chức khóa học. Để mở rộng một sự kiện chuyên môn như Gặp gỡ mùa thu thành sự kiện văn hóa hay tiến tới thành liên hoan phim quốc tế ở Đà Nẵng thì đó là câu chuyện lớn mà chỉ chính quyền, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa mới quyết định được.
Vũ Văn Việt thực hiện