Seiko Hashimoto, chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic Tokyo, hôm nay cho hay ban tổ chức đã sa thải đạo diễn Kobayashi chỉ một ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội. Ông bị cáo buộc lấy thảm họa diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến II ra làm trò đùa khi nói "Hãy chơi trò Holocaust nào" trong chương trình hài kịch 23 năm trước.
"Chúng tôi phát hiện ông Kobayashi trong buổi biểu diễn cá nhân đã sử dụng cụm từ nhạo báng một thảm kịch lịch sử", Hashimoto nói. "Chúng tôi chân thành xin lỗi vì để xảy ra sự việc đáng tiếc một ngày trước lễ khai mạc, gây phiền toái và lo ngại cho nhiều bên liên quan, cũng như người dân Tokyo và cả nước".
Tokyo vướng vào nhiều bê bối từ khi được quyền đăng cai thế vận hội năm 2013. Các nhà điều tra Pháp đang xem xét cáo buộc Tokyo hối lộ thành viên Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trong quá trình bỏ phiếu. Bê bối khiến Tsunekazu Takeda, người đứng đầu Ủy ban Olympic Nhật Bản kiêm thành viên IOC, từ chức hai năm trước.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo dự kiến diễn ra ngày 23/7. Buổi lễ sẽ không có khán giả tham dự để phòng ngừa Covid-19, dù một số quan chức, khách mời và truyền thông có tham gia.
"Chúng tôi sẽ tổ chức lễ khai mạc vào ngày mai và chắc chắn nhiều người cảm thấy không dễ dàng khi Thế vận hội vẫn được tiến hành", Hashimoto nói. "Nhưng chúng tôi sẽ khai mạc ngày mai trong tình thế khó khăn này".
Kobayashi là cựu thành viên nhóm hài kịch hai người nổi tiếng cùng với Rahmes. Họ nổi tiếng ở nước ngoài qua loạt phim hài kịch bao gồm "Truyền thống Nhật Bản". Sau khi video show hài kịch năm 1998 của Kobayashi được tiết lộ, mạng xã hội Nhật Bản tràn ngập lời chỉ trích.
"Bất kỳ người nào, dù sáng tạo tới đâu, cũng không có quyền chế nhạo nạn nhân của chế độ diệt chủng Đức Quốc xã", Rabbi Abraham Cooper, hiệu phó kiêm giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ, nói.
Nhật Bản vẫn xúc tiến Thế vận hội dù đa số chuyên gia y tế trong nước phản đối, một phần do áp lực từ IOC. Tổ chức này ước tính đối mặt thiệt hại 3-4 tỷ USD bản quyền truyền hình nếu Thế vận hội không được tổ chức.
Chi phí tổ chức Olympic Tokyo là 15,4 tỷ USD, nhưng kiểm toán cho thấy con số này thực tế cao hơn. Ngoài 6,7 tỷ USD tiền xã hội hóa, số còn lại lấy từ ngân sách nhà nước của Nhật Bản.
"Chúng tôi đã chuẩn bị từ năm ngoái để gửi đi thông điệp tích cực", Hashimoto nói. "Nhưng rốt cuộc, có rất nhiều sự cố gây tai tiếng cho Tokyo 2020".
Toshiro Muto, giám đốc điều hành của ủy ban tổ chức, thừa nhận sự kiện thể thao quốc tế này chịu nhiều thiệt hại về hình ảnh. "Có thể những sự cố tiêu cực này sẽ ảnh hưởng tới thông điệp tích cực mà chúng tôi muốn gửi gắm", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AP)