![]() |
NSƯT Lê Hùng. |
Không trải qua những ngày tháng hào hùng của lịch sử Điện Biên nhưng anh vẫn nung nấu dự định làm một việc ý nghĩa cho mảnh đất này. Vào đầu tháng 4, đạo diễn sẽ ra mắt công chúng 2 vở kịch "Con nhím Điện Biên" và "Ánh sao đầu núi", hứa hẹn nhiều bất ngờ.
- Cái khó cho anh là phải làm mới lại cái cũ ("Ánh sao đầu núi" từng được dàn dựng) và bên cạnh đó phải đưa hơi thở của cuộc sống hôm nay vào vở diễn. Vậy anh sẽ làm thế nào để cân bằng các yếu tố này?
- "Hơi thở cuộc sống hôm nay" ư? Để làm gì và có khó bằng việc phả được vào vở hơi thở cuộc sống của những ngày đã qua ấy hay không? Lịch sử là bất tử và công tâm, nhưng lịch sử đồng thời cũng dễ bị nhòa lắm. Ăn thua là ở đó phải làm sao cho vở nói được thấu thiết nhất những gian khổ, hy sinh giản dị mà lớn lao của ngày ấy để người xem cảm thấy nên sống tiếp ngày hôm nay thế nào.
Ánh sao đầu núi là một vở chèo được viết bởi hai bậc "lão làng" là Tào Mạt và Hoài Giao, kể về một đôi trai gái yêu nhau tại vùng bị giặc chiếm. Không chịu nổi áp bức, bất công, người con trai bỏ lại mẹ già và người yêu để trốn đi, tìm đến Điện Biên, để lại lời hẹn ước với người yêu: Hãy theo ánh sao đầu núi mà tìm lại nhau. Và quả nhiên, cuối cùng, họ cũng đã được gặp lại nhau trong chiến dịch sau bao gian lao mất mát.
Nếu như Ánh sao đầu núi lấy vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi làm đường dây chính thì Con nhím Điện Biên lại chọn vẻ đẹp của tình bạn giữa hai người bạn đồng môn cũ nhưng thuộc hai bờ chiến tuyến làm điểm nhấn. Tôi hy vọng sẽ tạo được một phong cách dàn dựng giống như một phóng sự ấn tượng về cuộc hành trình gian khổ mà cao đẹp thông qua các nhân vật trung tâm là anh chị em dân công chiến sĩ ta trên các nẻo đường đi vào chiến dịch.
- So với "Ánh sao đầu núi" đã được dựng, anh đã chỉnh sửa như thế nào?
- Kịch tính là điều cần thiết để giúp cho một đề tài hiện đại hấp dẫn hơn trong một vở chèo và nhịp sống hiện nay. Sự chỉnh sửa vì vậy là lồng thêm vào đó một lớp kịch để đẩy mâu thuẫn lên mức gay cấn, giúp cho các vận động kịch về sau một lời lý giải giàu sức nặng hơn. Chẳng hạn, trong kịch bản trước đây không hề có lớp kịch: cô gái, trước cảnh người mẹ của anh con trai bị đánh chết ngay trước mặt mình, đã vùng lên cướp súng, bắn chết tên địa chủ. Nhưng trong lần dàn dựng này, tôi đã quyết định thêm vào như một lời ngợi ca sức mạnh tiềm tàng của nhân vật trước khi quyết định đến với cuộc kháng chiến.
- Thế còn cái gọi là "phong cách phóng sự ấn tượng" mà anh vừa nói trong "Con nhím Điện Biên" thì sao?
- Nói một cách khác thì trong đây sẽ có những cảnh mà theo tôi hình dung có thể làm cho khán giả phải lặng đi. Chẳng hạn, cảnh gần hai chục xác chết nằm chồng chất lên nhau trong rất nhiều tư thế kịch giàu tính biểu tượng, chỉ trong khoảng diện tích 10 m2 của sân khấu. Có một cảnh nữa mà tôi nghĩ sẽ rất đắt ở kịch đoạn: tù binh Pháp bị ta bắt rất nhiều (trong đó có Jack - bạn đồng môn cũ ở trường Tây ngày trước với đại đội trưởng Khôi). Đa số đều bị thương rất nặng, trong khi ta lại không đủ thuốc men để cứu chữa. Cực chẳng đã, Khôi phải nghĩ ra một giải pháp hết sức bất ngờ là: Viết cho phía bên kia một bức thư bằng tiếng Pháp với nội dung yêu cầu bên đối địch cho xe qua đón chính tù binh để kịp cứu chữa những quân nhân của họ. Người được cử cầm lá thư kia là Jack. Khốn nỗi, hắn lại không thuộc đường cũng như không đủ lòng tin và dũng cảm để tự trở về nên cuối cùng, đích thân Khôi đã phải đưa Jack vượt qua trùng trùng đạn bom đến sát hàng rào kẽm gai của bên kia giới tuyến rồi lại một mình về lại. Chứng kiến cảnh đó, Jack đã xúc động khóc gào tên bạn. Sự xúc động ấy của Jack cũng chính là sự xúc động của tôi trước kịch bản.
- Anh sẽ dựng lại hình ảnh Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót ra sao để những câu chuyện về họ không bị sao vào lối kể minh họa thông thường?
- Sẽ là thiếu sót và bỏ phí nếu người làm kịch lỡ bỏ qua những hình tượng đã trở thành biểu tượng ấy. Theo tôi không nhất thiết phải tả nhiều. Tả ít mà kể được nhiều mới khó. Vậy tôi tả cảnh Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai ra sao? Trong tay tôi chỉ có chừng 10 diễn viên, nhưng tôi lại phải tả trước hết cảnh mấy tiểu đoàn cùng lao lên chiếm bốt. Vậy thì sẽ phải dùng 10 người ấy, cứ sau mỗi lần bị "trúng đạn" vẫn đứng nguyên tại chỗ, mỗi người một tư thế kịch để "tạo phông" cho cảnh Phan Đình Giót vươn mình lên lấp lỗ châu mai. Đến lúc đó, 10 tư thế kịch kia mới từ từ đổ xuống, nổi lên hình tượng người đại đội trưởng ôm lấy người anh hùng, trên tay một lá cờ phần phật cùng tiếng khóc gào đồng đội: "Kìa, các đồng chí dậy đi chứ, sao cứ nằm im mãi thế này, chiến thắng rồi...".
(Theo Lao Động)