Sinh năm 1928, NSƯT Lê Dân (tên thật là Lê Hữu Phước) là một trong những đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam. Niềm đam mê của ông khởi nguồn từ lần ông “trà trộn” vào Liên hoan phim Cannes 1950 khi đang du học ngành Luật tại Pháp. Sau lần đó, ông ghi danh tại Học viện Cao đẳng Nghệ thuật và Viện Nghiên cứu Điện ảnh Paris.
Khi ông trở về từ Pháp, Sài Gòn không biết nhiều về một luật sư Lê Hữu Phước mà đón nhận người đàn ông với nghệ danh Lê Dân - như một người phác họa diện mạo ban đầu của điện ảnh miền Nam. Trên 50 năm hoạt động nghệ thuật, thử sức với nhiều dạng đề tài, tên tuổi Lê Dân ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng: Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ sáu năm 1983 cho phim Pho tượng, Bông sen bạc LHPVN lần thứ 10 năm 1993 và Giải A Hội điện ảnh Việt Nam năm 1994 cho phim Xương rồng đen.
Những bộ phim nổi tiếng của Lê Dân còn có Loan mắt nhung, Hồi chuông Thiên Mụ, Tình Lan và Điệp (trước 1975), Dòng sông mơ ước, Ông cố vấn... Ngoài kỷ lục là đạo diễn có nhiều phim tham gia các liên hoan quốc tế nhất, Lê Dân còn là người giúp tạo dựng những tên tuổi màn bạc như: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu (trước 1975), sau này là Diễm My, Việt Trinh...
Thành công liên tiếp với hàng chục bộ phim, nhưng NSƯT Lê Dân lại thất bại với chính bộ phim tâm huyết nhất của cuộc đời. Năm 2010, vị đạo diễn tự bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để làm phim Những bức thư từ Sơn Mỹ (xem trailer) để tham dự Liên hoan phim Cannes 2011. Nội dung phim dựa trên hành trình sám hối có thật của cựu binh Mỹ William Calley, người từng tham gia chỉ huy cuộc thảm sát Mỹ Lai trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Trong suốt hành trình này, cựu binh Mỹ được chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất từng được coi là vùng đất chết trong chiến tranh. Ông cũng được chứng kiến niềm tin bất diệt và lòng vị tha của người dân mà chỉ mấy chục năm trước đó, họ còn coi ông là kẻ thù. Bằng những góc quay đậm chất nghệ thuật, bộ phim khép lại với một kết thúc đẹp và thấm đẫm chất nhân văn.
Sau khi tham dự liên hoan và không đoạt giải thưởng, phim không được công chiếu rộng rãi trong nước. "Tôi có ý định đem công chiếu phim ở các tỉnh với ước nguyện số tiền thu được sẽ chia làm hai phần. Một nửa tôi dành quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam, số còn lại để hoàn vốn. Tôi không tính đến lợi nhuận”, đạo diễn Lê Dân nói.
Nhưng bộ phim chỉ thu được 2 đến 3 tỷ đồng từ một số đài truyền hình mua bản quyền để phát sóng. Ông đã phải bán nhà, xe tại quận 7 (TP HCM) để trả nợ ngân hàng, sau đó mua một ngôi nhà nhỏ hơn tại quận 12 và dành số còn lại gửi tiết kiệm để an dưỡng tuổi già.
Những bức thư từ Sơn Mỹ còn đem đến những rủi ro khác cho gia đình. Tại Pháp, trên hành trình từ Paris đến Cannes dự liên hoan phim, chiếc xe do con trai ông cầm lái chở cả gia đình gặp tai nạn. Ông và con trai may mắn không sao, nhưng con dâu và vợ phải vào viện điều trị. Vào viện, gia đình phát hiện vợ ông bị ung thư phổi. Khó khăn chồng chất, ông dừng công việc đạo diễn suốt ba năm để chăm sóc người phụ nữ mà ông yêu quý hết mực.
Đầu năm nay, vợ ông qua đời. Ở tuổi 86, người đàn ông từng đứng trên đỉnh vinh quang của nhiều giải thưởng điện ảnh, bỗng trở nên run rẩy trước chân dung người vợ quá cố của mình. Ông nói trong nước mắt: "Mất vợ, tôi mất một điểm tựa trong cuộc đời". Hai người quen và yêu từ năm 18 tuổi. Ba năm sau, họ kết hôn và sống với nhau hơn 60 năm và ông kể, chưa khi nào hai ông bà có cãi vã xô xát. Bà vốn là nữ sinh trường Luật, cùng học với ông tại Pháp. Trở về nước, vừa hành nghề Luật, bà vừa lặng lẽ theo sát ông trong từng bộ phim. Nếu như tên tuổi ông gắn liền với phim Ông cố vấn thì bà chính là cố vấn lớn nhất đứng sau những thành công của ông trong sự nghiệp.
Tình cảm chung thủy của đôi vợ chồng nhận được sự trân trọng từ người ngoài. Những ngày trên trường quay Những bức thư từ Sơn Mỹ, ngoài sự say mê trong công việc, Hoa hậu Giáng My còn nhìn thấy ở vị đạo diễn mà cô gọi là thầy vẻ lãng mạn, ân cần qua những cử chỉ chăm sóc vợ. "Suốt quá trình quay, hình ảnh luôn gây ấn tượng với bất cứ ai trong đoàn là hai người già tuổi đã 82 nhưng lúc nào cũng nắm chặt tay nhau, cùng chịu đựng cái nóng, cái khát của nắng gió miền biển. Những tối khuya vất vả, quay đến 3 hay 4h sáng, thỉnh thoảng, thầy lại quay sang vuốt tóc vợ, buông lời nhỏ nhẹ âu yếm: 'Làm nghề này cực không? Ai bảo yêu đạo diễn làm chi?'", Giáng My kể.
Hiện đạo diễn Lê Dân sống một mình trong ngôi nhà nhỏ bằng tiền lương hưu và trợ cấp hàng tháng từ Hội Điện ảnh. Sau đám tang vợ một thời gian, ông quyết định làm phim trở lại, vừa để có thu nhập vừa được sống trọn với đam mê. Hai con trai ở nước ngoài thi thoảng gửi chút ít về biếu bố. "Tính tôi độc lập, không muốn ỷ lại vào người khác, đặc biệt là con cái. Mình có sao thì sống vậy", đạo diễn chia sẻ.
Tuy đời sống khó khăn hơn, Lê Dân vẫn rất kỹ tính khi có lời mời làm phim. Ông chỉ nhận lời làm đạo diễn khi kịch bản được sửa theo ý ông, mọi sự sắp đặt nghệ thuật khác không bị ảnh hưởng bởi nhà sản xuất. Nói về tính cách làm việc của đạo diễn, diễn viên Việt Trinh - người luôn mang ơn ông khi mang đến cho cô vai nữ chính trong phim Xương rồng đen - kể lại: “Chú rất khó và rất chuyên nghiệp. Diễn viên phải diễn thử hết những diễn biến tâm lý khó nhất của nhân vật, đến khi nào cảm thấy ổn, chú mới đồng ý cho nhận vai. Trước khi quay nửa tháng, chú đưa tôi đi thực tế ở những làng Chăm, học từ cách lấy nước, cách mặc quần áo của họ để tôi có thể nhập vai một cách tốt nhất”.
Lê Dân bảo tuy sống một mình hơn tám tháng nay, ông vẫn ổn và không thấy cô đơn. Dăm ba ngày, bạn bè, học trò lại ghé qua thăm ông. Ông nói: "Trong cuộc đời, ai cũng có những thất bại của riêng mình. Bình thản đón nhận nó như một quy luật tất yếu thì sẽ sống ổn. Với tôi, sống ổn bây giờ là biết thu vén với khả năng kinh tế hiện tại, tìm niềm vui trong công việc đạo diễn và truyền nghề cho thế hệ kế tiếp".
Châu Mỹ