Theo Sohu, ngày 2/1, Tạ Phi tham gia tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan phim Con đường tơ lụa lần thứ chín, tại tỉnh Thiểm Tây. Ông nói về quá trình hoạt động sáng tạo của bản thân, các mốc trong sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh Trung Quốc. Nhà làm phim 81 tuổi cho rằng ngày nay, thành tích của phim Trung Quốc tại các liên hoan quốc tế không bằng trước đây, giới trong nghề cần suy nghĩ nghiêm túc về điều này.
Ông lấy ví dụ tháng 9/1992, phim Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu đoạt Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice. Năm 1993, Hỷ yến của đạo diễn Lý An và Hương hồn nữ (Woman Sesame Oil Maker) của Tạ Phi cùng đoạt Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Cùng năm, Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca thắng Cành Cọ Vàng ở Cannes. Trong một năm, bốn phim Hoa ngữ thắng các giải lớn tại châu Âu.
Tạ Phi nói: "Những năm gần đây không nhiều phim của chúng ta vang danh quốc tế, ít tác phẩm đoạt giải. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này. Trước đây, phim của chúng ta có thể giao lưu bình đẳng với toàn thế giới, tại sao bây giờ người ta không đánh giá cao?".
Đạo diễn nói thêm nhiều năm trước, Trung Quốc nhập khẩu phim của nhiều quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico. Nhưng gần 20 năm qua, các tác phẩm ra thị trường Trung Quốc chủ yếu là phim nội địa và Hollywood. Ông cho rằng để phá vỡ thế lũng đoạn của phim thương mại Hollywood, Trung Quốc cần làm những tác phẩm có giá trị cao, mang điện ảnh ra thế giới, tạo sức cạnh tranh ở thị trường nghệ thuật.
Tạ Phi là đạo diễn, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất phim đạt nhiều thành tựu. Năm 1990, ông được vinh danh vì thành tựu cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh tại Liên hoan phim Berlin. Tạ Phi là tên tuổi tiêu biểu của thế hệ đạo diễn thứ tư Trung Quốc (thế hệ tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thập niên 1960).
Nghệ sĩ từng nhiều lần đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng phim ảnh. Năm 2012, khi còn giảng dạy ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, ông công khai bức thư gửi cơ quan quản lý, kêu gọi thay đổi chế độ kiểm duyệt phim điện ảnh. Bấy giờ, Tạ Phi viết: "Ngành điện ảnh Trung Quốc, nếu không tiếp tục cải cách sẽ không có tiền đồ".
Theo tờ Securities Times, Cục Điện ảnh quốc gia đặt mục tiêu Trung Quốc trở thành cường quốc điện ảnh, đề ra các nhiệm vụ phải đạt được cho tới năm 2035. Theo đó, mỗi năm sẽ có khoảng 10 phim "đỉnh cao", vừa hay vừa thu hút khán giả. Cục Điện ảnh chú trọng nâng cao chất lượng phim, đào tạo đội ngũ biên kịch, đạo diễn tay nghề chắc, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất phim... nhằm xây dựng thị trường có sức cạnh tranh cao trên thế giới.
Nghinh Xuân