Theo The Paper, đạo diễn Vương Phù Lâm năm nay 92 tuổi, sống trong căn hộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông ít khi ra ngoài cũng hiếm xuất hiện công khai. Ngược lại, những tác phẩm ông thực hiện - trong đó có kiệt tác Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng - thường là đề tài bình luận nổi bật của khán giả trên mạng xã hội.
Hai tác phẩm đều thường xuyên được phát lại ở Trung Quốc đồng thời đạt hàng trăm triệu lượt xem trên một nền tảng video. Hồi cuối tháng 2, khi được hỏi về thành công của hai phim trên Internet, đạo diễn nói: "Quay xong phim, tôi để tác phẩm lại cho khán giả và thời gian. Tôi tin khán giả là những người giám định chuyên nghiệp nhất còn thời gian là trọng tài công bằng nhất".
Tuổi cao, Vương Phù Lâm vẫn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện lớn nhỏ khi quay Hồng lâu mộng và Tam Quốc diễn nghĩa. Ông cho biết nên duyên với danh tác cổ điển sau một lần công tác ở Anh hồi thập niên 1970. Thấy người Anh dựng phim từ tác phẩm của Shakespeare, ông nghĩ: "Vì sao không đưa danh tác cổ điển lên truyền hình?". Bấy giờ, chưa có tác phẩm cổ điển nào của Trung Quốc được dựng thành phim.
Năm 1982, lãnh đạo đài truyền hình hỏi Vương Phù Lâm có thể quay phim truyền hình nào, ông nói ngay: "Hồng lâu mộng". Một thời gian sau, Vương Phù Lâm được giao nhiệm vụ thực hiện tác phẩm.
Trước khi viết kịch bản, Vương Phù Lâm tốn một năm nghiên cứu nguyên tác, tham vấn từ các chuyên gia Hồng học (bộ môn chuyên nghiên cứu về tác phẩm Hồng lâu mộng). Êkíp thực hiện bộ phim trong 5 năm, tác phẩm phát sóng lần đầu năm 1987.
Vương Phù Lâm không mời diễn viên nổi tiếng tham gia, đoàn phim chủ yếu là các gương mặt mới được tuyển chọn khắp Trung Quốc. Một số cộng sự khuyên Vương Phù Lâm cân nhắc mời người nổi tiếng nhưng đạo diễn chỉ quan tâm khí chất diễn viên có phù hợp nhân vật hay không. Trần Hiểu Húc (đóng Lâm Đại Ngọc) từng bị một số người nhận xét không đủ xinh đẹp nhưng đạo diễn kiên quyết chọn cô. Ông nói: "Trần Hiểu Húc không quá xinh đẹp song cô ấy có khí chất của Lâm Đại Ngọc. Khí chất đó không phải diễn giỏi là có thể diễn ra được".
Khi quay Tam Quốc diễn nghĩa đầu thập niên 1990, Vương Phù Lâm cũng từng bị nhiều người nghi ngờ năng lực vì chọn Đường Quốc Cường đóng Gia Cát Lượng. Bấy giờ, một số đạo diễn cho rằng tài tử "mặt non", khác xa hình tượng "thần cơ diệu toán" của nhân vật. Nhưng Vương Phù Lâm nhận định diễn viên mang nét nho nhã, gương mặt thông minh.
Sau khi hai tác phẩm ra mắt, Vương Phù Lâm được khán giả khen gu thẩm mỹ, chọn diễn viên phù hợp. Nhưng ông nói: "Không phải trình độ thẩm mỹ của tôi cao, mà là tôi chọn người theo miêu tả trong nguyên tác. Nếu tôi cho rằng mình thông minh, tự ý làm khác đi là hỏng rồi".
Cũng như khi quay Hồng lâu mộng, yêu cầu nhất quán của Vương Phù Lâm khi thực hiện Tam Quốc diễn nghĩa là trung thành nguyên tác. Ở bộ phim này, ông làm tổng đạo diễn, năm người khác đạo diễn các phần riêng biệt. Trước khi bấm máy năm 1990, Vương Phù Lâm và các đạo diễn tốn tám tháng nghiên cứu danh tác.
Vương Phù Lâm nhớ lại, có lần, ông và các cộng sự họp thảo luận chỉ vì một câu thoại. Ở cảnh Tào Tháo thăm dò Lưu Bị, nhân vật chỉ Lưu Bị và chỉ bản thân rồi nói: "Thiên hạ anh hùng, chỉ có quân (Lưu Bị) và Tháo này". Biên kịch lo ngại khán giả không hiểu câu văn cổ, muốn sửa thành "chỉ có quân và Tào Tháo này". Cuối cùng, các đạo diễn thống nhất không thêm chữ "Tào" mà giữ nguyên câu trong tiểu thuyết. Bởi nếu thêm vào, đoạn phim không làm bật được sự kiêu hùng, tự đại của Tào Tháo.
Vương Phù Lâm cho biết một trong cách làm khác biệt của ông khi quay phim là, yêu cầu nhạc sĩ vào đoàn trước những người khác. Đối với nhiều êkíp khác, đơn vị sản xuất thường thuê người sáng tác nhạc phim sau khi đã quay xong toàn bộ.
Khi thực hiện Hồng lâu mộng, nhạc sĩ Vương Lập Bình là người đầu tiên tới khu ở dành cho tập thể nhân viên, diễn viên. Lúc đó, người đóng Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Bảo Thoa còn chưa được xác định. Giai đoạn này, Vương Lập Bình cùng các chuyên gia Hồng học tham quan kiến trúc thời Minh, Thanh ở Bắc Kinh. Sau đó, nhạc sĩ sáng tác trước hai bản nhạc để khi các thành viên khác tới, họ được nghe nhạc mỗi ngày, sống trong không khí của Hồng lâu mộng.
Tới lúc dựng Tam Quốc diễn nghĩa, khi kịch bản chưa viết xong, Vương Phù Lâm đã đề nghị nhạc sĩ Cốc Kiến Phân sáng tác giai điệu Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông - nhạc mở đầu bộ phim. Cách làm của đạo diễn nhằm giúp diễn viên nhập vai nhanh hơn, tìm được cảm hứng sáng tạo.
Sau ba, bốn thập niên, Vương Phù Lâm vẫn nuối tiếc một số điểm chưa hoàn chỉnh ở hai tác phẩm. Một trong sai sót ông cho lớn nhất là ở Hồng lâu mộng, Giả Bảo Ngọc (Âu Dương Phấn Cường đóng) nói khi gặp Lâm Đại Ngọc: "Tiểu muội này ta đã gặp ở đâu rồi". Tuy nhiên, phim không tái hiện lần gặp nhau trước đó của họ. Vương Phù Lâm cảm thấy đây là lỗi của ông vì không am hiểu sâu sắc Hồng lâu mộng.
Đạo diễn nói thành công của phim không phải nhờ công lao một người mà nhờ trí tuệ của một tập thể, đạo diễn là người lãnh đạo tập thể đó, làm cho họ đoàn kết. Đạo diễn đồng thời có trách nhiệm tôn trọng tinh thần sáng tạo của mỗi thành viên.
Vương Phù Lâm cho rằng hiện nay một số phim truyền hình chỉ gây chú ý bằng những thứ màu mè bề ngoài, mời vài ngôi sao nổi tiếng tạo sức hút. Điều này không bền lâu. Phim có sức sống hay không phụ thuộc chất lượng.
Nghinh Xuân (theo The Paper)