Tại LHP Berlin diễn ra từ 5/2 đến 15/2, bộ phim Taxi đến từ Iran được giới phê bình nồng nhiệt khen ngợi, được đánh giá là bông hồng nở từ vùng đất Trung Đông. Tác phẩm này và tác giả Jafar Panahi có số phận đặc biệt. Nhà làm phim Iran đang bị giam lỏng ở quê hương, kể từ khi bị phạt 6 năm tù cùng lệnh cấm làm phim trong 20 năm.
Mê phim nhưng bị bố cấm xem phim
Đạo diễn Jafar Panahi sinh năm 1960 trong gia đình theo đạo Hồi ở thành phố Mianeh, tây bắc Iran, có bố là thợ sơn. Hồi Panahi lên 9, hai chị gái trong nhà đến tuổi trưởng thành nhưng bị cấm ra khỏi nhà cũng như bị cấm mọi hình thức giải trí. Các chị gái cử Panahi đi xem phim ở rạp để về kể lại cho họ. Tình yêu điện ảnh nảy nở trong Panahi từ ngày đó. Khi cha phát hiện, Panahi cũng bị cấm đến rạp vì “những phim đó không tốt cho mày". "Còn tôi lại thích xem những gì không tốt cho tôi”, đạo diễn sau này nói.
Một hôm, cha phát hiện cậu vẫn đến rạp, liền phạt roi. Sau đó, Panahi lẻn đến một rạp chiếu thư viện hẻo lánh mà cậu biết chắc cha sẽ không bao giờ tới. Ở đây chiếu các phim nghệ thuật nước ngoài. Xem phim Italy kinh điển Bicycle Thief (Kẻ cắp xe đạp) của đạo diễn Vittorio De Sica, Panahi nhớ mãi. “Đó là bộ phim đầu tiên không lừa dối tôi”, ông nói về tác phẩm có phong cách hiện thực.
Cũng thời gian này, Panahi tự mày mò các công việc liên quan đến máy quay khi được giúp việc vặt cho giám đốc rạp chiếu thư viện. 12 tuổi, Panahi đi làm thêm ngoài giờ học để có tiền mua vé xem phim. Tuổi thơ nghèo khó định hình phong cách nhân văn mà ông tuyên bố trong các tác phẩm sau này.
Năm 20 tuổi, Panahi đăng lính. Nhà quay phim chiến trường ghi lại nhiều bộ phim tài liệu chiến tranh phát sóng trên truyền hình. Sau hai năm quân ngũ, chàng trai trẻ đăng ký học trường điện ảnh ở thủ đô Tehran. Ở đây, đạo diễn được học hành bài bản về điện ảnh. Ông đánh giá cao tác phẩm của những nhà làm phim gạo cội Âu Mỹ như Alfred Hitchcock, Howard Hawks, Luis Buñuel và Jean-Luc Godard.
Phim đầu tay xuất sắc
Ra trường, Panahi làm nhiều phim truyền hình cũng như các tác phẩm ngắn gai góc rồi được làm trợ lý cho đạo diễn Iran nổi tiếng thế giới là Abbas Kiarostami - tác giả của phim Through the Olive Tree.
Năm 1995, Panahi làm phim truyện đầu tay có tên The White Balloon (Bong bóng trắng), kể về một cô bé tiểu học cương quyết tích cóp mấy đồng xu lẻ để mua được một con cá vàng ăn mừng năm mới. Trong khi chọn diễn viên, đạo diễn đi khắp Iran để tuyển được các nhân vật đa sắc tộc. Hầu hết diễn viên trong phim từ người bán cá đến lính trẻ đều là dân nghiệp dư. Nữ diễn viên chính là cô bé ở trường tiểu học đầu tiên ông gặp. Nam diễn viên chính là cậu nhóc đã vượt qua 2.600 bạn khác để giành vai. Làm việc với trẻ em, đạo diễn phải vất vả lấy được lòng tin của cô bé đóng vai chính. Với mỗi cảnh, đạo diễn đều diễn trước cho em bắt chước rồi ghi hình.
Nhà làm phim kể: “Tôi muốn chứng minh với bản thân là mình làm được phim, chỉ đạo được diễn viên với bộ phim đầu tay”. Ông nhấn mạnh: “Nếu thế giới của chúng ta có những bom tấn được làm với ngân sách triệu USD, tôi muốn làm một phim về em bé tìm cách tích cóp một USD và mua được một con cá vàng cho bản thân”.
Khi ra mắt, The White Balloon không ăn khách nhưng lại giành giải thưởng ở hàng loạt liên hoan phim nước ngoài, nổi bật nhất là giải thưởng Camera d’Or (Máy quay vàng) ở LHP Cannes 1995. Tác phẩm cũng được chọn vào danh sách đề cử "Phim nước ngoài xuất sắc" ở Oscar tuy không lọt vào danh sách rút gọn. Trong nhiều năm sau đó, bộ phim được chiếu trên truyền hình Iran vào mỗi dịp Tết.
Những câu chuyện phản biện gay gắt xã hội Iran
Ở phim tiếp theo là The Mirror (1997), vị đạo diễn tiếp tục kể chuyện về số phận của trẻ em Iran. Bộ phim thứ ba The Circle (2000) kể về số phận phụ nữ Iran trong xã hội Hồi giáo hà khắc. Mặc dù bị cấm ở Iran, phim nhận được vô số giải thưởng từ các liên hoan phim nước ngoài, trong đó đáng kể là giải Sư Tử Vàng của LHP Venice.
Hai tác phẩm tiếp theo là Crimson Gold (2003) và Offside (2006) đều xoáy vào những hiện thực xã hội Iran với quan điểm chỉ trích gay gắt. Trong khi Crimson Gold giành giải Un Certain Regard ở LHP Cannes, Offside giành giải Gấu Bạc vinh danh kịch bản xuất sắc ở LHP Berlin. Tương tự số phận của The Cirle, cả hai phim này đều bị cấm chiếu ở Iran.
Với những tác phẩm có phong cách điện ảnh nhân văn khắc họa hiện thực trần trụi, khắc nghiệt, đầy cấm đoán ở Iran, đạo diễn Jafar Panahi nhanh chóng được thế giới công nhận là một trong số ít nhà làm phim Iran đương đại lớn nhất.
Chia sẻ về tình trạng kiểm duyệt khắt khe ở quê hương, đạo diễn nói: “Khi những người như tôi làm những việc này (làm phim nói về hiện thực xã hội), chúng tôi biết mình ở đâu. Chúng tôi được công nhận toàn cầu, và vì thế nhà chức trách Iran không thể gây áp lực quá cho tôi. Tôi muốn nói rằng, nếu thế hệ đạo diễn chúng tôi để cho kiểm duyệt thao túng, thì thế hệ đạo diễn tương lai sẽ rơi vào thảm cảnh vì lúc đó Iran không còn điện ảnh nữa".
Bị cầm tù vẫn làm phim
Bước sang thế kỷ 21, Jafar Panahi thường xuyên bị nhà cầm quyền quốc gia Hồi giáo Trung Đông bắt giữ, cấm cản sáng tạo. Năm 2010, đạo diễn 50 tuổi bị bắt ngay trước thềm LHP Berlin lần thứ 60 "vì làm phim tài liệu về cuộc tái cử gây tranh cãi của Tổng thống Iran đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad”. Cuối năm 2010, đạo diễn bị kết tội cố ý chống đối an ninh quốc gia và tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông bị phạt 6 năm tù tại nhà, cấm làm phim trong 20 năm.
Hàng loạt nhà làm phim, tổ chức điện ảnh và nhân quyền trên thế giới phản ứng lại bản án của Iran. Lý An, Paul Thomas Anderson, Joel và Ethan Coen, Francis Ford Coppola, Oliver Stone, Robert De Niro... ký vào bản kiến nghị đòi thả nhà làm phim bị giam giữ nhưng không thành. Trong diễn văn mừng năm mới nước Iran năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập đến đạo diễn Panahi như trường hợp vi phạm nhân quyền ở Iran. Tháng 4/2011, tạp chí Time đánh giá Panahi đứng thứ ba trong danh sách "10 nghệ sĩ bị đối xử tàn tệ vì thách thức nhà cầm quyền".
Kể từ khi bị giam lỏng tại nhà, đạo diễn vẫn không ngừng sáng tạo. Năm 2011, ông làm bộ phim This is Not a Film rồi đưa lén ra nước ngoài, công chiếu ở LHP Cannes. Phim sau đó lọt vào danh sách rút gọn 15 đề cử Oscar "Phim tài liệu xuất sắc". Năm 2013, đạo diễn tiếp tục làm phim Closed Curtain kể về cuộc sống bị cầm tù của chính ông. Bộ phim lại giành giải "Kịch bản xuất sắc" ở LHP Berlin bất chấp sự phản đối của chính quyền Iran.
Năm nay, phim Taxi của Jafar Panahi lại dự tranh giải chính thức của LHP Berlin. Trong phim, Panahi đóng vai tài xế taxi lái xe quanh thủ đô Tehran hỏi chuyện người dân. Tác phẩm được làm trong tình trạng cấm đoán và trái phép nhưng được người xem ở Berlin đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho giải Gấu Vàng. Từ Iran, nhà làm phim phát biểu: “Không gì có thể ngăn cản tôi làm phim. Từ khi bị đẩy vào góc nhà này tôi luôn đối thoại với nội tâm. Càng cấm đoán tù đày, nhu cầu sáng tạo trong tôi càng thôi thúc”.
Vũ Văn Việt